Note ngay những bí kíp giúp teen "cai nghiện" mua sắm online mùa dịch

Thứ bảy, 21/08/2021 20:24 (GMT+7)

Mua sắm online rất có tiện ích, nhất là trong thời điểm hạn chế tập trung đông người. Nhưng điều này cũng khiến chúng ta dễ bị sa đà rồi chẳng may "vung tay quá trán" mua sắm những món đồ chưa thật sự cần thiết.

Công nghệ đã làm thay đổi cách chúng ta mua sắm, giờ đây cụm từ "mua hàng online" trở nên ngày càng quen thuộc hơn với mọi người. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xu hướng Work From Home đã tạo cơ hội lớn cho các kênh mua sắm online. Chỉ cần vài cú click chuột đơn giản, chúng ta có thể thoải mái ngồi ở nhà và chờ đồ được giao đến, vừa an toàn lại tiện lợi.

Tuy nhiên, chính thói quen mua sắm này đã và đang khiến chúng ta sa đà, rơi vào tình trạng màu hàng, “chốt đơn” không lối thoát. Chính vì thế, để không trở thành những “con nghiện” mua sắn online khi làm việc tại nhà, đồng thời chi tiêu thông minh hơn trong khoảng thời gian kinh tế đang “eo hẹp” như hiện nay, hãy luôn nhớ tới 4 mẹo nhỏ mà hữu ích này nhé!

Hạn chế vào các trang thương mại điện tử

Với trình độ công nghệ phát triển ngày nay, các trang bán hàng điện tử lớn luôn có chế độ “theo dõi” khách hàng. Chỉ cần bạn vào lướt xem các sản phẩm dù chưa có mục đích mua sắm, các trang này sẽ nhanh chóng nắm bắt tâm lý, liên tục hiện những quảng cáo về sản phẩm bạn vừa xem, làm nhu cầu mua sắm trong bạn cứ thế “trỗi dậy”.

Hơn thế nữa, mạng xã hội và các trang thương mại điện tử là những nơi cám dỗ và thu hút sự chú ý của nhiều người. Chỉ cần mở điện thoại, ngay lập tức những thông báo như khuyến mãi lên tới 70-80%, đồng giá 1k, "ship tận giường" với mức phí 0 đồng…. liên tục reo lên khiến chúng ta khó lòng mà cưỡng lại được.

Ngoài ra, với các sàn thương mại điện tử, hàng tháng đều sẽ có những đợt sale “sập sàn” với những mã giảm giá, những ưu đãi chỉ nghe thôi là đã thấy cực hấp dẫn. Điều này khiến cho các bạn trẻ - những người đang có nhiều thời gian rảnh rỗi cứ thế "canh" để giành mã giảm giá, “săn sale” chốt đơn liên tục.

Vậy nên, nếu đang không có nhu cầu, đừng “dạo chơi” ở các trang bán hàng online nhé! Hãy dành khoảng thời gian đó cho một số thú vui lành mạnh khác như đọc sách, nấu ăn, tập thể dục… Ngoài ra, một lời khuyên quan trọng khác dành cho bạn đó là đừng đăng ký nhận tin thông báo từ các nhà bán lẻ trực tuyến, đồng thời theo dõi chi tiêu và đặt ra các giới hạn rõ ràng cho việc chi tiêu online. Điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn với việc mua sắm.

Không mua hàng theo cảm xúc

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, tâm trạng tồi tệ tỷ lệ thuật với mức chi tiêu “mù quáng” con người sẵn sàng bỏ ra. Điều này có nghĩa là khi cảm thấy căng thẳng hay buồn khổ, chúng ta thường sẽ mua sắm, tiêu tiền để giúp cho tâm trạng mình thực sự thoải mái hơn. Song, việc mua hàng khi bản thân đang stress dễ khiến chúng ta đưa ra những quyết định không chính tác, hoặc tiêu quá nhiều tiền vào những món đồ thật sự không cần thiết.

Vì vậy, hãy đừng mua hàng khi tâm trạng không tốt. Thay vào đó, bạn có thể cải thiện tâm trạng bằng một số cách khác như đi dạo hay nghe vài bản nhạc mà bạn yêu thích hoặc trổ tài nấu nướng…

Lập danh sách những món cần mua và đặt giới hạn cho bản thân

Trước khi vào trang mua sắm, bạn nên lập danh sách những thứ cần mua để có được mục đích cụ thể. Hãy chắc chắn rằng bạn hoàn toàn có nhu cầu mua những sản phẩm này và chúng sẽ đem lại cho bạn những lợi ích nhất định. Có như vậy thì bạn mới có thể vừa thoải mái khi “chốt đơn” vừa không lo sẽ vứt nó vào góc nhà.

Ngoài ra, bạn cũng nên thử tự đặt ra giới hạn cho bản thân mình bằng việc lên lịch cho các khung giờ được phép mua sắm trong tuần. Ví dụ bạn có thể cho phép mình xem các sản phẩm mua sắm 2 lần mỗi tuần, mỗi tuần 1 tiếng chẳng hạn. Nếu nghĩ ra một sản phẩm muốn mua nhưng lại chưa đến thời gian được phép, bạn hãy viết lại trong sổ và chờ đến bữa sau.

Cho bản thân "khoảng chờ"

Khi trót lỡ yêu thích một sản phẩm. Hãy khoan quyết định ngay! Bạn có thể bỏ sản phẩm mình muốn vào giỏ hàng và cho mình 1 ngày để suy nghĩ. Theo nghiên cứu, sau 1 ngày nhìn lại, bạn sẽ dễ nhận ra mình liệu có thực sự có cần mua món hàng đó không. Với các sản phẩm giá trị lớn, bạn có thể lùi lại 1 tuần.

Trong “khoảng chờ” này, bạn có thể tự so sánh giá cả ở các kênh mua sắm khác nhau hoặc dọn dẹp và tìm "chỗ ở" cho những món đồ mà bạn đã mua. Khi dọn dẹp như thế, bạn sẽ nhận ra được một điều "mình đã mua đồ nhiều đến thế sao!". Từ đó, chính bản thân bạn sẽ tự suy nghĩ kỹ càng lại và "kiểm soát cơn nghiện" của bản thân.

Có khi sau 1 ngày, bạn sẽ quên hẳn sự tồn tại của sản phẩm đó, hoặc nhu cầu của bạn sẽ giảm xuống nhiều. Lúc này bạn hoàn toàn có thể cân nhắc về nhu cầu mua món hàng này của bản thân bạn.

Mong rằng với những “bí kíp’ như trên có thể giúp bạn bớt "nghiện mua sắm" hơn, trở thành một người tiêu dùng thông minh và cứu vãn căn bệnh “viêm màng túi” trong mùa dịch này.

ÁNH DƯƠNG

Ảnh: Pixabay

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: