Nhịp sống của Gen Z TP.HCM trong những ngày giãn cách

Thứ năm, 15/07/2021 08:18 (GMT+7)

Phố đi bộ Nguyễn Huệ vắng bóng người. Nhiều con đường khu vực trung tâm thưa thớt người qua lại. Gen Z Sài Gòn cũng không còn í ới, hò hẹn nhau trà sữa, cà phê... Tất cả như đang "đứng yên" và chờ đợi một thành phố sôi động, tấp nập trở lại.

TP.HCM đang trải qua những ngày đầu thực hiện chỉ thị 16. Một thành phố không ngủ với hàng triệu ánh đèn lấp lánh, với những tuyến đường sầm uất bậc nhất giờ đây đã bớt náo nhiệt, ồn ào. Thành phố những ngày này đang tạm nghỉ ngơi...

Sài Gòn không phải là nơi mà Trâm Anh (23 tuổi, TP. Thủ Đức) sinh ra và lớn lên nhưng bạn đã có 6 năm học tập và làm việc tại đây. Chẳng biết từ khi nào, cô bạn đã xem Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình. Kể từ ngày dịch bệnh COVID - 19 bùng phát, bạn đã chứng kiến những thay đổi của cuộc sống theo từng nhịp chuyển của thành phố. Các tuyến đường bắt đầu những lập nên những chốt phong toả, những tình nguyện viên với bộ đồ xanh trắng, tiếng còi xe cứu thương ngày một nhiều hơn.

Chỉ thị 16 được áp dụng, tất cả mọi người được yêu cầu ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết. Trâm Anh cũng cho rằng việc hạn chế đi lại là điều quan trọng trong bối cảnh dịch COVID - 19 ngày càng căng thẳng.

Trâm Anh đã lập ra kế hoạch làm việc, sinh hoạt điều độ trong 15 ngày ở nhà. Bạn dành nhiều thời gian hơn để nấu ăn và tìm hiểu các công thức về bánh ngọt thuần chay. "Mình đã thử làm món bánh Cheesecake mà mình thích nhất nhưng là phiên bản không có phô mai, trứng, bơ sữa và bất kì thành phần từ động vật nào. Kết quả vượt xa mong đợi, chiếc bánh ngon hơn tưởng tượng nên mình càng thấy thích thú và giành nhiều thời gian hơn cho việc sáng tạo các loại bánh mới".

Những chiếc bánh thuần chay xinh xắn được Trâm Anh thực hiện trong những ngày giãn cách.

Những ngày ở nhà, Trâm Anh đã học được thói quen tốt đó chính là tiết kiệm. Ở nhà nhiều, đồng nghĩa với việc tiền điện sẽ tăng, nhất là trong mùa Sài Gòn nóng bức. "Để tiết kiệm thì mình chỉ dùng bóng đèn nhỏ, tắt đi những thiết bị không cần thiết. Ban ngày, dùng ánh sáng từ cửa sổ, mở rộng cửa hứng gió trời để không phải dùng máy quạt hay máy lạnh. Đồ ăn cần thiết mình mới nấu, sơ chế hết rồi mới bật bếp lên. Mình đang cố gắng thay đổi theo chiều hướng tích cực và thích nghi với tình hình xã hội hiện tại".

Trâm Anh mong thành phố rồi sẽ sớm trở lại như trước kia.

Trong những ngày xã hội giãn cách, trên các trang mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh "đập hộp" thùng xốp đầy ắp đồ ăn của các bạn trẻ.

- Ở trên đó tình hình có ổn không con. Nghe đâu trên đó chợ bị phong toả hết rồi hả? Có thiếu đồ ăn thì nói mẹ gửi lên. Mấy ngày này nhớ ở yên trong nhà, đừng đi đâu hết, kẻo ba mẹ lo nghen!

Đầu dây bên kia, tiếng mẹ thở dài trong điện thoại. Không có mặt ở đó, nhưng Khánh Như có thể tưởng tượng được gương mặt lo lắng của mẹ. Nửa tháng liên tục, ngày nào Như cũng nhận được những cuộc điện thoại ở quê gọi vào hỏi thăm.

Cũng như bao bạn trẻ khác, thay vì về quê, Nguyễn Khánh Như (20 tuổi, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn) chọn ở lại thành phố. Cô bạn đã có những ngày đi theo đội hình tình nguyện để có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc chống dịch.

Một tuần nay, con hẻm nhà bạn bị phong toả do có ca nghi nhiễm. Như đành tạm ngưng tất cả công việc, ở yên trong nhà. Hàng rào chốt cách ly được lập nên nhanh chóng, mỗi ngày đều có đội phun xịt đến khử khuẩn. Lâu lâu, một vài tiếng loa thông báo tình hình đến cho mọi người trong xóm.

Đồ ăn trong nhà thì sắp hết, đang lo lắng không biết thì Như nhận được tin nhắn của chị Hai. "Mẹ đang tiếp tế lương thực gửi vào". Nghe tin Như đang phải ở trong khu phong toả, mẹ vội ra vườn hái mớ rau còn đang lớn. Bà con trong xóm nghe mẹ tiếp tế đồ gửi vào thành phố cũng gom góp ủng hộ, nhà ai có gì thì cho đó, nào là cá, thịt, trứng... kèm theo lời nhắn nhủ rằng cố gắng ăn lấy sức để mà chống dịch.

Chiếc thùng nhỏ bé nhưng chứa đựng rất nhiều tình cảm, sự quan tâm của ba mẹ, hàng xóm ở những vùng quê.

11 giờ đêm, tiếng chuông điện thoại vang lên, anh giao hàng đã tới. Như vội ra chốt đầu ngõ để nhận hàng. Thùng xốp trắng được đặt ngay ngắn trên chiếc bàn đựng vật phẩm tiếp tế tại chốt. Như ôm vào nhà, chiếc thùng nhỏ gọn nhưng chứa rất nhiều tình cảm của quê nhà Bình Định, của mẹ và bà con trong xóm đã vượt quãng đường hàng trăm km cũng đã trao đến tay Như. Hôm ấy, Như thật sự xúc động, nước mắt lăn dài trên má.

Không tụ họp vui chơi, không có những chuyến đi xa được hẹn trước, mùa hè năm nay của Gen Z là một mùa hè rất đặc biệt. Mùa hè khởi đầu bằng những ngày tập sống thích nghi trong nhà.

Gần 1 tuần nay, ngôi nhà của bạn H.A (17 tuổi, TP.Thủ Đức) luôn trong tình trạng đóng kín cửa, không giao tiếp với bên ngoài. Ba mẹ của H.A là F2 tiếp xúc gần của một ca nhiễm tại cửa hàng tiện lợi tại Thủ Đức. Trước tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng Delta, sau khi nhận được thông báo của phường, ba mẹ H.A tự cách ly trong phòng ngủ ở tầng 3, tránh tiếp xúc với người thân trong gia đình để đảm bảo an toàn.

Từ đó, H.A trở thành "điều dưỡng" bất đắc dĩ của gia đình. Mỗi ngày, cô bạn đều vào bếp nấu ăn, bắt đầu từ những món ăn đơn giản như trứng chiên, rau luộc... dễ nấu, không mất nhiều thời gian. Những ngày sau, bạn bắt đầu tăng độ khó của món ăn lên dần dần, món nào không biết thì gọi điện hỏi mẹ. Một ngày 3 lần, cô bạn đều bưng cơm nước đặt trước cửa phòng rồi gọi ba mẹ ra lấy ăn. Nghe bạn bè bảo uống nước chanh gừng vào mỗi buổi sáng có thể tăng sức đề kháng, H.A pha cho ba mẹ uống đều đặn mỗi ngày. Buổi tối, là thời gian cả nhà thường quây quần trò chuyện, xem phim cùng nhau thì bây giờ đành nói chuyện với nhau qua chiếc màn hình điện thoại. H.A nói rằng, thời gian này bạn cảm thấy mình đã trưởng thành hơn, biết chăm sóc và quan tâm cho gia đình. H.A mong rằng tình hình ba mẹ sẽ tốt lên, không trở thành ca nhiễm, dịch bệnh mau chóng được khắc phục.

Những bữa ăn đơn giản mà H.A chế biến trong những ngày ba mẹ cách ly.

Những ngày dịch bệnh, người ta chẳng còn gặp nhau nhiều như trước. Thế nhưng, sự ấm áp, yêu thương vẫn cứ len lỏi trong từng ngôi nhà, trong từng con hẻm nhỏ và trong tim của mỗi con người.

Thật không dễ dàng để người trẻ thích ứng khi nhịp sống bỗng trở nên thay đổi. Nhưng để cuộc sống sớm trở lại bình thường, mỗi người phải biết học cách để thích nghi, tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực từ sự yêu thương, chia sẻ.

TÂM HUỲNH

Thiết kế: KHÁNH MIN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: