Lí do bạn học từ vựng tiếng Anh không hiệu quả và giải pháp để cải thiện

Thứ sáu, 24/03/2023 00:14 (GMT+7)

Trong quá trình học tiếng Anh, có lẽ ai cũng đã trải qua trường hợp học rất nhiều từ vựng, nhưng lại không biết áp dụng chúng vào bài viết, bài nói. Điều này dễ khiến chúng ta trở nên mất động lực, chán nản với việc học ngoại ngữ. Vậy rốt cuộc là do đâu?

1. Không học từ vựng theo chủ đề

Đây là vấn đề chung của đại đa số người học tiếng Anh. Chúng ta thường có thói quen học mọi từ vựng mà mình gặp, cứ hễ thấy có từ vựng mà mình chưa biết nghĩa thì lại tra từ điển và cố ghi nhớ ý nghĩa của chúng.

Việc học này khiến các từ vựng đi riêng lẻ, lộn xộn, không liên kết được với nhau. Giải pháp đưa ra là học từ vựng theo chủ đề và thành lập một danh sách từ vựng theo chủ đề ấy.

Hãy bắt đầu với những gì bạn thích. Ví dụ như bạn quan tâm tới Y học, thì hãy tìm những bài báo, bài đọc về Y tế, sức khỏe. Sau đó gạch chân dưới những từ vựng Y khoa quan trọng, sắp xếp nó vào hệ thống từ vựng chủ đề Y học của bạn. Bước tiếp theo là hãy tìm thêm nhiều bài đọc, bài nghe để luyện tập.

Có thể bạn sẽ gặp lại những từ vựng đã học đấy! Phương pháp học từ vựng theo chủ đề này giúp những từ vựng mà bạn học trở nên logic, hệ thống, có tính liên kết và giúp bạn nhớ từ lâu hơn. Từ đó, khi dùng tiếng Anh, bạn cũng không mất thời gian quá lâu đề cố nhớ lại từ vựng mà mình muốn diễn đạt nữa.

Hình ảnh : Hoc từ vựng theo chủ đề (ảnh sưu tầm)

2. Chỉ học nghĩa của từ

Lại là một sai lầm nữa mà rất nhiều người mắc phải, đó là chỉ học mỗi nghĩa của từ mà bỏ quên gia đình từ, cách dùng và sắc thái của từ. Chúng ta thường học từ vựng bằng cách chia trang giấy ra làm đôi, một bên ghi từ vựng tiếng Anh, bên còn lại ghi ý nghĩa tiếng Việt.

Sau đó cố học thuộc ý nghĩa tiếng Việt của từ. Đây là một cách học từ vựng không mấy hiệu quả, vì chỉ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của từ chứ không giúp ta biết cách sử dụng từ đó. Vì vậy, khi học một từ mới, hãy tra từ điển thay vì dò nghĩa trên google dịch. Đọc thật kĩ các ví dụ để hiểu nên sử dụng từ vựng đang học trong hoàn cảnh nào, sau đó tự đặt một ví dụ đơn giản với từ đó.

Việc làm này sẽ giúp ấn tượng về từ được khắc sâu vào trong tiềm thức, để gặp hoàn cảnh nào thì từ vựng thuộc hoàn cảnh đó sẽ tự động “bật” ra trong đầu. Cũng nên chú ý thêm các yếu tố xung quanh từ, ví dụ như gia đình từ (dạng danh từ, động từ, tính từ, trạng từ của một từ), từ đồng nghĩa, trái nghĩa và một số cấu trúc liên quan.

Hình ảnh : Ghi chép từ vựng chỉ theo ý nghĩa

3. Không ôn tập từ vựng thường xuyên

Hermann Ebbinghaus đã chỉ ra rằng não bộ con người chỉ có thể ghi nhớ một lượng thông tin trong một khoảng thời gian nhất định. Ông đã minh họa sự hao hụt thông tin của não bộ theo thời gian qua là đường cong lãng quên Ebbinghaus (Ebbinghaus Forgetting Curve).

Hình ảnh : Đường cong quên lãng Ebbinghaus (ảnh sưu tầm)

Qua đường cong này ta có thể thấy, thông tin sẽ bị hao hụt hơn 40% sau một ngày được não bộ tiếp thu, và tỉ lệ lãng quên này sẽ tăng lên theo từng ngày cho tới ngày thứ tám – não bộ ta sẽ quên sạch những thông tin đã tiếp nhận. Vậy nên, nếu chỉ học từ vựng duy nhất một lần mà không ôn tập lại thì sớm muộn những từ vựng chúng ta đã học sẽ rơi vào quên lãng và lại trở thành từ mới. Nếu chúng ta ôn tập từ vựng mỗi ngày trong bảy ngày, thì những từ vựng đó sẽ chuyển đổi thành trí nhớ dài hạn, không bao giờ quên.

Muốn thông thạo một ngôn ngữ, trước hết phải sử dụng được từ vựng của ngôn ngữ đó. Nếu bạn còn đang đau đầu với việc học từ mới thì hãy lưu ngay bài viết này lại và thay đổi thói quen học từ vựng ngay từ hôm nay nhé!

HÀ NHI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: