Teen Trường THCS Lam Sơn đi bộ từ trường đến lăng Ông nghe hát bội

Thứ năm, 14/11/2024 09:00 (GMT+7)

Học sinh lớp 6/1 và 7/1 Trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh) tìm hiểu loại hình nghệ thuật hát bội thông qua tiết mục biểu diễn đặc sắc ở lăng Lê Văn Duyệt (thường gọi là lăng Ông) nằm cách trường không xa.

Teen Trường THCS Lam Sơn đi bộ từ trường đến lăng Ông nghe hát bội- Ảnh 1.

Các bạn học sinh chụp hình kỷ niệm cùng các diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM - Ảnh: HÀ ĐỖ

Tìm hiểu tài sản quốc gia ở sân Lăng

Từ 8h, các cô chú diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM có mặt tại lăng Lê Văn Duyệt để hóa trang thành các nhân vật trong vở tuồng nổi tiếng cho kịp. Vì nếu như ở các loại hình nghệ thuật khác, việc hóa trang có phần “dễ thở” hơn khi nghệ sĩ được thoải mái sáng tạo tùy theo trí tưởng tượng của mình thì hát bội lại ngược lại.

Từng nhân vật với những tính cách khác nhau sẽ được quy định kiểu hóa trang khác nhau, chẳng hạn: Nhân vật trung thần, trung can nghĩa khí thường vẽ mặt màu đỏ; còn nhân vật nịnh thần, tính khí gian xảo thường vẽ mặt màu trắng mốc; nhân vật có tính cách hiền hòa, từ bi, nhân hậu sẽ có gương mặt màu vàng nhạt…

Nếu bạn biết được các đặc điểm này cũng dễ theo dõi nội dung vở tuồng và không bị “loạn xì ngầu” các nhân vật đó!

Teen Trường THCS Lam Sơn đi bộ từ trường đến lăng Ông nghe hát bội- Ảnh 2.

Một bạn đang ghi hình tiết mục biểu diễn để chia sẻ cho bạn bè lớp khác xem - Ảnh: HÀ ĐỖ

Teen Trường THCS Lam Sơn đi bộ từ trường đến lăng Ông nghe hát bội- Ảnh 3.

Các bạn chăm chú xem trích đoạn “Triệu Trinh Nương phất cờ khởi nghĩa” - Ảnh: HÀ ĐỖ

Những màn trình diễn rất đặc sắc: Đầu tiên là màn múa Mừng lễ hội Kỳ Yên nhằm giới thiệu những đặc điểm cơ bản của loại hình nghệ thuật truyền thống hát bội qua bài vè rất dễ thương.

Sau đó là hai trích đoạn về chủ đề lịch sử: “Lê Công xử án Huỳnh Công Lý” và “Triệu Trinh Nương phất cờ khởi nghĩa”.

Teen Trường THCS Lam Sơn đi bộ từ trường đến lăng Ông nghe hát bội- Ảnh 4.

Các bạn chụp hình bên ảnh triển lãm nhân vật hát bội - Ảnh: HÀ ĐỖ

Bạn Phương Nghi (lớp 7/1) chia sẻ: “Qua buổi diễn, mình được biết hát bội là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của ông cha ta và nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các bài học lịch sử cũng trở nên sinh động hơn. Mình thích nhất là cảnh nhân vật Triệu Thị Trinh cùng anh trai dấy binh khởi nghĩa chống giặc Đông Ngô rất hùng hồn, hoành tráng”.

Thử tài làm nghệ sĩ hát bội trên sân khấu

Không chỉ xung phong trả lời câu hỏi, các bạn còn rất hăng hái nhanh chân chạy lên sân khấu để thử tài làm nghệ sĩ hát bội. Dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ trẻ Hà Trí Nhơn, các bạn được học cách biểu diễn trình thức vũ đạo hát bội với hai động tác cơ bản: đi thuyền và cưỡi ngựa.

Teen Trường THCS Lam Sơn đi bộ từ trường đến lăng Ông nghe hát bội- Ảnh 5.

Bạn nào cũng hăng hái xung phong trả lời câu hỏi tìm hiểu hát bội - Ảnh: HÀ ĐỖ

Teen Trường THCS Lam Sơn đi bộ từ trường đến lăng Ông nghe hát bội- Ảnh 6.

Nghệ sĩ trẻ Hà Trí Nhơn (áo hồng) đang hướng dẫn bạn Thủy Tiên động tác chèo thuyền - Ảnh: HÀ ĐỖ

Bạn Phúc Trí (lớp 7/1) cho biết: “Lúc mới nghe tên mình tưởng dễ thực hiện nhưng lại có rất nhiều thứ phải nhớ, vì các động tác chủ yếu mang tính tượng trưng và ước lệ.

Ví dụ khi giơ một chân lên rồi bước dài ngang qua giống như leo lên ngựa; cưỡi ngựa ngắm cảnh thong dong thì đi chầm chậm nhưng khi báo tin nguy cấp phải chạy thật nhanh… Mình mới chạy một vòng nhỏ trên sân khấu thôi mà đã đổ mồ hôi hột vì tốn khá nhiều sức”.

Chèo thuyền tưởng khó y chang mà thật ra là… khó hơn vì phải sử dụng thêm mái chèo. “Mình phải chống cây chèo xuống đất rồi “ngoáy ngoáy” giống như đang chèo thiệt, chân di chuyển chầm chậm như thuyền trôi êm trên mặt hồ.

Còn khi bị giặc truy đuổi, mình phải di chuyển nhanh, tay chèo thoăn thoắt nhưng cũng phải giữ nhịp diễn vừa phải trên sân khấu để khán giả hiểu hành động của mình là gì” - bạn Thủy Tiên (lớp 7/1) chia sẻ thêm.

Chính nhờ tiết mục giao lưu nhỏ nhỏ này mà các bạn có cơ hội cọ xát, trải nghiệm thực tế để hiểu thêm những khó khăn của người nghệ sĩ trên sân khấu.

Bên cạnh đó, xung quanh chỗ các bạn ngồi còn có hình chụp triển lãm các vai diễn, trang phục đặc trưng của hát bội. Nhiều bạn ồ à thích thú khi thấy nhân vật trong ảnh kế bên mình đang hiện diện sinh động trên sân khấu.

Sắc màu trong hát bội

Mời các bạn ghé xem triển lãm ảnh Sắc màu trong hát bội từ ngày 10-11 đến 21-11-2024 tại tòa nhà Lê Bảo Minh (184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Võ Thị Sáu. quận 3, TP.HCM)! Đây là triển lãm cá nhân của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga.

Cô hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, Phó Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Hải Âu. Cô đã đem vào triển lãm lần này những bức ảnh được chắt lọc qua năm tháng bằng bề dày kinh nghiệm, trải nghiệm trong nhiếp ảnh cũng như thời gian dài làm báo Sân Khấu TP.HCM và tình yêu của mình đối với bộ môn hát bội.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: