Rửa mặt là một... nghệ thuật

Thứ năm, 09/05/2019 23:26 (GMT+7)

Để có làn da đẹp, nhiều teen không ngần ngại chi tiền cho sữa rửa mặt, kem dưỡng, thế nhưng, ít ai nhận ra rằng, chỉ cần rửa mặt đúng cách là được.

Rửa mặt - chặn mụn từ vòng gửi xe

Nguyên nhân sinh mụn chủ yếu xuất phát từ đám bã nhờn, mồ hôi, bụi bặm… lâu ngày đóng cặn lỗ chân lông gây viêm nhiễm. Thế nên, việc rửa mặt được xem như là cách ngăn chặn (tương đối) binh đoàn mụn ngay từ vòng gửi xe. Cũng lưu ý, là trong bài viết này, bác sĩ chỉ phân tích về các kiểu nước rửa mặt “nhà làm”, không bàn đến các loại mĩ phẩm rửa mặt chuyên dụng.

Chọn nước để rửa mặt

Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng thật ra, việc chọn đúng nước rửa rất quan trọng. Về lí, chỉ cần nước sạch là đủ, có điều để có nước sạch lại không dễ chút nào. Sạch không chỉ là sạch khuẩn mà còn sạch về mặt hóa học, tức không có hoặc có ít hóa chất hại da.

Về nước sạch, nước máy hiển nhiên chiếm ngôi đầu về tính thực dụng, lại kinh tế, bởi chỉ cần mở vòi là có thể dùng được. Tuy nhiên, nước máy cũng lắm vấn đề. Tại nhà máy, nước máy phải trải qua nhiều công đoạn làm sạch, khử trùng nên không tránh khỏi ngậm hóa chất clor, flour... Chưa kể, quá trình dẫn nước từ nhà máy đến vòi còn khiến nước bị “quá cảnh” thêm ít kẻ lạ như sunfur, sắt (gỉ sét đường ống)... Những hóa chất này được mang lên mặt, về lâu dài, sẽ là mối nguy hại cho làn da.

Ngoài nước máy, những teen cẩn thận hơn có thể dùng nước bình, nước mưa, thậm chí nước cất, nhưng trên thực tế thì nước máy vẫn tiện dụng nhất, nhưng phải chịu khó “trông trước ngó sau” khi sử dụng. Chẳng hạn khi thấy mùi clor quá hăng hoặc da mặt ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ sau rửa mặt thì tốt nhất tụi mình nên nói không với nước máy.

Tế bào da chết, một phát là xong

Trong chăm sóc da, teen hẳn nghe nhiều đến kĩ thuật tẩy tế bào da chết. Đây là một cách làm sáng da đơn giản nhưng đôi khi bị thổi phồng là phải nhờ máy móc hiện đại, thẩm mĩ viện này nọ mới làm được. Thật ra tế bào da sau khi “hết hạn sử dụng” sẽ tự bong tróc, nếu cần phụ thêm thì dùng nước sạch là được. Chúng ta hằng ngày tắm rửa, rửa mặt thực chất là đang tẩy tế bào da chết đấy thôi.

Siêng thôi đừng siêng quá

Nói đến chất nhờn bã, tụi mình xưa giờ vẫn cho rằng đây là nguyên nhân sinh bệnh cho làn da, thế nhưng, thực chất, chất nhờn da lại có vai trò rất quan trọng với da. Da khô do thiếu nhờn sẽ sinh bệnh rất trầm trọng, có khi thê thảm hơn mụn nhọt nhiều. Thế nên, với những teen siêng rửa mặt thì nên “siêng thôi đừng siêng quá”, bởi bạn đang vô tình làm trôi chất nhờn da mặt đấy.

Nước vo gạo, sữa tươi, nước dừa...

Ngoài nước sạch, teen tụi mình còn thích dùng nước vo gạo, sữa tươi… để rửa mặt. Chúng cũng tạm coi là có công trạng nhưng tiêu chí sạch đôi khi lại không bằng nước trơn. Nước vo gạo rất dễ lẫn theo nấm mốc, vi khuẩn, hóa chất từ gạo, chưa nói vo gạo bằng nước máy thì không ổn. Tương tự, sữa tận nguồn lấy dưới bụng mấy cô bò thì không qua tiệt trùng, còn khi đóng gói thành phẩm thì lại đầy chất bảo quản, màu mùi, không hợp làm mĩ phẩm. Một số bạn còn chế ra kiểu rửa mặt bằng nước dừa, nước ép rau quả. Nghe có vẻ thiên nhiên vô hại nhưng thực tế teen rất khó kiểm soát các yếu tố hóa, lí làm hại da mặt trong chúng như độ pH, độ acid, đường, nhất là nếu không rửa lại bằng nước trơn kĩ thì dễ gây hại cho làn da.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Rửa mặt đúng cách
Dù dùng gì để rửa mặt, tính luôn mĩ phẩm, thì nhiều người, nhất là teen, thường phạm nhiều sai lầm. Dưới đây là những sai lầm thường gặp:
* Chọn sai chủng loại: Là cái sai từ vòng “đọc hướng dẫn trước khi dùng” phổ biến. Chẳng hạn, teen có da nhờn mà dùng loại nước, sữa rửa mạnh, chứa axit ăn mòn thì coi như “giao trứng cho ác”.
* Quên rửa tay trước khi rửa mặt: Bởi da tay và móng tay là ổ nhiễm khuẩn có hạng.
* Kì cọ quá kĩ: Khi bạn chà quá kĩ, nhất là bằng khăn thô ráp càng làm da mặt dễ tổn thương hơn.
* Rửa mặt bằng chậu và khăn không sạch.
* Bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi rửa khiến da mặt không đủ thời gian phục hồi, thay vì phải đợi chừng 10 phút.
* Không chịu rửa sạch mặt trước khi đi ngủ.
* Dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh khiến da dễ bị sốc nhiệt gây kích ứng và trôi mất chất bã nhờn...
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: