Mê mẩn những hoạt động thú vị này của Gia đình Haha tại Bản Liền

Thứ hai, 07/07/2025 18:08 (GMT+7)

Trong 7 ngày lưu trú, dàn cast của Gia đình Haha được trực tiếp tham gia vào những công việc hằng ngày của đồng bào Tày tại Bản Liền.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 1.

Ngọc Thanh Tâm và Rhymastic tập trung đào sắn - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Cùng điểm lại một số hoạt động thú vị trong chương trình Gia đình haha để hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống của người dân nơi miền cao Tổ quốc này nhé.

Đào sắn

Một trong những hoạt động đầu tiên mà các thành viên Gia đình Haha được trải nghiệm tại Bản Liền là lên đồi đào sắn.

Theo chị Thông, người dân ở đây thường thu hoạch sắn 2 ngày 1 lần, mỗi lần lấy đầy 1 địu. Sắn ở vùng này thường là sắn 1 năm nên có hình dáng thon dài, củ màu nâu và nhỏ hơn sắn 2 năm.

Chị Thông chia sẻ thêm, người dân thu hoạch sắn thường dùng để sinh hoạt, ăn uống trong gia đình, cho gia súc, gia cầm ăn, ít khi đem bán.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 2.

Jun Phạm cũng rất hăng hái với công việc đầu tiên này - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Sắn có củ mọc lẻ, có củ mọc theo chùm và bám trên rễ gỗ. Để thu hoạch sắn, cần phải dùng một thân cây cứng, thon, dài cắm vào đất, đẩy dần củ sắn lên, sau đó kéo ngược lại hướng củ mọc để dễ dàng lôi củ lên mà không làm gãy thân củ.

Cày ruộng bậc thang

Ruộng bậc thang không chỉ là cảnh quan tuyệt đẹp đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, mà còn là vụ mùa, là kế sinh nhai của người dân ở đây.

Theo lời chị Thông, từ khoảng tháng 6, vợ chồng chị bắt đầu cày ruộng để chuẩn bị cho vụ mùa vào khoảng tháng 9. Hầu hết gạo và lương thực ở vùng này đều do người dân tự trồng, tự cấy để dùng dần. Mỗi vụ mùa, anh chị sẽ trồng khoảng 8 - 9 loại lúa khác nhau.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 3.

Bé trâu Thẩu của gia đình anh Hà chị Thông vừa là một người bạn 4 chân đáng yêu, vừa là trợ thủ đắc lực những mùa cấy lúa - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Dù vẫn có máy móc hỗ trợ, nhưng do đặc thù địa hình dốc, nhiều bậc thang, các hộ dân tại Bản Liền nói riêng và vùng núi phía Bắc nói chung vẫn còn sử dụng trâu và cày làm sức lao động chính trong mỗi mùa lúa.

Trước khi cày, anh chị sẽ xả nước để làm mềm cây và cho trâu cày 1 - 2 đường cho quen rồi mới bắt đầu cày sâu cuốc rộng.

Hái măng

Trong tập 2, các thành viên của Gia đình Haha được trải nghiệm một ngày lao động của đồng bào tại Bắc Hà bằng hoạt động hái măng.

Theo chị Thông hướng dẫn, trước tiên cần phải đạp ngang hoặc dùng tay bẻ ngang thân măng, sau đó mới dùng dao chặt đi. Măng ở đây không cần phải lấy cả gốc vì còn để lại cho chúng phát triển tiếp.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 4.

Chị Thông lưu ý các thành viên chỉ nên hái những gốc măng còn nguyên vẹn, không bị dập nát, ố đen - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Ngoài ra, chị cũng lưu ý không nên hái những ngọn măng không còn nguyên vẹn hoặc đã bị trâu ăn, vì măng sẽ không còn ngon và cũng dễ bị nhiễm khuẩn từ môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, sau khi hái về, phần thịt măng màu trắng có thể dùng cho sinh hoạt, ăn uống trong gia đình, phần còn lại như vỏ, ngọn măng thì dùng cho ngựa ăn. Chị Thông nhắc dàn cast không cần chặt bớt quá nhiều, vì phần nào của măng cũng có thể sử dụng cho các mục đích khác.

Nấu ăn trên rừng

Sau khi hái măng, chị Thông dẫn Gia đình Haha về một lán trại giữa đồi để nghỉ trưa. Chị kể rằng mỗi ngày khi lên rừng hoặc lên đồi làm việc, nếu xa quá không kịp về nhà nghỉ trưa thì chị sẽ mang theo đồ để nấu và ăn ngay tại lán trại này.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 5.

Lán trại nhỏ nơi cả Gia đình Haha dừng nghỉ chân sau một buổi sáng thấm mệt trên rừng - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Lán trại nằm trên một khoảng đất trống nhỏ trên triền đồi xanh um. Đây là khu vực được kiểm lâm cho phép đốt lửa nấu ăn và đảm bảo không gây ra nguy cơ cháy rừng.

Bên cạnh việc nấu và ăn ngay trên đồi, các thành viên còn được trải nghiệm chặt ống tre để được cơm, hay tuốt dẻ và gọt tre làm đũa.

Đây đều là những trải nghiệm chân thật và gần gũi với thiên nhiên mà chị Thông chuẩn bị để dàn cast hiểu hơn về cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 6.

Đồ ăn mang theo được đựng trong những ống tre to được vót gọt kỹ càng - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Đi chợ huyện

Chợ trung tâm Bản Liền cách nhà chị Thông khoảng 7 - 8km, phải di chuyển bằng xe máy. Theo chị chia sẻ, chị thường tranh thủ đưa các con đi học ở trường gần đó rồi ghé vào chợ để sắm sửa cho gia đình.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 7.

Chợ trung tâm Bản Liền hiện lên đầy sắc màu qua ống kính của Gia đình Haha - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Chợ của đồng bào miền núi chủ yếu bán các thực phẩm sống và rau sạch, ngoài ra còn có gia súc, gia cầm, trang phục dân tộc hay các món ăn vặt như trà sữa trân châu, chè, bánh cam.

Ngoài ra, chợ còn bán đặc sản của Bắc Hà, đó là phở hồng Bắc Hà, được chế biến thủ công từ gạo lức hồng trên các thửa ruộng bậc thang bạt ngàn.

Đây là một trong những món ăn khiến 2 thành viên Duy Khánh và Ngọc Thanh Tâm phải tấm tắc khen ngon.

Hái chè

Chè là đặc sản của cùng núi phía Bắc, vì thế không hề bất ngờ khi chị Thông cũng đưa Gia đình Haha theo chân mình lên đồi hái chè.

Đồi chè của nhà chị xanh um, phủ toàn lá chè đã chín muồi. Theo chị hướng dẫn, khi hái chè phải hái theo kiểu “1 tôm 2 tép”, mỗi lần hái thấy đủ 3 lá là chuẩn.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 8.

Chị Thông trèo lên hái các lá chè trên ngọn 1 cây chè hơn 300 năm tuổi trên đồi nhà chị - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Một lần hái chị thường hái được khoảng 5 - 10 kg chè. Nhờ có sự giúp sức của các thành viên mà hôm ấy cả nhà thu hoạch được kha khá, đủ để chuẩn bị cho buổi cúng mùa vào hôm sau và còn dư dả để gia đình giữ lại dùng trong sinh hoạt.

Chuẩn bị mâm cúng mùa

Buổi lễ cúng mùa của đồng bào Tày thường diễn ra vào đầu năm hoặc trước các vụ cấy lúa, làm chè, vụ ngô, vụ sắn.

Ngoài cầu cho một vụ mùa thành công, thuận lợi, lễ cúng còn diễn ra với mục đích cầu bình an, may mắn cho gia đình và bản làng.

Để chuẩn bị cho lễ cúng, đêm trước đó mọi người trong gia đình cùng nhau tụ họp lại để chuẩn bị. Người thì giã, xào chè, tốp thì ngồi gói và đồ xôi.

Bầu không khi ấm áp và quây quần khiến các thành viên của Gia đình Haha và khán giả ngồi bên kia màn hình cũng rất hạnh phúc và thoải mái.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 9.

Chè hái ban sáng được giã nhuyễn và xào thật khô trên chảo nóng - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 10.

Minh Tuyết, Duy Khánh và Jun Phạm phụ gia đình chị gói và nặn xôi - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Trong lễ cúng, người tham gia không được mặc trang phục toàn màu trắng. Khi lễ thành, các thầy sẽ cột cho mỗi người một sợi chỉ vào tay, với ý nghĩa cầu chúc bình an và may mắn cho họ.

Theo chị Thông chia sẻ, nếu sợi chỉ bị đứt hoặc hư hỏng thì có thể tháo xuống về đặt dưới gối nằm để giữ lại may mắn.

Ném còn

Ném còn là một trò chơi dân gian phổ biến tại các tỉnh miền núi phí Bắc. Trong Gia đình Haha, các thành viên được trải nghiệm trò chơi này với hình thức đấu đội.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 11.

Các trái còn đều do mẹ chị Thông (người thứ 2 từ trái sang) làm thủ công trong suốt 3 ngày - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Mỗi đội sẽ thay phiên nhau ném các trái còn - một túi vải chứa cát bên trong, gắn thêm một đuôi tua rua màu sắc - vào vòng tròn đỏ treo trên đỉnh một cây nêu cao. Ai ném trái còn trúng vào vòng tròn trước sẽ là người thắng cuộc.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 12.

Khung cảnh mọi người chơi ném còn giữa ruộng bậc thang đẹp như thơ - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Ném còn không chỉ là một hoạt động trải nghiệm, gắn kết các thành viên của Gia đình Haha và đồng bào tại Bản Liền, mà trò chơi còn mang ý nghĩa cầu một mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở, người dân ấm no đầy đủ.

Bóc vỏ quế

Sau khi ném còn, Gia đình Haha lại được chị Thông dẫn sang nhà em gái chị - chị Vàng Thị Nâng - để thăm gia đình và phụ bóc vỏ quế.

Đối với cây quế, một cây sẽ có thời gian sinh trưởng tầm 10 - 12 năm, vỏ quế khi bóc ra sẽ chỉ có giá khoảng 15 - 20 nghìn VNĐ một đoạn.

Ngoài ra, các bộ phận khác của cây như hoa quế, thân quế cũng sẽ được tận dụng vào nhiều mục đích khác nhau, kiếm kế sinh nhai và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân ở đây.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 13.

Các thành viên phụ tước vỏ quế - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Theo chị Nâng và chị Thông hướng dẫn, với những cây quế thẳng, cứng, ta sẽ bóc tác vỏ quế thành từng miếng to, cong tròn theo hình dạng thêm cây.

Còn đối với những cây quế nhỏ và cong vẹo thì sẽ phải gọt lớp ngoài hoặc đập thân cây rồi mới bắt đầu tách vỏ.

Trồng sắn

Thời gian còn lại ở Bản Liền, chị Thông cùng Gia đình Haha leo lên một khu đồi trống, sau đó mỗi người một tay phụ trồng sắn xuống mảnh đất này.

Chị Thông chia sẻ rằng, trước khi trồng sắn phải đào một hố, sau đó đặt các đoạn thân cây sắn cứng, nhiều mắt gỗ xuống. Cuối cùng là rải hạt cải và lấp đất lại.

Khi rắc hạt cải xuống cùng cây sắn, cả 2 sẽ cùng lớn lên và sau này chị có thể thu hoạch cả 2 cây cùng lúc để tiết kiệm thời gian.

Nhìn lại những hoạt động thú vị của Gia đình Haha tại Bản Liền - Ảnh 14.

Ngày đầu tiên trải nghiệm đào sắn, đến khi ra về, các thành viên của Gia đình Haha lại giúp chị Thông trồng sắn - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Công việc cuối cùng này cũng đã gần như khép lại hành trình khám phá và trải nghiệm của Gia đình Haha tại Bản Liền, Lào Cai.

Qua chặng đầu tiên này, cả dàn cast và khán giả cũng đã có thêm kiến thức và hiểu biết về các nét văn hoá, cuộc sống sinh hoạt và làm việc của đồng bào dân tộc Tày tại các vùng núi phía Bắc.

Đây không chỉ là một hành trình trải nghiệm, mà còn là hành trình tôn vinh văn hoá và đề cao các nét đẹp văn hoá, nét đẹp lao động của người nông dân. Đồng thời để họ tự kể câu chuyện văn hoá bằng chính hành động, suy nghĩ và tình cảm của họ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: