Tân sinh viên và câu chuyện trọ học: kí túc xá hay phòng trọ?

Thứ sáu, 18/02/2022 13:56 (GMT+7)

Sau khoảng thời gian học online, từ giữa tháng 2/2022, nhiều tân sinh viên sẽ chính thức bước vào giảng đường. Các bạn sẽ chọn cho mình những nơi ở phù hợp để học tập, sinh sống cho những năm tháng đại học.

Ở ký túc xá thuận lợi việc học tập

Đến từ vùng miền núi của tỉnh Đắk Nông, nơi sinh sống chỉ cách biên giới Lào vài km, Phùn Văn Ba, tân sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cảm thấy khá hài lòng khi lựa chọn ký túc xá (KTX) là nơi ở. “Vì đây là lần đầu tiên mình bước vào Sài Gòn, mọi thứ ở thành phố đều rất lạ lẫm nên mình lựa chọn KTX để an tâm hơn”, Văn Ba tâm sự.

KTX gần với trường mà Văn Ba theo học, chi phí rẻ, đầy đủ tiện nghi. “Mình đã xác định mình sẽ ở KTX thời gian đầu, nếu cảm thấy phù hợp mình sẽ ở 4 năm đại học. Còn nếu mà cảm giác không thoải mái mình sẽ ra ở trọ”, tân sinh viên này tiết lộ.

Cũng chọn KTX là nơi ở khi vào trường học trực tiếp, tân sinh viên Nguyễn Minh Phúc, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Mình chọn KTX vì giá phòng rẻ nhưng an toàn, an toàn ở đây là chất lượng phòng, khuôn viên an ninh, thoáng mát. Ở KTX có nhiều tiện ích mình cần như quán ăn, sửa xe, phòng gym.... Đây cũng là môi trường tốt mình có thể giao lưu, kết bạn mới”.

Nhiều tân sinh viên bắt đầu vào ký túc xá để chuẩn bị học tập tại trường. Ảnh: TTQLKTX

KTX là nơi thuận lợi để cho sinh viên rèn luyện, học tập trong suốt khoảng thời gian theo học đại học. Bên cạnh đó, ở KTX cũng phát sinh nhiều vấn đề khiến cho nhiều tân sinh viên phải để tâm đến.

Đối với Minh Phúc, vấn đề về việc ở cùng phòng toàn người lạ nên phải cảnh giác bởi vì chưa biết thông tin về họ, cũng có thể là do bạn cùng phòng không hợp tính tình với nhau. Hơn nữa, ở KTX cũng có vài điều bất tiện như đôi lúc wifi yếu, không được nấu ăn và nhiều quy định khắt khe khác.

Ngoài ra để phòng bị những bất tiện trong quá trình ở, Minh Phúc đã đưa ra những phương pháp để cho các tân sinh viên giống như Phúc bớt bỡ ngỡ: “Mình sẽ đánh dấu lại các cửa hàng bán đồ rẻ, tiệm sửa xe, tải các app đặt taxi, xe bus. Bên cạnh đó, mình có biết nhiều anh chị học ở khu ĐHQG cũng như có nhiều group hội nhóm trong KTX trên facebook nên khá dễ dàng tìm được sự giúp đỡ”, Minh Phúc bày tỏ.

Nhưng đối Văn Ba, các quy định của KTX thì không hẳn bất tiện. Tân sinh viên này cho rằng những quy định KTX đặt ra cũng chỉ là muốn tốt cho sinh viên. Mặc dù KTX không cho không cho nấu ăn nhưng đồ ăn ở đó cũng khá đa dạng. Giờ giấc 11 giờ đóng cửa là phù hợp. “Là 1 tân sinh viên thì mình sẽ chọn ở KTX. Vì mình nghĩ nên làm quen với môi trường trước, ở trọ nhiều khi mình chưa hoà nhập được sẽ có nhiều rủi ro. Còn năm 2 trở lên nếu cảm thấy không phù hợp thì có thể chuyển ra ở trọ”, Văn Ba chia sẻ.

Tìm một phòng trọ phù hợp

Ngoài KTX thì nhiều tân sinh viên cũng có cho mình một lựa chọn nữa, đó là ở trọ. Bởi vì trọ là nơi sinh sống, học tập và nghỉ ngơi sau một ngày dài nên nhiều tân sinh viên phải lựa chọn thật kỹ, thật phù hợp để cho cuộc sống được hiệu quả, thoải mái nhất.

Tân sinh viên Nguyễn Lâm Quốc Chiến, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng lựa chọn ở trọ vì lý do ấy. “Ban đầu bố mẹ có khuyên mình là nên ở KTX vì có tính an ninh cao, không phải lo việc nấu nướng. Tuy nhiên, mình lại thích sự tự do và chuyện bếp núc. Dạ dày của mình cũng khá yếu nên mình khá là sợ phải ăn đồ ăn ngoài. Sau một thời gian thuyết phục thì bố mẹ đã đồng ý cho mình thuê trọ”, Quốc Chiến nói.

Phụ huynh đồng hành cùng con khi tìm nơi ở. Ảnh: TTQLKTX

Khi bắt đầu tìm kiếm trọ thì vấn đề đầu tiên mà Quốc Chiến quan tâm đến đó là vị trí phòng trọ có thuận tiện cho việc đến trường hay không. Không nhất thiết là phải gần sát bên trường, chỉ cần nơi đó có tuyến xe buýt đến trường là ổn. “Mình sẽ ưu tiên những nơi đảm bảo an ninh, không ở quá sâu trong hẻm nhỏ. Mình cũng có đọc qua những trường hợp khi thuê trọ gặp phải những kẻ lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nên khi thuê, mình sẽ có những trao đổi nhất định với chủ nhà về điều khoản, giá cả. Mọi thứ đều phải rõ ràng, chi tiết, có giấy tờ đầy đủ để tránh lừa đảo”, Quốc Chiến tiết lộ.

Tương tự, tân sinh viên Nguyễn Đỗ Nhã Trúc, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Mình không quen với việc ở chung với người lạ, do mình thức khá là khuya để chạy đồ án và làm các việc khác, như vậy thì sẽ làm phiền các bạn cùng phòng. Bên cạnh đó, mình thích tự nấu ăn, mà ở KTX thì không cho phép nấu nướng trong phòng.”

Để chọn được một căn phòng trọ tốt, Nhã Trúc nhờ người thân sinh sống ở Sài Gòn tìm giúp một phòng trọ gần trường, giá cả hợp lý, chất lượng vệ sinh tốt, có wifi và bãi gửi xe. Dù lựa chọn KTX hay ở trọ thì các tân sinh viên cũng đã có những sự chuẩn bị và lựa chọn của riêng mình trước khi bước vào giảng đường đại học.

“Nếu nói gửi gắm 4 năm học tập tại đại học, mình sẽ không biết sắp tới mình sẽ được trải nghiệm những gì. Nhưng chắc là mình sẽ từ từ trải nghiệm rồi xây dựng kỷ niệm tại nơi này”, Văn Ba thổ lộ.

Anh Lại Thế Tuân - Trưởng phòng Tổng hợp Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG – HCM cho biết: “Ngày đầu đến với ký túc xá (KTX), nhiều tân sinh viên còn khá xa lạ, chưa thích nghi được với nếp sống và không gian mới. Nên hay nhớ nhà, phòng ở thì đông người với văn hóa vùng miền khác nhau, chưa nhớ đường, các tòa nhà trong KTX và chưa quen thời tiết. Khi sinh viên đến với KTX, đầu tiên phải học tính tự lập, lập kế hoạch sống khi không có người thân bên cạnh. Thứ hai là sự thích nghi và tôn trọng bằng cách thay đổi cách sống cho phù hợp với môi trường tập thể. Cuối cùng là sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và các mối quan hệ xã hội khác”.

PHÚC KHA - THƯỢNG HẢI
(theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: