Tháng mười một, gửi yêu thương

Thứ năm, 17/11/2022 12:14 (GMT+7)

“Ba” hay “má” đâu chỉ để gọi người thân, đó còn là cách mà nhiều học trò chúng mình vẫn gọi thầy cô.

Hân chụp hình với “mẹ” Thơ khi đạt huy chương cuộc thi Olympic tháng 4

“MẸ THƠ” LÀ SỐ MỘT

Những ngày đầu khi vào đội tuyển Văn, mình không biết cách viết sao cho lôi cuốn, truyền đạt qua câu chữ sao cho hay... nên thường xuyên bị stress, dẫn đến tinh thần suy sụp và đổ lỗi cho bản thân. Nhưng sau khi được cô Trần Huỳnh Anh Thơ (GV phụ trách đội tuyển môn Ngữ Văn) hướng dẫn, mình đã có suy nghĩ hoàn toàn khác. Chính cách cô dạy và cách cô tiếp cận với khó khăn của từng bạn trong đội tuyển khiến ai cũng cảm thấy rất ấm áp. Có khoảng thời gian mình phải đi xe buýt đến trường để học vào mỗi buổi trưa nên thường xuyên tới lớp trễ. Cô không la mắng mà còn động viên mình rất nhiều. Mỗi khi làm bài sai, cô không nói trước lớp mà góp ý tinh tế ở mỗi lỗi sai cũng như có những lời khen rất dễ chịu với những tiến bộ của học sinh.

Không những thế, cô còn là người truyền đạt cho mình những kiến thức nền tảng môn Văn để áp dụng vào đời sống hằng ngày. Mặc dù chỉ gắn bó với nhau vỏn vẹn vài tháng thi đội tuyển nhưng cô luôn xem mình là con gái. Ngược lại, mình gọi cô là “mẹ Thơ”. Mỗi lần gặp khó khăn, mình luôn tìm tới “mẹ” đầu tiên và “mẹ” luôn sẵn sàng lắng nghe, cho mình lời khuyên rất hữu ích” - Trần Bảo Hân (học sinh trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh).

HAI TIẾNG “MÁ TÂM”

“Má Tâm” chụp ảnh cùng các bạn học sinh lớp 12CH

“Tụi mình may mắn được đồng hành cùng cô Nguyễn Thị Thanh Tâm (GV bộ môn Vật lí, trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh) suốt những năm cấp 3, nhưng tới tận năm lớp 11, cả lớp mới “bập bẹ” hai tiếng “má Tâm”. Câu chuyện bắt đầu từ chuyến đi Đà Lạt, lẽ ra hôm đó cả lớp chúng mình sẽ đi cùng cô chủ nhiệm, nhưng vì bận việc gia đình, cô đã không thể đồng hành cùng lớp. Vì thế, tụi mình xin phép nhà trường được đi cùng cô Tâm, bởi cô từng hứa với lớp sẽ lên Đà Lạt kể chuyện cho lớp nghe. Nhưng có ai ngờ, vì bận việc đột xuất, cô Tâm đã không có mặt. Cả lớp buồn hiu vì nghĩ sẽ không thể đi cùng cô lần này.

Vậy mà sau khi giải quyết xong việc riêng, cô đã tức tốc từ TP.HCM lên Đà Lạt ngay trong đêm. Lúc cả lớp đang ở chợ đêm, cô bất ngờ xuất hiện làm tụi mình thực sự cảm động. Cả lớp đã chạy ùa tới ôm cô và kêu to: “má Tâm”. Cũng kể từ hôm đó, lớp mình yêu thương gọi cô bằng “má”, tổ chức cho “má” những ngày kỉ niệm nho nhỏ bằng cả tấm lòng to to.

Tụi mình đều là học sinh chuyên Hóa, dự định thi khối B nên lớp mình dường như không còn chú trọng môn Lí như trước. Cũng từ đó, môn Lí của lớp luôn “lẹt đẹt” ở mức trung bình khá. Cô Tâm buồn lắm, cô nhắc nhở tụi mình, thay đổi cả cách dạy để tụi mình dần lấy lại hứng thú. Mình còn nhớ những ngày cuối cùng học ôn, cô đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để giảng lại cho lớp những kiến thức cơ bản nhất. Cũng nhờ vậy mà điểm trung bình tốt nghiệp môn Lí của lớp mình ở mức khá đó” - Khắc Duy (cựu học sinh trường) kể lại.

NGỌT NGÀO HAI TIẾNG “MÁ ƠI”

Đêm tri ân ra trường của tập thể lớp 12A11 cùng “má Xuân"

Được biết đến là một trong những giáo viên nghiêm khắc, cô Nguyễn Thái Xuân (GV bộ môn Ngữ văn, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) thường xuyên “rầy” lớp chủ nhiệm những lần cả lớp phạm lỗi. Nhưng sau mỗi lần như thế, cô thường bảo với cả lớp rằng: “Cô xem cả lớp như những đứa con của mình nên mới rầy, để tụi con ý thức mà trở nên tốt hơn”. Cũng kể từ đó, cả lớp đều gọi cô là “má Xuân”.

Cả lớp mừng sinh nhật cô

Nhớ lần thi cuối kì, hôm sau thi nhưng hôm nay tụi mình vẫn phải lên trường không được nghỉ, thế là lớp mình đã “cúp học” đồng loạt, sĩ số lớp học từ 50 chỉ hiện diện có 9. Cô giận lắm. Sau lần đó, tụi mình nhận ra đã có lỗi rất lớn, tụi mình xin lỗi cô. Từ đó tụi mình trưởng thành hơn, thấu hiểu cảm xúc của giáo viên hơn để tránh khiến thầy cô buồn.

Mình còn nhớ rất rõ đêm tri ân ra trường, ngay sau bài phát biểu của cô, cả lớp đã ùa lên hát thật to bài hát mà lớp viết riêng cho cô, rồi cô trò ôm nhau khóc dưới trời mưa tầm tã. Hát xong, cả lớp không quên hét thật to “tụi con cảm ơn má Xuân” rồi oà khóc như những đứa con nít” - An Nhiên (cựu học sinh trường) chia sẻ.

Dù là trước đây, bây giờ hay sau này, tụi mình luôn có vô vàn cách thể hiện yêu thương. Nhưng những tiếng gọi í ới “má”, “ba” sẽ luôn là những thanh âm ấm áp và trong trẻo nhất mà học trò dành tặng cho thầy cô của mình.

PHƯƠNG AN - HẢI MY

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: