Thứ ba, 04/03/2025 14:28 (GMT+7)

Từ ngày 4 đến 16-3, Thảo cầm viên Sài Gòn tổ chức triển lãm ảnh "Chiếc áo dài Việt Nam" với 60 tác phẩm, tôn vinh vẻ đẹp áo dài qua các thời kỳ.

Thảo cầm viên Sài Gòn khai mạc triển lãm áo dài- Ảnh 1.

Thảo cầm viên tổ chức triển lãm ảnh “Chiếc áo dài Việt Nam” - Ảnh: TUYẾT NHI

Nhằm tôn vinh vẻ đẹp áo dài Việt Nam và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, Thảo cầm viên Sài Gòn phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức triển lãm ảnh “Chiếc áo dài Việt Nam”. Lễ khai mạc vừa diễn ra sáng nay, 4-3.

Không chỉ trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, triển lãm còn mang đến góc nhìn sâu sắc về hành trình hình thành và phát triển của tà áo dài qua từng giai đoạn lịch sử.

Sự kiện cũng là hoạt động ý nghĩa chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1910 - 8-3-2025).

Bà Huỳnh Thu Thảo, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, chia sẻ: "Triển lãm nhằm mang đến không gian nghệ thuật đặc sắc, nơi tà áo dài được tái hiện qua từng giai đoạn lịch sử, phản ánh sự phát triển và vị thế của người phụ nữ Việt Nam".

Thảo cầm viên Sài Gòn khai mạc triển lãm áo dài- Ảnh 3.

Hình ảnh áo dài qua các thời kỳ được trưng bày trong triễn lãm - Ảnh: TUYẾT NHI

Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Chị Bé Tư - người yêu thích áo dài -chia sẻ: "Khi có lễ hội, tôi luôn chọn áo dài để mặc bởi nó vừa duyên dáng vừa thanh lịch. Dù hiện nay có nhiều kiểu áo dài cách tân nhưng tôi vẫn thích nhất dáng áo dài truyền thống với tay dài và cổ cao bởi nó giữ trọn nét truyền thống vốn có".

Hành trình phát triển của áo dài Việt Nam

Tại triển lãm, Thảo cầm viên Sài Gòn giới thiệu hành trình phát triển của áo dài qua từng thời kỳ lịch sử:

- Áo dài Giao Lãnh (TK XVII): Tiền thân sơ khai với thiết kế rộng, xẻ tà, mặc ngoài yếm lót, kết hợp thắt lưng và váy đen.

- Áo dài Tứ Thân (TK XVIII): Biến tấu từ áo dài Giao Lãnh, có 4 tà, tiện lợi cho lao động, thường đi cùng yếm và khăn mỏ quạ.

- Áo dài Ngũ Thân (TK XIX): Xuất hiện thời vua Gia Long. Áo được thiết kế với 5 vạt áo – 4 vạt tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ bên nội và bên ngoại), vạt áo thứ 5 nhỏ hơn nằm bên trong đại diện cho người mặc, thể hiện quan niệm về gia đình và lễ nghĩa truyền thống.

- Áo dài Lemur (1939): Kiểu áo cách tân đầu tiên do họa sĩ Cát Tường thiết kế, ôm sát cơ thể, tay phồng, cổ khoét hiện đại.

- Áo dài Lê Phổ (1950s): Kết hợp giữa phong cách của áo dài Lemur và Tứ Thân, tối giản chi tiết phương Tây, tạo dáng áo dài Việt đặc trưng.

- Áo dài Raglan (1960s): Được may ôm vừa vặn, có đường nối tay chéo từ cổ xuống, giúp dáng áo mềm mại hơn.

- Áo dài Trần Lệ Xuân (1960s): Phá cách với cổ thuyền gợi cảm, ban đầu gây tranh cãi nhưng dần được ưa chuộng.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: