Ôn Lịch sử vào thời điểm nước rút như thế nào?

Thứ ba, 28/06/2022 11:13 (GMT+7)

Lịch sử với tính chất nhiều sự kiện, mốc thời gian, thông tin là môn học không "dễ thở" chút nào đối với các sĩ tử. Nhiều học sinh thường chọn cách học truyền thống với các môn xã hội, là học thuộc lòng, trong đó có Lịch sử. Nhưng thực ra, chúng mình vẫn có phương pháp học nhanh hơn, khoa học và hiệu quả hơn đấy.

Phân bổ thời gian học hợp lý

Không phải cứ dành nhiều thời gian học Sử có nghĩa là kết quả sẽ khá hơn. Ngoài sử ra, các teen 2k4 còn tới 5 môn học khác phải thi. Do đó, nguyên tắc để học hiệu quả cần phân bổ thời gian học hợp lý.

Cần có thời gian biểu cho từng môn thì hiệu quả học mới cao.

Chọn thời điểm học phù hợp

Cái này rất quan trọng để các bạn có thể học tốt môn Lịch sử "khó nhằn" này. Chúng ta cần ghi nhớ kiến thức vào thời điểm đầu óc minh mẫn nhất, vì đây là lúc não bộ tiết ra các chất hỗ trợ việc học thuộc. Những lúc bị 'tụt mood', căng thẳng, đừng cố ép bản thân phải học, vì học cũng chẳng vào đầu chút nào.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời điểm tốt nhất để chúng ta có thể ghi nhớ tốt thông tin đã đọc là sáng sớm. Bởi lúc này, não bộ đã được hồi phục sau giấc ngủ, và nó sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Đọc lại bài cũ vào mỗi tối

Bạn có thắc mắc, vì sao mình học như thế mà kiến thức lại 'bay vèo' rất nhanh. Rất nhiều học sinh lâm vào tình cảnh "học trước quên sau", mới học thôi mà kiến thức đã "cất cánh" lúc nào không hay. Lý giải cho điều này chính là việc không học lại bài cũ vào mỗi buổi tối.

Sự ôn tập khiến chúng ta nhớ lâu hơn.

Chúng ta nhớ nhanh mà quên cũng rất nhanh. Theo nghiên cứu, bạn sẽ quên khoảng 70% kiến thức mới nếu trong vòng 8 tiếng sau khi học bạn không đọc lại bài. Vì vậy, các sĩ tử 2k4 cần tận dụng thời gian này để ôn tập lại những gì đã học để đưa kiến thức vào bộ nhớ dài hạn. Thay vì cố gắng học thuộc khiến nhanh chán, các bạn chỉ cần đọc lại nhiều lần, kiến thức sẽ 'auto' nhớ lâu.

Học hiểu nhớ bài thay vì học vẹt

Xem một bộ phim hay, bạn có thể dễ dàng kể lại nội dung cho bạn bè nghe; đọc một cuốn sách thú vị, bạn có thể tóm tắt nội dung chia sẻ với người khác,... Đó là khi chúng ta hiểu về những cái chúng ta đọc. Giống như thế, học Sử cũng cần hiểu thì mới nhớ lâu.

Để tránh lãng phí thời gian, hãy học hiểu những gì có trong sách và bài giảng của thầy cô, thay vì học vẹt. Ví dụ, với mỗi sự kiện, chủ đề lớn, bạn cần chia thành các mục nhỏ và đặt câu hỏi vì sao. Với thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945, hãy tự hỏi vì sao cuộc chiến được bắt đầu, sự chuẩn bị và diễn ra như thế nào, nguyên nhân và ý nghĩa thắng lợi của cuộc cách mạng...

Học bằng sơ đồ tư duy

Đây là một phương pháp cực kỳ hiệu quả cho các sĩ tử, không chỉ dành cho môn Sử mà còn áp dụng được tất cả các môn học. Hình thức học này ngoài việc mang lại kết quả tốt mà còn kích thích sự sáng tạo của người học. Bạn tự do vẽ sơ đồ tư duy về nội dung của một sự kiện bất kỳ, hệ thống kiến thức một cách tối giản nhất, ít chữ và rõ ý chính.

Học Sử không khó như những gì chúng ta tưởng tượng. Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thi Tốt nghiệp THPT 2022, các sĩ tử vẫn phải giữ tinh thần thoải mái, ôn tập hiệu quả để có được kết quả mong muốn nhé!

VÂN ANH

Ảnh: Internet

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: