Over Thinking - nghĩ nhiều chưa chắc là điều tốt

Thứ hai, 03/04/2023 10:46 (GMT+7)

Bị lo âu, mất ngủ, không tập trung vào công việc, học tập, ảnh hưởng đến các mối quan hệ… đó là những tác hại thường thấy của overthinking.

NGHĨ NHIỀU KHỔ LẮM AI ƠI!

Mọi vấn đề lớn nhỏ qua góc nhìn của “hội” overthinking đều là một vấn đề nghiêm trọng. “Chỉ cần một câu bông đùa vô thưởng vô phạt hay một sự im lặng không lí do của bạn bè trong cuộc hội thoại sẽ làm mình suy nghĩ liệu mình đã làm lỗi gì đó với đối phương. Nhiều khi bạn bè mình không có ý gì, nhưng do mình suy nghĩ nhiều nên tự dằn vặt bản thân. Bạn bè thấy vậy cũng dè dặt hơn, không còn thoải mái như trước. Điều này vô tình đã tạo nên một “bức tường” ngăn cách mình với các mối quan hệ” - Phạm Hoàng Bách (lớp 11 CV, Trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM) kể. Một số bạn tự dằn vặt bản thân vì lỗi lầm trong quá khứ. “Mỗi khi làm bài kiểm tra điểm kém, mình bắt đầu rơi vào trạng thái tự trách bản thân. Mình tự cảm thấy mình làm phí tiền, phụ công sức của ba mẹ. Mình hay khóc, không tập trung được vào công việc và quên ăn uống” - Trần Thị Thanh Trúc (lớp 10, THPT Trần Phú, Q.Tân Phú) cho biết. Từng là một người rất lạc quan, năng nổ trong mọi việc, thế nhưng có thời gian Ngô Giang Trí Văn (THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) đột nhiên rơi vào trầm cảm. Cậu kể: “Khi mình bị khiển trách vì một điều sơ suất trong công việc và không nhận được sự tín nhiệm đối với các anh chị, mình đã suy đi nghĩ lại rất nhiều. Có lúc mình tự trách bản thân là do mình chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoặc phải chăng mình chưa đủ gây thiện cảm với mọi người. Tâm trạng tiêu cực ấy cũng dẫn đến hiệu quả làm việc của mình ngày càng giảm sút hơn nữa…”.

Theo Ths. Tâm lí Thái Đình Lãm (giảng viên trường CĐ FPT): Overthinking (Hội chứng suy nghĩ quá mức) là một dạng của lo lắng thái quá, biểu hiện thường gặp trong “rối loạn lo âu toàn thể” ở tâm lí con người. Đây là biểu hiện của việc tiêu cực hóa mọi thứ trong một vấn đề đã xảy ra (quá khứ) nhưng bạn vẫn phân tâm và suy nghĩ nhiều về nó hoặc sắp xảy ra (tương lai), bạn sẽ suy nghĩ hay suy diễn các tình huống xấu sẽ xảy đến và khiến bạn lo lắng. Thực tế, mỗi chúng ta đều có ít nhất một lần gặp phải hội chứng này.

Phạm Hoàng Bách

Một số bạn lại suy diễn những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. “Nhiều lúc mình nghĩ lỡ đâu sau này mình bị thất nghiệp, không có việc làm thì sao; ra đường thì suy nghĩ lỡ đâu gặp tai nạn. Đủ thứ chuyện trên đời. Hay chỉ cần một “tín hiệu” bâng quơ của crush, mình đã “xoắn” lên và vẽ lên hàng ngàn viễn cảnh giữa mình và crush sẽ diễn ra trong tương lai”, Thanh Trúc chia sẻ. Đinh Huỳnh Long (Q.8) cho biết cậu overthinking trong chuyện tình cảm và các mối quan hệ. “Chỉ cần đối phương khiến mình cảm nhận hay có một chi tiết gì đó làm mình thấy không thoải mái là vô vàn kịch bản hiện lên trong đầu. Như có lần “ấy ơi” nói đi ăn với gia đình. Vô tình hôm đó mình với đám bạn cũng đi ăn ở chỗ ấy. Mình thấy bạn ấy từ xa. Thay vì một gia đình nhiều thế hệ như tưởng tượng, thì mình thấy bạn ấy đang đi với một bạn trẻ khác. Thế là mình bắt đầu nghĩ sâu xa, còn chụp ảnh lại làm bằng chứng. Bạn ấy giải thích rất nhiều nhưng mình vẫn không tin, đến khi bạn cho mình xem ảnh cả gia đình mình mới biết thực ra người đi cùng là em của bạn ấy”.

Trí Văn

GẠT ĐI SUY NGHĨ

Theo thầy Thái Đình Lãm, khi thay đổi cách nhìn nhận vấn đề sẽ giúp bạn tìm được một “điểm tựa” tích cực hơn. Như cậu bạn Trí Văn trong câu chuyện trên may mắn tìm được một người bạn để bày tỏ suy nghĩ, giúp cậu thay đổi góc nhìn.

Cậu kể: “Một chị ở trường đã biết chuyện, chị đã lắng nghe mình tâm sự, phân tích và nói cho mình hiểu thêm. Sau đó, mình mới nhận ra rằng, trong công việc, sơ suất là điều rất bình thường. Nhưng mình đã không biết khắc phục và cố gắng trong những lần sau mà cứ trượt dài sau thất bại ấy. Mình rút ra bài học rằng, những lúc như vậy, có thể tìm một người nhiều kinh nghiệm, có cách nhìn khách quan sẽ cho mình thêm nhiều hướng nghĩ khác đi, tích cực hơn”.

Viết nhật kí là phương pháp mà cô bạn Thanh Trúc áp dụng để giảm suy nghĩ tiêu cực. Viết ra những điều mình đã gặp, kể lại cảm xúc của mình sẽ khiến bạn nhẹ lòng hơn, có thời gian để tỉnh táo nhìn nhận vấn đề.

Huỳnh Long

Bạn cũng có thể đánh lạc hướng suy nghĩ của bản thân bằng những việc làm khác. “Mình thường đọc sách, tán gẫu cùng bạn bè, chơi thể thao, nghe nhạc, vẽ tranh thư giãn để sau đó suy nghĩ được thông suốt hơn”, Huỳnh Long chia sẻ.

SUY NGHĨ QUÁ MỨC KHIẾN:

- Tinh thần kiệt quệ.

- Mắc rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, nghiện rượu và các chất kích thích.

- Rơi vào trầm cảm và các vấn đề tâm lí khác cao hơn người bình thường.

- Não bộ trở nên quá tải khiến hệ thần kinh trì trệ trong quá trình hoạt động và tiếp thu thông tin, khó tập trung làm việc hay học hành.

- Khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo bị trì trệ.

Thay vì tự chất vấn bản thân vì những lỗi lầm, hãy nghiêm túc nhận lỗi và có hành động khắc phục. Hãy công nhận sự thành công của bản thân, đừng xem mình vô dụng.

NGHĨ ÍT NHƯNG NGHĨ ĐÚNG, HÀNH ĐỘNG NHIỀU HƠN, NGOÀI KIA VẪN CÒN NHIỀU ĐIỀU ĐANG CHỜ ĐÓN BẠN!

DUY DƯƠNG - Ảnh: NVCC - Minh họa: FREEPIK

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: