Mùa thu tháng Tám trong ký ức của nhạc sĩ thiếu nhi

Thứ ba, 18/08/2020 16:13 (GMT+7)

Một buổi sáng tháng 8/1945 thức dậy, cậu bạn 12 tuổi chợt ngạc nhiên khi khắp phố phường thành phố Quảng Ngãi rầm rập bước chân. Chuyện gì đang xảy ra?

1. Cậu bạn nhanh chóng bước ra khỏi nhà. Ồ, trên đường có rất nhiều người đang cầm cờ đỏ sao vàng. Cậu nghe các cô chú bảo nhau: “Việt Minh khởi nghĩa”. Dòng người đổ xuống đường mỗi lúc một đông, việc này đã được chuẩn bị từ lâu lắm, đây là cuộc Tổng khởi nghĩa.

2. Hôm sau, cậu và các bạn trong xóm được anh chị phụ trách thiếu nhi tập hợp để đi diễu hành. Cảm giác được vác súng trên vai đi khắp các con đường mới hồ hởi làm sao! Nói là “súng” cho oai chứ thật ra đó là súng gỗ, chỉ có các anh giải phóng quân mới cầm súng thật. Tuy nhiên, vậy cũng đủ vui rồi, đủ đáng nhớ cho một mùa hè cấp 1 và chuẩn bị bước vào cấp 2 của cậu bé.

3. Cậu bé của 75 năm trước nay đã là nhạc sĩ nổi tiếng chuyên viết các ca khúc thiếu nhi: chú Trương Quang Lục. Chú cho biết: “Không khí hừng hực ở quê chú đã hòa vào khí thế cuộc Tổng khởi nghĩa của cả nước. Chính được sống, được tận mắt chứng kiến những ngày lịch sử hào hùng như thế nên mỗi khi sáng tác các bài nhạc lịch sử, chú có sẵn sự trải nghiệm, xúc cảm và không cần phải tìm kiếm ở đâu hoặc từ người nào”.

Nhạc thiếu nhi ngày ấy

Theo chú Trương Quang Lục, trong thời gian đầu sau Cách mạng tháng Tám, nhiều nơi còn vang lên các ca khúc của một số nhạc sĩ viết cho thanh thiếu niên trước 1945 như Trên sông Bạch Đằng, Bóng cờ lau, Vui ca lên… của nhạc sĩ Hoàng Quý, Bài hát của thiếu sinh, Bài hát của thiếu nữ Việt nam, Ải Chí Lăng, Bạch Đằng Giang... của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Còn trong thời điểm Cách mạng tháng Tám, các ca khúc thiếu nhi khá ít, chỉ có vài bài nổi trội như Nhanh bước nhanh nhi đồng, Kim Đồng… Trong khi đó, các bài hát mang tính chiến đấu lại rất nhiều và rầm rộ. Chẳng hạn các bài: 19/8, Lên đàng, Tiến quân ca, Du kích ca, Cùng nhau đi hồng binh… Điều đặc biệt là đa số các bài này giống như viết cho toàn dân, già trẻ lớn bé đều có thể hát được khiến không khí lúc nào cũng hào hùng, sục sôi ý chí chiến đấu.

Từ 1946 - 1949, một số sáng tác viết cho thiếu nhi bắt đầu rộ lên, trong đó phải kể đến các ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã như: Đội ta lớn lên cùng đất nước, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng… Những năm cuối của giai đoạn 1945 - 1954, cụ thể các năm 1950 - 1954, những ca khúc dành cho thiếu nhi bắt đầu xuất hiện ồ ạt như Cùng nhau ta đi lên, Thiếu nhi thế giới liên hoan, Reo vang bình minh, Đếm sao… Có lẽ sau thời gian loay hoay với cuộc chiến, đến những năm 1950 - 1954, mọi người cảm thấy ngoài việc chăm lo vật chất thì cần giáo dục thiếu nhi bằng âm nhạc nên đã ra sức sáng tác.

NGUYỄN TÚ ghi

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: