Những từ mẫu thầm lặng của làng Hòa Bình

Thứ tư, 26/02/2025 15:51 (GMT+7)

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, cùng nghe tâm sự của cô Đoàn Thị Thanh - hộ sinh phó trưởng khoa phục hồi chức năng của Làng Hòa Bình (bệnh viện Từ Dũ)- về việc chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt.

Cô Đoàn Thị Thanh đang đút cơm cho một bệnh nhi ở làng Hòa Bình- Ảnh: VIỆT HÙNG

Cô Đoàn Thị Thanh đang đút cơm cho một bệnh nhi ở làng Hòa Bình- Ảnh: VIỆT HÙNG

Làng Hòa Bình là một tòa nhà ba tầng nằm trong khuôn viên bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Lầu 1 là nơi vật lý trị liệu, lầu 2 là phòng họp, phòng học và khu vực hành chánh, mọi sinh hoạt, nghỉ ngơi tập trung ở 5 phòng trên lầu 3.

Ở đây không có khái niệm bệnh nhân - bác sĩ dù bệnh nhân được tiếp nhận khá đặc biệt: đó là những trẻ em khuyết tật, trẻ em có ba mẹ sống trong vùng nhiễm phóng xạ.

Hơn 30 người ở đây xem nhau như gia đình, những “cô”, “chú”, “bác” y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý… đã tận tình điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng những mảnh đời khiếm khuyết ấy, giúp các em tự tin bước vào đời để có tương lai tốt đẹp hơn…

Dưới đây là lời kể của cô Đoàn Thị Thanh - từ mẫu có gần 13 năm làm việc ở khoa phục hồi chức năng của làng Hòa Bình.

Từ tình yêu thương dành cho các em khuyết tật

“Alo, chị Thanh hả, bên khoa phục hồi chức năng cần một điều dưỡng hỗ trợ đưa các em qua Hàn Quốc phẫu thuật. Chị sang bên đó hỗ trợ nhé”.

Khi nhận được điện thoại từ Ban giám đốc, tôi khá chần chừ. Tôi công tác ở khoa sơ sinh đã 18 năm, nhưng chưa chăm sóc nhiều trẻ khuyết tật.

Chuyến đi ấy có 4 bé, trong đó có một bé sơ sinh 9 tháng tuổi bị sứt môi chẻ vòm hầu, một bé cần lắp chân giả, hai bé còn lại thì bị tật cột sống và sứt môi chẻ vòm hầu.

Những từ mẫu thầm lặng của làng Hòa Bình- Ảnh 2.

Cùng nhau chăm sóc cây điều ước - Ảnh: VIỆT HÙNG

Hai tuần ở Hàn Quốc chăm sóc các bé, tôi đặc biệt ấn tượng với em Trần Minh An, 19 tuổi. An bị sứt môi, chẻ vòm hầu nặng, lại bị tật cột sống nhưng tôi thấy ở An nghị lực vươn lên rất mạnh mẽ.

An kể tôi nghe về ước mơ được đi đứng bình thường như bao người, được đi học, đi làm trong ngành công nghệ.

Sau chuyến công tác ấy, tôi quyết định làm đơn xin thuyên chuyển từ khoa sơ sinh qua khoa phục hồi chức năng. Các em khuyết tật đã bị thiệt thòi nhiều rồi, chúng cần có người chăm sóc, chia sẻ và thấu hiểu. Thời điểm ấy là năm 2012.

Những từ mẫu thầm lặng của làng Hòa Bình- Ảnh 3.

Cây điều ước do các bạn tại làng Hòa Bình trồng - Ảnh: VIỆT HÙNG

13 năm đồng hành cùng con, cháu

Chăm bệnh nhân bình thường đã khó, với các em khuyết tật còn khó hơn nhiều. Ngoài tình thương, tôi phải đủ “nhạy” để hiểu tánh khí từng đứa.

Không chỉ khiếm khuyết về ngoại hình, nhiều bé còn có vấn đề về não, hay cáu gắt, tính khí thất thường. Chuyện gây gổ nhau xảy ra thường xuyên...

13 năm công tác tại đây, tôi có thêm 30 đứa con, đứa cháu. Hễ tôi đi đâu xa là tụi nó nhắn tin hỏi thăm: “Cô Thanh ơi về chưa?” hoặc khi nào biết tôi trực đêm là tụi nhỏ vui lắm, đi “loan tin” hết cho cả làng biết là tối nay cô Thanh trực.

Trong số các em bệnh nhi, có em Thu Thủy, sinh năm 1997 bị dị dạng hộp sọ, hai cẳng chân quặp ngược, gần như mất chi dưới nhưng vẫn cố gắng học và tốt nghiệp cử nhân.

Thủy đi dạy ở một trường tư thục tại Nhà Bè gần nhà tôi. Mỗi ngày tôi đi làm gần 20 cây số đã thấm mệt nhưng cô bé vẫn kiên trì chạy xe ba bánh đi dạy, dù có hôm ngoài trời mưa gió. Thương con quá, tôi bảo Thủy: “Hôm nào con dạy xong cứ về nhà cô ngủ”. Sáng, tôi dậy sớm, nấu đồ ăn để sẵn cho Thủy, ăn xong con bé đi dạy. Cứ thế cả năm trời.

Không riêng gì Thủy, tôi còn gắn bó với cả Ngọc Linh, Ánh, Minh Sơn. Nhớ lần đám giỗ ba chồng tôi ở Củ Chi, tôi thuê xe chở các em xuống dưới cùng ăn đám giỗ. Lần đầu được đi xa, được ngắm cảnh quê, các em vui lắm, hát hò...

Còn khoảng 4 năm nữa tôi về hưu. Tôi chỉ mong thời gian còn lại sẽ được gắn bó với các em tại đây, được nhìn chúng lớn lên, trưởng thành và nên người.

(ghi theo lời của cô Đoàn Thị Thanh - Hộ sinh phó trưởng khoa phục hồi chức năng - Làng Hòa Bình, bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM)

Niềm vui nhỏ nhưng quý giá

Khoa phục hồi chức năng tương đối đặc biệt nên công tác quản lý, điều hành cũng có nhiều điểm khác biệt. Ngoài công việc chuyên môn chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân còn có thêm nhiệm vụ nuôi dưỡng, giáo dục các em...

Ban đầu tôi cũng băn khoăn nhưng nhờ sự động viên của Ban giám đốc, các y bác sĩ của khoa, đặc biệt là nhìn thấy các em, tôi đồng ý nhận nhiệm vụ này.

Những từ mẫu thầm lặng của làng Hòa Bình- Ảnh 5.

Bác sĩ Cẩm Giang - Ảnh: VIỆT HÙNG

Có những chuyện nhỏ thôi nhưng liên quan đến các em thì mình phải tìm hiểu cặn kẽ. Ví dụ như bé Thu Thủy hỏi tôi: “Bác Giang ơi, con có nên đi thi Hoa hậu Trăng khuyết (cuộc thi hoa hậu dành cho người khuyết tật - PV) hay không?”, thế là tôi phải tìm hiểu cuộc thi đó mang tính chất là gì, có hợp pháp không, quy mô thế nào... Thấy ổn, tôi mới động viên Thủy đi thi.

Mỗi buổi chiều, có em đi ngang phòng tôi hỏi: “Sao bác Giang chưa về nữa?”, hay khi đi thi được điểm cao là các em lại khoe ngay với tôi, đó là những niềm vui nhỏ nhưng tôi thấy thật quý giá...

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Cẩm Giang (phó trưởng khoa điều hành khoa phục hồi chức năng bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: