Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Trâm nấu ăn cho gia đình vào các buổi tối - Ảnh: THẢO NGỌC
Những ngày mùa hè tháng 5, phóng viên Mực Tím ghé thăm Tây Nguyên đại ngàn, dừng chân ở Đắk Nông để gặp gỡ những cô cậu học trò tuy nhỏ bé nhưng đầy nghị lực nơi đây.
Đến nhà bạn Hồ Thị Ngọc Trâm (lớp 12A4, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Tuy Đức), chúng tôi ai cũng thích thú trước vườn hoa nhiều màu sắc do mẹ và Trâm cùng nhau chăm sóc.
Hai mẹ con rất gắn bó nên có nhiều sở thích tương đồng, nào là yêu hoa cỏ, nào là thích xem thời sự.
Căn nhà gỗ của gia đình bạn được vá tạm bởi nhiều tấm nhựa lớn để ngăn không cho nước mưa chảy vào các khe hở giữa các tấm ván gỗ. Trâm cùng hai em ngủ và học trong một căn phòng nhỏ với ánh đèn điện yếu ớt.
Trước đây khi trời mưa, bàn học của ba chị em lúc nào cũng ướt vì nước mưa hắt vào từ khe hở trên mái nhà.
"Giờ thì bố đã vá lại chỗ hở này để chị em mình yên tâm học", Trâm vừa nói vừa chỉ lên góc nhà.
Vườn hoa của gia đình Trâm - Ảnh: THẢO NGỌC
Từ thói quen xem thời sự mỗi tối cùng bố mẹ trong những bữa cơm, Trâm dần say mê môn học lịch sử. Bạn đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh về môn học này.
Nâng niu hai chiếc huy chương quý giá trên tay, Trâm cho biết mỗi khi thấy mệt mỏi hay xuống tinh thần, bạn sẽ nhìn ngắm huy chương để nhắc nhở bản thân, từ đó được tiếp thêm động lực.
Góc bàn học và hai chiếc huy chương quý giá của Trâm - Ảnh: THẢO NGỌC
Chị gái Trâm đang học đại học năm cuối tại Hà Nội nên Trâm - người con gái thứ hai trong gia đình có 4 chị em gái - đảm nhận luôn vai trò chị cả, phụ giúp bố mẹ việc nhà, chăm các em.
Bố mẹ làm nông, thu nhập gia đình thấp, nhà lại đông con nên Trâm hiểu được việc mình học cấp 3, vào đại học sẽ là gánh nặng rất lớn cho bố mẹ. Để không bỏ dở việc học, Trâm xin đi làm thêm để đỡ đần kinh tế gia đình.
Hè lớp 10, Trâm xin làm thêm tại quán phở từ sáng đến 23h đêm mới về đến nhà. Đường về nhà tối thui, lại trơn trượt, nhiều hôm mưa gió, bố mẹ bạn càng thêm lo lắng cho con gái. Vì thế đến hè năm lớp 11, bạn chuyển sang làm thêm tại một tiệm tạp hóa, đến khoảng 18h là được về nhà.
"Nghĩ lại khoảng thời gian về nhà vào ban đêm, mình vẫn còn sợ lắm. Tuy nhiên những lúc như thế mình chưa từng có ý định bỏ cuộc mà cố gắng không nghĩ nhiều đến nỗi sợ, tự động viên bản thân cứ tiếp tục đi về phía trước", Trâm nhớ lại.
Sau những lần bị la vì mang sai đồ ăn cho khách hay những sai sót khác trong công việc, Trâm đã không còn khóc nhiều, bạn dần thạo việc hơn. Bạn cũng được phát triển thêm kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng.
Cứ thế mà trong gần 3 tháng làm thêm, bạn kiếm được khoảng 13 triệu đồng để mua sắm dụng cụ học tập và quần áo cho năm học mới.
Ở lớp, Trâm là lớp trưởng gương mẫu, năng động, luôn quan tâm các bạn trong lớp. Nguyện vọng của Trâm hiện tại là trúng tuyển ngành luật hoặc sư phạm lịch sử tại trường đại học ở Hà Nội.
"Nếu đậu ngành luật, mình sẽ giúp đỡ người dân địa phương tiếp cận với luật và trang bị thêm nhiều kiến thức về luật pháp", Trâm tâm sự.
Đó là câu hỏi mà bạn Thào Thị Ty (lớp 12k11, TPTDTNT THCS THPT huyện Đắk Glong) trăn trở khi bước vào ngưỡng cửa cấp 3.
Đứng trước hai ngã rẽ, một là nghỉ học đi lấy chồng, hai là tiếp tục học, Ty quyết định chọn con đường mà bản thân hằng khao khát.
Một buổi chiều tà, chúng tôi đến đón Ty tại trường sau khi bạn hoàn thành bài thi cuối kỳ vào buổi sáng. Đón chúng tôi là cô bạn xinh xắn, lễ phép và nhiệt tình trong màu áo xanh đoàn viên.
Theo chỉ dẫn của Ty, xe chúng tôi băng qua những đoạn đường đèo có khung cảnh núi non hùng vĩ để tìm về căn nhà mà Ty sống cùng gia đình.
Về đến nhà, bạn thay ngay trang phục dân tộc của người H’Mông với các họa tiết thổ cẩm do chính tay bạn và gia đình tự thêu. Đây cũng là một năng khiếu mà Ty được truyền lại từ mẹ và các chị của mình.
Ty diện trang phục dân tộc và các sản phẩm thêu họa tiết của bạn - Ảnh: VŨ
Học nội trú tại trường nên Ty thường về thăm nhà vào các ngày cuối tuần. Bạn phụ giúp gia đình đi cào bồn, vặt chồi, bón phân, xịt thuốc cho cây cà phê. Những hôm có nhiều bài tập thì Ty phải ở lại trường học thêm nên không về nhà.
Những ngày đầu xa gia đình, Ty nhớ bố mẹ, nhớ các em nên cứ khóc suốt. Được bạn bè và thầy cô an ủi, động viên, Ty dần thích nghi với môi trường mới và đỡ nhớ nhà hơn.
Nhớ về những ngày thơ ấu, Ty kể rằng bữa cơm gia đình đông con tuy ấm cúng nhưng thường xuyên thiếu thốn. Các món ăn thường là rau luộc, rau xào, mỗi người được lưng chén cơm. Phải lâu lắm cả nhà mới có một bữa ăn có thịt, thường là thịt heo luộc rồi được xào lên cho thơm.
Trong nhà, mẹ của Ty làm trụ cột kinh tế chính trong gia đình với nguồn thu từ công việc làm nông.
Mẹ của Ty hướng dẫn bạn thêu thùa - Ảnh: THẢO NGỌC
Khi Ty học lớp 9, theo hủ tục của người đồng H’Mông, chị gái Ty bỏ học đi lấy chồng, ba mẹ cũng khuyên bạn nghỉ học để phụ giúp mẹ.
Tuy nhiên khi nhìn những bạn nữ, những người chị chọn lấy chồng sớm phải từ bỏ ước mơ để đi làm nương rẫy, chăm lo cho gia đình từ tờ mờ sáng cho đến khuya, Ty không muốn mình phải như vậy.
"Mình muốn đi học xa hơn, được làm những điều mà ba mẹ hay anh chị chưa làm được", Ty tâm sự.
Ty bày tỏ nguyện vọng của mình để bố mẹ thấu hiểu và cho phép bạn tiếp tục đi học. Giờ đây khi được hỏi là có hối hận về quyết định đó không, Ty nghẹn ngào cho biết bạn vẫn tự trách bản thân khi không thể san sẻ nỗi vất vả với mẹ.
"Nhiều lúc đi học về thấy mẹ đi làm một mình, bị thương vì té xe, mình cảm thấy có lỗi, thương mẹ vô cùng. Mình từng suy nghĩ sẽ nghỉ học.
Tuy nhiên khi nghĩ về việc học tập vẫn là cách tốt nhất để giúp cho cuộc sống của mình và gia đình trở nên tốt hơn, mình không còn lung lay nữa", Ty nhớ lại.
Mỗi khi về nhà, bạn phụ giúp các công việc nhà cho gia đình như nấu cơm, cho gà ăn,... - Ảnh: THẢO NGỌC
Sắp tới đây, Ty sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và dự định xét tuyển ngành sư phạm.
Từng chứng kiến mẹ bị người khác la mắng vì đi mua đồ mà không biết chữ, phải diễn tả bằng hành động, bạn muốn làm giáo viên để dạy học cho những đồng bào dân tộc lớn tuổi chưa biết chữ như mẹ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa.
Trâm và Ty là hai trong số 40 học sinh Đắk Nông nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam năm 2025. Chương trình giao lưu và trao học bổng diễn ra vào ngày 25-5-2025 tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Năm 2025, học bổng Vì tương lai Việt Nam với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền ghé thăm 5 tỉnh là Đắk Nông, An Giang, Bình Định, Sơn La, Thanh Hóa. Tại mỗi tỉnh, Mực Tím trao 40 suất, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng.
Được khởi động từ năm 1995, học bổng Vì tương lai Việt Nam đã đến với hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, trao tặng hàng chục ngàn suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu ý chí, nghị lực vươn lên.
Từ năm 2013 đến nay, quỹ học bổng Vì tương lai Việt Nam có sự tài trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Quỹ đã trao gần 5000 suất học bổng (tổng trị giá gần 12 tỷ đồng).
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận