Mưa sao băng, sao chổi hiếm sẽ 'thắp sáng' bầu trời tháng 7

Thứ hai, 01/07/2024 23:13 (GMT+7)

Nhiều sự kiện như mưa sao băng Delta Aquarids, sao chổi 13P, sao Thủy… chắc chắn sẽ cuốn hút những người yêu thích thiên văn trong tháng 7 này.

Trăng tròn tháng 7 - Ảnh: NJ.COM

Trăng tròn tháng 7 - Ảnh: NJ.COM

Ngày 5-7: Trăng mới

Theo Hội Thiên văn Hà Nội, vào thời điểm trăng mới, Mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía với Mặt trời so với Trái đất, do đó không thể nhìn thấy trên bầu trời đêm.

Pha này sẽ diễn ra lúc 19h49 (giờ Việt Nam). Đây cũng là thời điểm lý tưởng nhất trong tháng để quan sát các thiên thể mờ như các thiên hà và cụm sao, vì không có ánh sáng Mặt trăng gây cản trở.

Ngày 20-7: Sao chổi 13P gần Trái đất nhất

13P Olbers - sao chổi chưa từng được nhìn thấy từ Trái đất kể từ những năm 1950 - sẽ xuất hiện trên bầu trời phía tây vào mùa hè này, một cơ hội tuyệt vời cho những người quan sát sao ở Bắc bán cầu.

Theo trang web thiên văn học Starwalk, vào ngày 30-6 vừa qua, sao chổi đã đạt điểm cận nhật - điểm gần Mặt trời nhất. Sắp tới, sao chổi này sẽ đến điểm gần Trái đất nhất vào ngày 20-7.

Sao chổi 13P Olbers - Ảnh: Starwalk

Sao chổi 13P Olbers - Ảnh: Starwalk

Sao chổi sẽ bay thấp trên bầu trời vào lúc hoàng hôn. Đối với những người quan sát tại Bán cầu bắc ở vĩ độ trung bình, sao chổi sẽ trông có vẻ lơ lửng ở khoảng 20-30o so với đường chân trời vào các buổi tối.

NASA cho biết sao chổi 13P Olbers được đặt theo tên nhà thiên văn học Heinrich Olbers, người được cho là người đầu tiên xác định được sao chổi vào năm 1815 tại Bremen (Đức).

Chữ P là viết tắt của tuần hoàn, có nghĩa là sao chổi mất ít hơn 200 năm để hoàn thành quỹ đạo. Sao chổi được đánh số 13 vì đây là sao chổi định kỳ thứ 13 được xác định.

Ngày 21-7: Trăng tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái đất vào lúc 17h18 ngày 21-7 (giờ Việt Nam).

Trăng tháng 7 còn được nhiều người khu vực Bắc Mỹ gọi là trăng sấm. Những cơn mưa mùa hè đến, mang theo sấm chớp bao phủ một khu vực rộng lớn.

Ngày 22-7: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại về phía đông

Sao Thủy - hành tinh gần Mặt trời nhất - Ảnh: WIKIMEDIA

Sao Thủy - hành tinh gần Mặt trời nhất - Ảnh: WIKIMEDIA

Sao Thủy sẽ đạt đến khoảng cách tối đa về phía đông so với Mặt trời, với góc ly giác là 26,9o. Đây là cơ hội tuyệt vời để quan sát hành tinh này vì sẽ nằm ở vị trí cao nhất trên bầu trời vào buổi tối.

Trong thiên văn học, ly giác của một hành tinh là góc tạo bởi Mặt trời và hành tinh đó, khi nhìn từ Trái đất. "Hành tinh xanh" cũng được sử dụng làm điểm tham chiếu để đo khoảng cách góc này.

Trong sự kiện sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại về phía đông, những người yêu thích thiên văn có thể nhìn thấy sao Thủy ở phía thấp trên bầu trời phía tây ngay sau khi Mặt trời lặn.

Ngày 28 và 29-7: Mưa sao băng Delta Aquarids

Những vệt sáng trong mưa sao băng Delta Aquarids - Ảnh: Martha Stewart

Những vệt sáng trong mưa sao băng Delta Aquarids - Ảnh: Martha Stewart

Mưa sao băng Delta Aquarids kéo dài từ 12-7 đến 23-8 hằng năm.

Thời điểm tốt nhất để quan sát năm nay là từ đêm 28-7 đến rạng sáng 29-7. Vào lúc này, ánh trăng khuyết sẽ che bớt những sao băng mờ nhưng nếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể nhìn thấy một số sao băng rực rỡ.

Delta Aquarids là một trận mưa sao băng tầm trung, có khả năng tạo ra đến 20 sao băng mỗi giờ tại thời điểm cực đại. Trận mưa sao băng này được hình thành từ những mảnh vụn của sao chổi Marsden và Kracht.

Mưa sao băng có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường vì diễn ra liên tục trong thời gian dài và không cần đến thiết bị hỗ trợ.

Tuy nhiên, điều kiện quan sát rất quan trọng. Lý tưởng là từ một vị trí tối và thoáng đãng sau nửa đêm. Người xem nên chọn góc nhìn rộng, ít ô nhiễm ánh sáng và khói bụi, và đặc biệt là cần một bầu trời trong lành không mây.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: