"Tạm gác âu lo" cho sức khỏe khi mùa mưa đến...

Chủ nhật, 29/05/2022 16:19 (GMT+7)

Các cơn mưa giúp giải nhiệt những tháng nắng nóng, tuy nhiên, những cơn mưa trái mùa dẫn đến nhiều mối lo sức khỏe.

MÙA MƯA - BỆNH “THẬP DIỆN MAI PHỤC”

+ Không khí: mùa mưa miền Nam tính khí thất thường kéo theo chênh lệch nhiệt độ cao, là lí do khiến hệ miễn dịch dễ mỏi mệt, mở đường cho các loại vi khuẩn, virus hô hấp cũng... té nước theo mưa. Mùa mưa là mùa cao điểm của cảm, cúm, viêm hô hấp...

+ Nước đọng: rác rến, mầm bệnh từ cống rãnh, ao tù theo nước mưa nổi lên. Bởi vậy, mùa mưa cũng là mùa “bội thu” của các bệnh tiêu hóa (e.coli, tả, lị, thương hàn, viêm gan A), bệnh đau mắt đỏ... Chưa kể ao tù nước đọng lí tưởng sinh sôi nhiều loại muỗi truyền bệnh: muỗi vằn sốt xuất huyết, muỗi sốt rét, muỗi viêm não Nhật Bản B...

+ Ẩm ướt: trên ẩm, dưới ngâm chân trong nước là thiên đường của nấm mốc, bệnh ngoài da (nấm chân, viêm nang lông, viêm kẽ, ghẻ,...).

+ Tai nạn: đường ướt, cây đổ, sấm sét, điện giật... là những mối nguy rình rập tụi mình khi ra đường vào mùa mưa.

ĐỀ PHÒNG NHIỄM LẠNH

Cảm lạnh là vấn đề sức khỏe thường gặp nhất vào mùa mưa. Để không nhiễm lạnh, cần tránh mắc mưa.

+ Luôn thủ sẵn áo, giày đi mưa...

+ Bỏ tâm lí lười mặc áo mưa, “đường về ngắn, ướt tí có sao đâu”...

+ Nếu lỡ mắc mưa nên tắm lại bằng nước ấm, lau và thay quần áo nhanh. Sẽ tốt hơn nếu tìm cách sưởi ấm, xông mũi bằng trà gừng nóng, chocolate nóng hay bát súp nóng...

+ Không nên sử dụng máy lạnh vào mùa mưa.

CỦNG CỐ ĐƯỜNG RUỘT

Bảo vệ bụng dạ mùa mưa giống như trận “thủy chiến” chống vi khuẩn phục kích theo nước bẩn.

+ Luôn ăn chín, uống sôi, rửa tay mọi lúc. Nấu ăn ở nhà, mang nước uống khi ra ngoài, hạn chế ăn vặt ngoài đường.

+ Rau xanh, hoa quả là thực phẩm dễ bị tưới tắm bằng nước bẩn vào mùa mưa nên khi sử dụng cần chú ý làm sạch hơn một chút.
+ Chi viện cho lợi khuẩn (probiotics) đường ruột chống “phong ba bão táp” bằng những thực phẩm giàu chất xơ (artichaut, mâm xôi, bông cải xanh, đậu xanh, đậu trắng, đậu lăng...), lên men (sữa chua, kim chi, dưa cải, kefir, kombucha, tempeh...).

TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH

Phòng cảm cúm mùa mưa hẳn ai trong chúng ra cũng “rành sáu câu” nhờ kinh nghiệm từ mấy mùa Covid (giữ khoảng cách, thông gió nhà cửa, rửa tay...). Trong đó, việc tiếp sức cho hệ miễn dịch có phần cấp thiết hơn bởi sức đề kháng của chúng ta bị sứt mẻ nhiều sau dịch bệnh. Ngoài “ăn đủ chất, ngủ đủ giấc” cần bổ sung thêm vitamin C, tỏi (lợi đề kháng), nghệ (kháng sinh tự nhiên)... cho cơ thể.

Đặc biệt nên uống nhiều nước vào mùa này (dù không khí lạnh khiến chúng ta lười uống nước) bởi nước giúp thanh lọc, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch...

TUYÊN CHIẾN VỚI MUỖI

Vẫn là khẩu hiệu “không lăng quăng, không sốt xuất huyết”. Chú ý loại bỏ nước đọng, dọn dẹp nhà cửa, thoa kem chống muỗi, ngủ mùng, quần áo dài...

CẨN THẬN VỚI NẤM, BỆNH NGOÀI DA

- Khi mắc mưa, chống chân xuống vũng nước thì về nhà nên rửa sạch và làm khô ngay. Hãy nói không với giày ướt, vớ ướt ngày mưa hôm qua.

- Hạn chế tắm sông và cả hồ bơi (bị nước bẩn thẩm thấu)...

- Khử trùng nhẹ nước tắm với dettot, savlon, betadine tuy nhiên nên cẩn thận liều lượng.

“ẤM LÒNG” MÙA MƯA

Mùa mưa nên tích cực dung nạp những món sinh nhiệt từ bên trong. Danh sánh “ấm lòng” này gồm thịt giàu đạm (thịt bò, trâu, gà, cá...), giàu carb (chuối, táo, yến mạch, khoai lang, đậu đỏ, đậu đen...), giàu iod (rong biển, sứa, tôm, cua, sò, hến...), chống oxy hóa (bí ngô, khoai tây, mật ong...), gia vị tỏi, gừng, nghệ...

Trong đó gừng đặc biệt tốt cho sức khỏe vào mùa mưa nhờ tác dụng kháng khuẩn, chống nấm, sinh nhiệt. Mùa mưa chỉ cần một vài lát gừng cho vào nước ấm là đủ ấm lòng.

MẸO MÙA MƯA

- Ủi quần áo, ga trải giường, khăn tắm... tuy hơi mất công nhưng giúp kháng ẩm, chống nấm, kháng khuẩn và chống mùi.
- Ăn cay là một cách giữ ấm và giúp ngon miệng, có điều cần điều tiết nồng độ bởi cay quá khiến hệ tiêu hóa khó ở và sức đề kháng mỏi mệt.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN - Minh họa: FREEPIK

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: