Lồng đèn chở những yêu thương

Thứ hai, 28/09/2020 22:40 (GMT+7)

Nhỡ một ngày, chiếc lồng đèn tuổi thơ bị thay thế bởi muôn kiểu lồng đèn hiện đại… Không đâu, vì còn biết bao người yêu lồng đèn truyền thống và mong muốn gửi gắm những hồi ức.

Con gái bác thợ làm lồng đèn

Đó là câu chuyện của chị Thu Hồng (28 tuổi, Q.12), người luôn mang theo niềm tự hào mỗi khi nhắc đến gia đình mình, nhất là mỗi độ trăng về. Chị chia sẻ: “Bố mẹ mình sinh ra ở làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nơi đây nổi tiếng với làng nghề làm đèn ông sao truyền thống. Cái nghề này đã theo bố mẹ ngót ngét hơn 60 năm và là nguồn thu nhập chính, nuôi mấy anh em mình ăn học”.

Chị Thu Hồng

"Kỉ niệm sâu sắc nhất với mình có lẽ là những mùa hè bận rộn. Cứ đến hè nhà mình lại làm lồng đèn nên mình phải phụ bố mẹ từ sáng đến tối. Con nít trong xóm tụ tập trước sân nhà mình chơi, nhưng mình chỉ ngồi ngó mà không được tham gia. Lâu lâu lén chạy ra chơi một tí thì bị mẹ quất cho mấy roi tre vì nhà mình nhiều tre lắm (cười)”, chị Thu Hồng bật mí.

Kí ức trung thu của thế hệ 8X, 9X luôn gắn với lồng đèn thủ công

Mùa trăng đáng nhớ

Niềm hạnh phúc của chị Thu Hồng là trong đám rước rộn ràng kia, những chiếc đèn mà đám bạn cầm trên tay, chính là lồng đèn của bố mẹ mình làm ra. Chị tâm sự: “Lồng đèn của mình luôn đặc biệt hơn so với những đứa trẻ khác. Đó là chiếc lồng đèn kéo quân “độc nhất vô nhị”, cực kì tinh xảo và công phu, do bố và anh trai đã thiết kế dành riêng cho mình”.

Từ khâu chẻ tre, cột đèn, dán giấy và vẽ trang trí đều là 100% handmade

Cũng vì sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống, ngày còn đi học, chị Thu Hồng chưa lần nào để vụt giải cao nhất trong cuộc thi làm lồng đèn tại trường. “Mình có khả năng học theo khá tốt, nên những công đoạn bố mẹ làm đèn mình đều nắm được. Khi trường tổ chức thi làm lồng đèn thì nhà mình đã qua “mùa vụ”, nên trong nhà không còn vật liệu để làm. Các bạn trong lớp đã cùng mình đi chặt tre trên núi, sau đó mình đã tự chẻ và đánh dấu những chỗ nào cần cột. Nhà trường phát sẵn giấy kiếng và bút vẽ. Đến giờ thi, các bạn trong đội chỉ cần làm theo chỉ dẫn của mình, mỗi người một khâu nên rất ăn ý. Chiếc đèn mình làm to nhất, xong sớm nhất nên luôn giành hạng cao và được trưng bày ở phòng ban giám hiệu”, chị hào hứng.

Đèn lồng chở trăng đi đâu?

Cuộc sống ngày càng hiện đại, chiếc lồng đèn chạy bằng pin với kiểu dáng bắt mắt vô tình làm teen quên đi thức quà mộc mạc. Thế nhưng, kí ức giống như ngọn lửa âm ỉ cháy, đi qua năm tháng vẫn luôn được giữ gìn. Chị Thu Hồng chia sẻ: “Cách đây hơn 10 năm, bố mẹ mình bỏ nghề lên Sài Gòn tìm công việc khác. Phần vì anh em mình đi học, đi làm xa, ở nhà không có người phụ; phần vì kinh tế khó khăn. Thế nhưng, tình yêu dành cho lồng đèn truyền thống đã thôi thúc bố mẹ trở lại với nghề ở độ tuổi về hưu”.

Dù thế nào đi nữa, lồng đèn thủ công qua bàn tay tài hoa của người thợ vẫn âm thầm mang trong mình sự quyến rũ. Bởi nó gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ và gợi nhớ vô vàn kỉ niệm.

Ngày nay lồng đèn còn dùng để trang trí tại các quán xá

THỦY VY

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: