Nam sinh khiếm thị đam mê viết truyện, mơ ước trở thành thầy giáo

Thứ bảy, 16/11/2024 21:20 (GMT+7)

Chàng sinh viên khiếm thị Thái Minh Quân vẫn quyết tâm đến trường, muốn trở thành giáo viên và trong hành trình đó, Quân còn tự viết lách trang trải chi phí sinh hoạt, để không làm gánh nặng cho mẹ.

Nam sinh khiếm thị đam mê viết truyện, mơ ước trở thành thầy giáo- Ảnh 1.

Thái Minh Quân, sinh viên năm nhất, ngành Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM - Ảnh: TRƯỜNG VY

Câu chuyện về tuổi thơ chàng sinh viên khiếm thị Thái Minh Quân (sinh năm 2003), quê Cần Thơ, hiện là sinh viên năm nhất, ngành Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM có lẽ là một bản giao hưởng buồn. 

Hoàn cảnh trở thành động lực 

Sau khi ba Quân qua đời, hai mẹ con Quân phải sống nương tựa nhau. Năm 9 tuổi, Minh Quân mắc bệnh tăng nhãn áp, dù cố gắng chữa trị nhưng không thuyên giảm và một năm sau đó Minh Quân mất thị lực hoàn toàn khi chỉ mới học lớp ba.

Quân bùi ngùi nhớ lại: "Khi biết mình hoàn toàn không nhìn thấy được nữa, tôi cảm thấy bản thân vô dụng, những việc lớn nhỏ - kể cả sinh hoạt cá nhân - đều phải nhờ cậy sự giúp đỡ của mẹ và mọi người xung quanh". 

Nhưng quãng thời gian hai năm liền ở nhà trong khi bạn bè trang lứa đều đến trường, lại thành động lực để Quân tiếp tục trở lại con đường học tập.

Quân chuyển vào học tiếp chương trình tiểu học tại một trường dạy trẻ khuyết tật ở Cần Thơ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, tại đây không có trường cấp hai nên để tiếp tục nuôi ước mơ đi học, Minh Quân phải lên TP.HCM tìm trường dành cho trẻ khuyết tật. Thời điểm đó, để có tiền lo cho Quân, mẹ Quân rời quê đi xuất khẩu lao động.

Bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm của cậu học sinh 12 tuổi, Minh Quân một mình lên TP.HCM tìm trường học. Sau một năm học chung với các bạn khuyết tật, Minh Quân được trường cho vào học cùng lớp hòa nhập (lớp học thường). 

Quân cho biết thời gian đầu, Quân cảm thấy rất khó khăn cho việc học, Quân chỉ nghe giảng được nên khá khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức. 

Khi đó, Quân tìm cách hỏi lại các bạn trong lớp, hoặc sau giờ học liên hệ để nhờ thầy cô giảng lại. Lên cấp 3, Minh Quân vẫn áp dụng cách học đó.

"Ở một mình trên Sài Gòn không có người thân, đặc biệt khi không nhìn thấy, càng khó khăn hơn - nhất là những lúc bệnh. Có một khoảng thời gian trong dịch COVID-19, tôi còn nhập viện mổ mắt, phải nhờ cảnh sát khu vực đưa đến bệnh viện" - Minh Quân nhớ lại.

Cuối cùng, bằng những nỗ lực học tập không ngừng nghỉ, anh chàng khiếm thị đã thi đỗ vào ngành Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM một cách phi thường.

Từ đam mê viết truyện đến ước mơ trở thành giáo viên

Quân đang sống nhờ nhà của một bạn khiếm thị tại TP Thủ Đức. Phương tiện di chuyển đến trường của Quân chủ yếu là xe ôm công nghệ hoặc nhờ các bạn chở đến trường nếu chạy cơ sở khác. Song song việc học, Quân tự tạo thu nhập từ việc viết lách là chính bên cạnh sự hỗ trợ từ mẹ. 

Thi thoảng Quân cũng nhận được học bổng dành cho sinh viên khuyết tật, cậu bạn dùng trang trải học phí, ăn uống, đi lại và nhu cầu cá nhân.

Nam sinh khiếm thị đam mê viết truyện, mơ ước trở thành thầy giáo- Ảnh 3.

Minh Quân được sự giúp đỡ từ các bạn trong việc di chuyển đến trường - Ảnh: TRƯỜNG VY

Việc viết truyện đến với Quân một cách ngẫu nhiên. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát không thể đến trường, Quân lo mình trở thành gánh nặng cho mẹ về chi phí sinh hoạt nên anh chàng thử viết lách và đăng tải lên mạng xã hội, may mắn được mọi người đón nhận và chia sẻ rộng rãi. 

Sau đó được một số kênh YouTube mua tác quyền bài viết, từ đó viết lách trở thành niềm đam mê và nguồn thu nhập chính cho Quân. 

Phần mềm NVDA (trình đọc màn hình dành cho người khiếm thị) trên máy tính là công cụ giúp Quân viết truyện. Nhuận bút Quân được trả từ 500.000 đến 1.500.000 đồng tùy theo độ dài mỗi tập truyện.

Nam sinh khiếm thị đam mê viết truyện, mơ ước trở thành thầy giáo- Ảnh 4.

Một số tập truyện của Minh Quân (bút danh Phong Tường) xuất bản thành Audio trên YouTube - Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ về lý do chọn ngành Việt Nam học, Quân nói muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và con người Việt Nam, có cơ hội đi đến nhiều nơi, từ đó đưa vào sáng tác của mình. 

Bên cạnh việc học, Minh Quân tham gia vào câu lạc bộ dành cho người khuyết tật ở trường. Quân cho biết, Câu lạc bộ không chỉ giúp đỡ các bạn sinh viên khuyết tật trong việc học và sinh hoạt, tại đây Quân có thêm cơ hội phát triển bản thân và mở rộng nhiều mối quan hệ.

Nam sinh khiếm thị đam mê viết truyện, mơ ước trở thành thầy giáo- Ảnh 5.

Minh Quân làm MC chương trình "Thanh âm Những nốt trầm" do Câu lạc bộ No Distance (khoa Tâm lý) dành cho sinh viên khuyết tật tổ chức tại trường - Ảnh: NVCC

Nam sinh khiếm thị đam mê viết truyện, mơ ước trở thành thầy giáo- Ảnh 6.

Minh Quân sinh hoạt cùng các bạn tại câu lạc bộ - Ảnh: NVCC

Nam sinh khiếm thị đam mê viết truyện, mơ ước trở thành thầy giáo- Ảnh 7.

Minh Quân cùng các bạn trong Câu lạc bộ dịp trung thu - Ảnh: NVCC

Mục tiêu tiếp theo của Minh Quân là học thêm tiếng Trung và tiếng Anh. Cùng ước mơ trở thành thầy giáo dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thông qua những kỹ năng và vốn từ từ việc viết truyện, Quân mong muốn tự kiếm thu nhập lo cho bản thân, quyết không để mình là gánh nặng, ngược lại còn có thể lo cho mẹ.

Nam sinh khiếm thị đam mê viết truyện, mơ ước trở thành thầy giáo- Ảnh 8.

Ngoài viết truyện, Quân còn có thể chơi đàn ghi-ta - Ảnh: NVCC

"Đường dưới chân mình, cứ mạnh dạn mà bước" - đó là những gì Quân muốn nhắn gửi đến những người kém may mắn như mình. 

Dù không nhìn thấy, nhưng bằng ý chí, nỗ lực và niềm tin, bạn tiếp tục tiến về phía trước và cậu sinh viên tin rằng mình sẽ đạt đến những ước mơ, hoài bão của bản thân.

Chia sẻ về Minh Quân, bạn Lan Anh (23 tuổi, cựu thành viên câu lạc bộ No Distance, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: "Hồi mới biết Quân và hoàn cảnh của em ấy, thực sự mình đã rất cảm động và ngưỡng mộ em.

Mình hiểu những thử thách em phải trải qua là không dễ dàng, nhưng Quân đã vượt qua, khiến mình và mọi người trong câu lạc bộ cảm phục".

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: