avatar THANH TÂM

Thứ bảy, 05/08/2023 16:49 (GMT+7)

Đồng hồ báo thức vừa reo, bạn Phạm Vũ Duy Thức (lớp 7 Trường THCS Lê Thành Công, huyện Nhà Bè) vội vàng tỉnh giấc.

Nhiều ngày qua, cậu bạn đều dậy thật sớm để có thể tận mắt nhìn thấy "thú cưng" của mình lột xác. Đúng như mong đợi, từ trong chiếc kén nhỏ, chú bướm đủ màu sắc đang từ từ chui ra khỏi chiếc vỏ của mình. Duy Thức trầm trồ reo lên: "Đẹp quá!".

Mùa hè nuôi sâu bướm - Ảnh 1.

Các bạn được nghe chú Quang chia sẻ kiến thức về loài sâu bướm

Vốn thích nuôi thú cưng để làm bạn, thế nhưng Duy Thức lại khá nhạy cảm với lông chó mèo, thường xuyên dị ứng. Vì thế, cậu bạn chỉ dám nhìn ngắm chúng từ xa.

Bỗng một ngày, mẹ hỏi Thức: "Con có muốn tham gia lớp học về côn trùng, tìm hiểu loài sâu bướm không?". Lúc ấy, Thức nhận lời mẹ nhưng cậu bạn thật sự không thích lắm. Trong suy nghĩ của Thức loài sâu trông thật đáng sợ, là nỗi ám ảnh của mình và bạn bè.

Cuối tuần, Thức được mẹ dẫn đến Khu du lịch Bửu Long (Đồng Nai) để tham gia buổi workshop Nuôi sâu bướm. Buổi học chính là cơ hội để bạn tìm hiểu về vòng đời của những chú sâu con đến lúc hóa bướm. Bước vào không gian lớp học, Thức há hốc mồm ngạc nhiên khi trước mắt cậu đủ các loại tiêu bản, mẫu vật của rất nhiều loài bướm, từ các loại bướm thông thường, dễ nhìn thấy trong tự nhiên đến các loài bướm có kích thước to được bảo quản rất cẩn thận.

Để các bạn tiếp cận kiến thức một cách tốt nhất, chú Tô Văn Quang (chuyên gia côn trùng) đã dẫn các bạn ra vườn bướm để quan sát. Khu vườn rộng lớn với rất nhiều loài sâu sinh sản làm kén.

Duy Thức chia sẻ: "Thấy bọn tớ còn chút sợ sệt, chú Quang đã ngắt chiếc lá có một bé sâu nhỏ trên đó rồi giới thiệu cho bọn tớ biết bạn sâu này tên gì, sống ở đâu, thích ăn cây lá nào... Không chỉ thế, tớ được biết thêm và nhận diện loài sâu nào gây ngứa. Theo chú, bướm đêm là những con sâu chứa nhiều lông gây ngứa nếu lỡ đụng vào, còn những bé sâu mình láng bóng, không có lông sẽ lột xác thành bướm ngày, loài này không gây ngứa".

Kết thúc buổi học, Duy Thức cùng bạn bè được tự do bắt sâu trong vườn để trải nghiệm nuôi sâu. Cậu bạn bỏ chúng vào một cái hộp rồi cẩn thận chăm sóc. Mỗi ngày, Thức sẽ hái lá cây cho những chú "thú cưng" của mình ăn. Vệ sinh nơi ở cũng dễ, chỉ cần gắp chúng ra, rửa chuồng sạch sẽ rồi dùng khăn giấy lau khô là được.

"Loài sâu chỉ ăn được những cây mà chúng đẻ trứng lên, mỗi loài ăn được khoảng 2 loại cây chứ không ăn nhiều. Mỗi lần ăn, chúng sẽ ăn theo vòng cung. Đặc biệt, sâu không cần uống nước vì trong lá cây có đủ nước rồi", Thức hào hứng kể.

Hiểu thêm vòng đời của sâu bướm

Để có thể hóa thành những chú bướm xinh đẹp, chúng sẽ trải qua các vòng đời: trứng, sâu, nhộng rồi mới lột xác thành bướm. Trứng cần khoảng 2-3 ngày mới nở thành sâu. Những chú sâu bé tí sẽ lột xác 5 lần rồi to lên. Sau đó, sâu nhả tơ, hóa kén và nằm im trong một thời gian dài. Tùy theo tập tính của từng loài mà thời gian trưởng thành khác nhau, chúng sẽ phá kén chui ra trở thành những chú bướm xinh đẹp tuyệt vời.

Vòng đời sâu bướm

Mùa hè nuôi sâu bướm - Ảnh 8.

Những chú bướm xinh đẹp phá vỡ lớp kén của mình, trông thật đẹp!

Em Phan Ngân Hà (10 tuổi, TP.Thủ Đức) rất thích thú khi nhận biết được nhiều loài bướm như bướm chanh di cư, bướm báo hoa vàng, bướm phượng cam, bướm đuôi kiếm… Nuôi sâu bướm giúp Ngân Hà học được cách quan sát tỉ mỉ và rèn luyện tính kiên nhẫn. Mỗi ngày, cô bạn sẽ theo dõi và viết nhật kí trưởng thành của loài sâu bướm.

Mùa hè nuôi sâu bướm - Ảnh 3.

Ngân Hà khoe chú bướm của mình

"Thích nhất là bướm phượng cam, hoa văn của chúng có hình tròn, khi gập cánh lại có hình như chim diều hâu trông thật lạ mắt. Bướm chanh di cư thì rất dễ thương, lại dễ nuôi. Mỗi lần chúng ăn no sẽ di chuyển vòng vòng trong hộp rất đáng yêu", Ngân Hà chia sẻ.

Từ ngày được biết thêm về loài côn trùng mới, Ngân Hà rất tự tin khi khoe với bạn bè những kiến thức mà mình đã học được. Những chuyến dã ngoại trong rừng, cô bạn đã biết phân biệt các loài sâu và bướm.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: