Study with me phiên bản nâng cấp

Thứ ba, 22/02/2022 21:58 (GMT+7)

Với sự phát triển của xu hướng Study with me (học cùng nhau qua mạng), gen Z còn tiến đến bước tìm kiếm bạn đồng hành thông qua các nhóm học tập.

Tìm "công sự" học tập

Dạo một vòng quanh các trang page về học tập, teen sẽ dễ dàng bắt gặp những bài viết tìm kiếm “cộng sự” có cùng mục tiêu học tập (ví dụ như “Cùng lấy điểm IELTS 8.0”...) để giúp nhau học tập tốt hơn, dễ dàng tiến đến mục đích mong muốn.

Thông thường, các bạn sẽ lập cho mình một group chat để trao đổi việc học và tạo các buổi họp mặt online vào các buổi tối. Các thành viên đến từ những thành phố khác nhau và cùng độ tuổi, mong muốn cải thiện thành tích học tập. Cô bạn Võ Phạm Thanh Tâm (trường quốc tế Nam Mỹ UTS) cho biết: “Hồi trước mình lười học lắm, cứ ngồi vào bàn học là sẽ cảm thấy buồn ngủ nhưng từ khi biết đến cách học này mình có trách nhiệm hơn hẳn, vì biết có một người đang chờ mình cùng học. Hơn nữa, vì là bạn mới quen nên ai cũng cố gắng học chứ không dám... hứa lèo”.

Cũng nhờ cách này, gen Z chúng mình đã quen được rất nhiều bạn mới. “Người bạn đầu tiên mà mình học chung bằng tuổi mình. Cả hai đều còn yếu tiếng Anh nhưng lại có thế mạnh riêng, một người khá ngữ pháp, người kia nghe ổn. Mỗi tuần tụi mình dành ra 2 - 3 buổi để gọi video call và cùng làm các bài kiểm tra định kì, bạn nào làm bài không được sẽ dẫn người còn lại đi ăn. Đây cũng chính là cách mà tụi mình tạo động lực cho nhau, rất hiệu quả đó nha” - cô bạn Thanh Tâm cho biết.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng tìm được những người bạn thật sự ham học, như trường hợp của cô bạn Thanh Mai (trường THPT Hiệp Bình, TP. Thủ Đức): “Mình vô tình tìm được một người bạn học cùng ở một tỉnh xa, ban đầu mình cứ nghĩ bạn ấy sẽ giúp đỡ và khiến mình học giỏi hơn. Nhưng những lúc học tập, bạn ấy lại làm việc riêng và hay gây ra tiếng ồn khiến mình cảm thấy rất khó chịu. Mình có góp ý nhưng cũng chỉ nhận được câu xin lỗi và hôm sau lại tái diễn, sau một thời gian mình quyết định không học chung nữa. Từ đó mình rút ra được kinh nghiệm khi chọn bạn học cùng là phải đặt ra những điều kiện ngay từ ban đầu, và dành thời gian để trao đổi với nhau trước khi bắt đầu”.

GEN Z HIẾN KẾ

Nếu lướt các bài đăng trên Facebook, bạn sẽ thấy để được tham gia nhóm học tập, bạn phải đạt một số yêu cầu nhất định. Cô bạn Khánh Linh (Hà Nội) “bật mí”: “Để chọn được người bạn đồng hành chất lượng, bạn nên đăng bài vào các group lớn, uy tín, vì sẽ dễ dàng tìm được người phù hợp nhu cầu. Mình thường tìm kiếm bạn theo những yêu cầu cụ thể như: Chia sẻ tình hình học tập hiện tại của bản thân, chia sẻ mục tiêu chung, chia sẻ những tài liệu hay, những tips hay cho nhau. Có như vậy mới giúp nhau cùng tiến bộ”.

Nguyên tắc để duy trì được việc học cùng người khác đó là chia sẻ những khó khăn và tìm cách khắc phục để cùng tiến bộ. Nếu bạn không chịu chia sẻ, hoặc không muốn nỗ lực thì việc học cùng bạn sẽ không mang lại hiệu quả. Bạn Nguyễn Phạm Tường Vy (TP.HCM) cho biết: “Việc gọi video call khi học giúp bạn không cảm thấy cô đơn, và khi mình học người khác cũng đang cố gắng. Chúng ta cùng làm những việc như nhau nên không thể nản lòng hay lười biếng... Mình cũng đã học được rất nhiều kĩ năng làm việc nhóm từ các bạn khác thông qua phương pháp học này”.

Tuy vậy, phương pháp này vẫn còn một vài hạn chế nhất định, bạn Huy Nam (trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp) cho biết: “Mình và các bạn trong team thường chỉ dành 1 - 2 tiếng để học cùng nhau, vì khi dành quá nhiều thời gian sẽ khiến mắt chúng ta bị mỏi. Và khi đã học chúng mình quy định là phải tắt thông báo của các trang mạng xã hội và để điện thoại ra xa để tập trung hơn”.

PHƯƠNG AN - Ảnh: NVCCV- Minh họa: FREEPIK

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: