Lưu ý gì khi ôn thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu năm học?

Thứ bảy, 05/10/2024 14:16 (GMT+7)

Dù chỉ mới bước vào năm học, các teen đã gấp rút ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực.

Lưu ý gì khi ôn thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu năm học?- Ảnh 1.

Tuấn tự tin giao tiếp trước đám đông - Ảnh: NVCC

Lập sơ đồ kế hoạch học tập

Ngay khi vừa kết thúc năm học lớp 11, Võ Hoàng Anh Tuấn (lớp 12A9, Trường THPT Bình Phú, quận 6) đã bắt tay lên kế hoạch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bạn mong muốn vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Cậu bạn ôn tập kỹ lưỡng cả hai phần: kiến thức thi tốt nghiệp và luyện đề thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành. Bên cạnh đó, Tuấn cũng đặt mục tiêu điểm thi ba môn Toán, Lý, tiếng Anh trên 9.

Khi vào năm học mới, cậu bạn điều chỉnh thời gian biểu của mình để phù hợp với lịch học trên lớp và 4 tiếng tự học mỗi tối. Bạn tìm kiếm đề thi từ các trường, các tỉnh trên mạng để giải. Những lúc gặp câu hỏi khó hay những kiến thức giáo viên chưa dạy tới, bạn sẽ tìm kiếm bài giảng online để tìm hướng đi, cách xử lý.

Tuấn lập bảng tự theo dõi tiến trình học với các mục tiêu:

* Mục tiêu học tập: Xác định rõ những kiến thức cần ôn luyện, những kỹ năng cần trau dồi cho từng môn học và cho cả bài thi đánh giá năng lực.

* Thời gian biểu: Phân chia thời gian học tập cụ thể cho từng môn học, từng phần kiến thức, bao gồm cả thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.

* Nội dung học tập: Ghi chép lại những kiến thức đã học, những bài tập đã làm, những vấn đề còn thắc mắc.

* Đánh giá định kỳ: Đánh giá lại kết quả học tập của mình sau mỗi tuần, mỗi tháng, bao gồm cả điểm số, sự tiến bộ.

Việc lập bảng theo dõi chi tiết giúp Tuấn có cái nhìn tổng quan về quá trình học tập của mình, từ đó có thể điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp và đạt được hiệu quả cao nhất.

Tuy biết cách sắp xếp lịch học rõ ràng nhưng đôi lúc cậu bạn cũng gặp áp lực. Tuấn lo ngại bản thân khó cân bằng được giữa đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, bạn tin rằng, sự nỗ lực và chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp mình có lợi thế hơn trong cuộc đua vào đại học.

Hơn nữa, việc chủ động ôn luyện từ sớm cũng giúp Tuấn có thêm thời gian để khám phá bản thân, tìm hiểu thêm về ngành nghề mình yêu thích và phát triển các kỹ năng cần thiết.

Học trước kiến thức để dành thời gian ôn tập

Ngay khi học lớp 10, Nguyễn Thị Bảo Ngọc (lớp 11XH1, Trường THPT Thanh Hòa, Bình Phước) đã học xong kiến thức lớp 11.

Và sau khi mùa hè lớp 11 khép lại, bạn đã học xong chương trình lớp 12. Đến khi năm học mới bắt đầu, bạn dồn hết sức ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực.

Cô bạn cũng chủ động tìm kiếm tài liệu, tham gia các khóa học online, làm bài tập thử để nâng cao kiến thức và kỹ năng. 

Chia sẻ về lý do xuất phát sớm, Ngọc cho rằng: “Chương trình học mới đòi hỏi học sinh phải chủ động, tích cực hơn trong việc tiếp thu kiến thức, phải biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phải có khả năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả”.

Hơn nữa, với việc áp dụng hình thức thi đánh giá năng lực, Ngọc nhận thấy rằng chỉ tập trung vào kiến thức sách giáo khoa là chưa đủ.

“Kỳ thi đánh giá năng lực yêu cầu học sinh phải có kiến thức nền tảng vững chắc, kỹ năng tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng thích ứng với những tình huống mới”, Ngọc giải thích. Vì vậy, cô bạn đã chủ động tìm hiểu, ôn luyện kiến thức một cách toàn diện, không chỉ dừng lại ở những kiến thức trong sách giáo khoa.

Mỗi ngày, bạn thức dậy lúc 3h30 sáng để học bài, ôn tập trọn vẹn những kiến thức theo chuyên đề từ lớp 10, 11 và 12. Đến tối, Ngọc lại ôn luyện ở các lớp học online và giải đề. Không những thế, trước khi đi ngủ, bạn dành hơn một tiếng để học từ vựng tiếng Anh mới.

Lưu ý gì khi ôn tập sớm?

Để tránh tình trạng học lệch môn khi bắt đầu ôn thi tốt nghiệp, thầy Nguyễn Duy Phú (giáo viên môn Ngữ văn, Trường TH-THCS-THPT Tre Việt cơ sở huyện Hóc Môn) lưu ý:

* Cần đề ra mục tiêu học tập rõ ràng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập của tất cả các môn học.

* Sắp xếp thời gian học tập hợp lý để có thể vừa học tập đủ các môn trong chương trình, vừa ôn luyện các môn trong tổ hợp mà bản thân lựa chọn.

* Cần thay đổi suy nghĩ chỉ tập trung vào các tổ hợp môn mà bỏ qua những môn học khác. Hãy cân bằng việc học đủ các môn để có thêm nhiều kiến thức liên môn hỗ trợ cho bài thi đạt kết quả cao và mang lại kết quả học tập tốt cho năm học.

* Riêng đối với môn Ngữ văn: Trong suốt quá trình học tập và ôn luyện, các bạn cần nắm chắc, nắm vững các đặc trưng thể loại; thường xuyên luyện đề để rèn kỹ năng đọc hiểu và phân tích đề.

Bên cạnh việc học tập và ôn luyện tại lớp, các bạn còn có thể đầu tư cho bản thân bằng cách tự học.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bình Phú, quận 6) khuyên:

* Phân bổ thời gian hợp lý, đảm bảo không quá sa đà vào một bên mà bỏ bên kia.

* Xác định môn học, khối thi của bản thân để tập trung ôn tập.

* Tìm không gian học tập yên tĩnh và thoải mái.

* Tập trung nghe giảng, ghi chép đầy đủ, tránh học môn này nhưng giải bài của môn khác.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: