Những sắc màu của Pima

Thứ năm, 19/12/2019 06:02 (GMT+7)

Những năm gần đây, trại Toán học PiMA hẳn là một cái tên quen thuộc đối với nhiều bạn học sinh THPT. Bằng những hoạt động vô cùng thú vị, PiMA mang đến những niềm vui cho dân “ghiền Toán” trên khắp thành phố.

3 gạch đầu dòng về PiMA

- PiMA là viết tắt của Projects in Mathematics and Applications (tạm dịch: Các dự án về Toán học và ứng dụng).

- Được thành lập vào năm 2016 bởi một nhóm bạn. Trong đó, người sáng lập chính là Thành Trung, cựu sinh viên khoa Toán đại học Duke (Mỹ).

- Hoạt động chính của PiMA là các trại thường niên dành cho học sinh THPT trên địa bàn cả nước.

Thành Trung và Bảo Linh

Điểm hẹn cho teen mê Toán

Bạn Bảo Linh (du học sinh Mỹ, cofounder PiMA) kể: “Thực ra, ý tưởng thành lập PiMA đến trong một phút cao hứng và
có phần… bồng bột của Thành Trung, khi đó đang là sinh viên năm 2 Đại học Duke. Một ngày đẹp trời, Trung muốn hiện thực hóa giấc mơ đóng góp chút gì đó cho các bạn học sinh ở Việt Nam và liền rủ hội bạn thân từ cấp 3 tham gia. Ban đầu, tụi mình còn tưởng đây chỉ là một... trò đùa, vì khi đó không ai trong bọn mình có kinh nghiệm lãnh đạo, tổ chức trại hè hay đứng lớp giảng dạy. Nhưng không đi thì đâu thấy con đường, vậy là tụi mình đã gắn bó với PiMA suốt hơn 4 năm rồi”.

Mỗi năm, trại PiMA sẽ mang một chủ đề là một ứng dụng của Toán trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại. Teen tham gia ngoài được “nạp” thêm kiến thức Toán, kĩ năng nghiên cứu, làm việc nhóm thì còn cùng nhau làm một dự án cuối trại để tổng kết những gì mình học được.

Học Toán đâu chỉ để thi

Những trại sinh của PiMA

Bảo Linh kể: “Vào thời điểm đó, chúng mình nhận thấy đa số các bạn học sinh THPT Việt Nam chỉ học Toán để thi. Ngay cả các bạn có năng khiếu và hứng thú với Toán cũng chỉ tìm được động lực qua các kì thi học sinh giỏi. Tụi mình nghĩ nguyên nhân chính khiến các bạn ít thiết tha theo đuổi Toán chính là việc thiếu sự tiếp xúc với các ứng dụng “thú vị” của Toán”. Sau khi tham gia cuộc thi Toán mô hình quốc tế (International Mathematical Modelling Contest) cùng một nhóm bạn ở Duke, Trung đã nảy ra ý tưởng đem tư duy Toán mô hình và những kiến thức mình học được ở đó để giúp đỡ các bạn học sinh Việt Nam.

Bạn P. Mai (THPT chuyên Lê Hồng Phong) chia sẻ: “Trong PiMA, mỗi team đều có mentor riêng để nghiên cứu, học hỏi cùng nhau. Ngoài những giờ học tập, tụi mình còn được tham gia vào nhiều hoạt động thú vị lắm. Trại Toán học không hề khô khan như mọi người nghĩ. Những công thức, định lí đều có tính ứng dụng nên mình cảm nhận Toán gần gũi và “dễ thương” hơn”.

Sốc, choáng và… gục ngã

Đó là những từ ngữ các bạn trại sinh dùng để miêu tả những ngày đầu của trại. Việc phải làm quen với các kiến thức Toán mình chưa học bao giờ trong thời gian ngắn là một thử thách lớn. Tuy nhiên, sau phản ứng “sốc văn hóa” vài ngày đầu thì đa số các bạn đều tự thích ứng được với chương trình học ở trại, kết bạn và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học. Nhiều bạn sau khi đi trại PiMA đã biết cách tự học hơn, mạnh dạn giao tiếp hơn và ra dáng người trưởng thành hơn. Bảo Linh kể: “Có năm, mình tham dự trại hè với tư cách mentor. Ngày tổng kết trại, thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm đã viết cho mình một note cảm ơn, trong đó ghi rằng mình là “mentor tuyệt vời nhất” mà bạn từng có, và bạn cảm thấy điều gì cũng muốn chia sẻ với mình. Bên cạnh niềm hạnh phúc vì các ảnh hưởng tốt đến trại sinh, mình cũng thấy ấm áp vì những suy nghĩ của những bạn nhỏ”.

Chính vì những điều nho nhỏ, đáng yêu như thế, PiMA ngày càng được các bạn teen yêu thích và đón chờ nhiều hơn nữa.

DIỆP KHÔI - Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: