Nam sinh chuyên Tiền Giang tự lập từ nhỏ, nuôi ước mơ trở thành thầy giáo

Thứ tư, 15/01/2025 12:43 (GMT+7)

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phan Văn Thịnh (lớp 11 Tin, Trường THPT chuyên Tiền Giang) xác định học là con đường duy nhất để thay đổi tương lai.

Nam sinh chuyên Tiền Giang tự lập từ nhỏ, nuôi ước mơ trở thành thầy giáo- Ảnh 1.

Bạn Phan Văn Thịnh là học sinh lớp 11 Tin, Trường THPT chuyên Tiền Giang - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Cậu học trò huyện Chợ Gạo tự lập từ nhỏ

Nam sinh chuyên Tiền Giang Phan Văn Thịnh gây ấn tượng với phóng viên Mực Tím bởi cách nói chuyện...già dặn trước tuổi. Điều này một phần là vì Thịnh lớn hơn các bạn cùng lớp 2 tuổi.

Lúc nhỏ, ba mẹ đi làm xa, Thịnh sống cùng ông bà nội. Đến năm lớp 2, ông mất, bạn phải nghỉ học một năm do không có ai đưa đón đi học.

Sau đó, Thịnh chuyển đến Cần Giờ (TP.HCM) sống cùng ba mẹ. Ba mẹ Thịnh đi làm thuê, lênh đênh trên biển nhiều ngày. Thịnh được ba mẹ gửi ở nhà người quen để đi học.

Học hết lớp 2, ba mẹ Thịnh quyết định cho bạn về ở cùng bà nội ở huyện Chợ Gạo. Cậu bé Thịnh  phải tự mày mò đi xe đạp đến trường.

Từ năm lớp 6, Thịnh phải ở một mình tại căn nhà chung của gia đình - nơi thờ cúng ông bà. Bạn tự lo chuyện ăn uống, nhà cửa, học cách tiết kiệm hết mức có thể với số tiền khoảng 1,5 triệu đồng ba mẹ gửi về mỗi tháng.

Với số tiền này, Thịnh chia ra một ngày ăn bao nhiêu, tìm hái thêm rau, củ để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày.

Do ba mẹ làm giấy tờ trễ, cộng thêm một năm nghỉ học, Thịnh học trễ hai năm nên lớn hơn các bạn trong lớp 2 tuổi. 

Thịnh chia sẻ: “So với các bạn trong lớp, em không chỉ lớn hơn mà còn lăn lộn bên ngoài nhiều hơn nên nhiều suy nghĩ và cách nhìn vấn đề cũng khác hơn.”

Vào Trường THPT chuyên Tiền Giang là một bước ngoặt

Dù có học lực tốt nhưng Thịnh vốn không định thi vào Trường THPT chuyên Tiền Giang. Đối với Thịnh, chi phí là rào cản lớn nhất.

Bước ngoặt đến khi bạn thay đổi nguyện vọng trước ngày thi 2 tuần. Thịnh kể: “Cô Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 10 của mình - đã gọi điện động viên. Cô bảo mình cứ lên học rồi cô hỗ trợ”

Nhờ sự động viên của các thầy cô, Thịnh gạt qua sự đắn đo và quyết định thử sức.

Vốn là học sinh giỏi nhất Trường THCS Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) năm lớp 8, là học sinh xuất sắc của trường năm lớp 9 nên dù chỉ có 2 tuần ôn thi, Thịnh vẫn khá thoải mái vì đã có nền tảng kiến thức từ trước.

Khi biết tin mình đậu vào trường, bạn òa khóc vì vui mừng. Bạn ngay lập tức báo tin cho ba mẹ.

Thịnh nghẹn ngào kể lại: “Sau khi thi xong, ba mẹ mới nói là muốn con đừng thi đậu vào trường trên Mỹ Tho vì sợ tốn nhiều chi phí. Mình vừa thấy thương vừa thấy xót vì sợ ba mẹ sẽ khổ hơn.”

Cả cấp 2 tự học, lên cấp 3, Thịnh học thêm môn Toán và IELTS, thầy cô biết được hoàn cảnh nên cũng miễn tiền học cho bạn.

Mê học hơn chơi

Trong hành trình học tập của mình, những lời khuyên của các thầy cô đã giúp ích rất nhiều cho cậu bạn.

Năm lớp 6, Thịnh được cô chủ nhiệm - cô Phạm Thị Diệu Thiền (Trường THCS Bình Phục Nhứt) - truyền động lực để thi học sinh giỏi.

Trước lúc đó, Thịnh chỉ nghĩ bản thân sẽ học đến lớp 12 rồi đi làm công nhân. Nhưng chính cô Thiền đã giải thích cho bạn rằng việc học rất quan trọng, đừng mặc cảm về hoàn cảnh và sẽ có những chính sách, chương trình hỗ trợ.

Tin lời cô, Thịnh cố gắng hết sức. Năm lớp 8, bạn thi học sinh giỏi môn giáo dục công dân và giành giải nhì cấp tỉnh. Cột mốc này cũng khiến Thịnh bắt đầu đặt niềm tin vào bản thân rằng mình có thể làm được.

Năm lớp 9, Thịnh tìm thấy đam mê từ môn tin học. Ban đầu, sự yêu thích là do cách dạy của thầy. Khi bắt đầu tìm hiểu, Thịnh tò mò và muốn biết nhiều hơn về tin học và công nghệ. 

Đó cũng là lí do Thịnh chọn thi vào lớp chuyên Tin của Trường THPT chuyên Tiền Giang. Nói về tương lai, Thịnh ước mơ trở thành giáo viên dạy Tin như thầy của mình.

Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Thịnh cũng gặp những áp lực. Tuy nhiên, áp lực không khiến Thịnh e dè mà ngược lại, bạn biến đó thành động lực để đi lên và sống kỷ luật hơn. Thịnh tâm sự với hoàn cảnh của mình, bạn để sang một bên những mối bận tâm khác và cố gắng tập trung vào 100% việc học.

Hễ có thời gian là Thịnh sẽ dành để học. Thịnh không quan trọng mình học trong vòng bao lâu mà quan trọng là phải học thuộc và nắm rõ vấn đề đó. 

Đôi lúc, khi bạn bè chơi, Thịnh vẫn cặm cụi học vì Thịnh luôn nghĩ rằng chỉ có duy nhất một con đường học thôi: "Lúc mình ở cuối vực rồi, không thể thụt lùi mà phải bước về phía trước."

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa (phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Tiền Giang) cho biết:

"Hàng năm, trường đều có nhóm giáo viên về tư vấn tuyển sinh 10 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Từ đây, chúng tôi biết được một vài học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học tốt. Thầy cô luôn động viên, hỗ trợ để các em tự tin thi tuyển vào trường, như trường hợp của em Phan Văn Thịnh.

Trong các dịp khai giảng, tổng kết năm học cũng như các buổi sinh hoạt, kỷ niệm...Ban giám hiệu nhà trường đều tạo điều kiện để các em được nhận học bổng. Nguồn học bổng này đã hỗ trợ cho các em trong quá trình học tập ở trường THPT."

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: