Thời trang thuần chay: Giải pháp bảo vệ môi trường?

Thứ hai, 13/12/2021 21:47 (GMT+7)

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ẩm thực, thuật ngữ "thuần chay" (vegan) nay đã được áp dụng trong các thiết kế thời trang và đang dần khẳng định vị thế của mình trong bức tranh tương lai của làng mốt thế giới.

Bên cạnh nhu cầu ăn mặc, người tiêu dùng đang ngày càng khắt khe hơn đối với thời trang khi mọi người bắt đầu đặt ra các câu hỏi về giá trị lâu dài của lĩnh vực này đối với môi trường và xã hội. Đặc biệt, trước sự phản đối mạnh mẽ của các phong trào bảo vệ động vật, môi trường và sự bùng lên nhanh chóng của những tín đồ ăn chay, ngành thời trang đã phải từ bỏ các chất liệu da, nhựa tổng hợp... để tìm đến các thành phần từ thiên nhiên, kéo theo đó là sự ra đời của thời trang thuần chay (vegan fashion).

Thời trang thuần chay là gì?

Thời trang thuần chay (vegan fashion) là xu hướng khai thác các chất liệu thiết kế "nói không với động vật", thân thiện với môi trường, cân bằng giữa tư duy kinh doanh với các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội. Qua đó, thời trang đã không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu cá nhân mà còn là nâng cao nhận thức về tự nhiên nói chung và các loài động vật nói riêng.

Không đơn thuần là một xu hướng nhất thời, thời trang thuần chay đang là một phân khúc thị trường đầy triển vọng khi thu hút sự tập trung của nhiều nhà mốt tên tuổi như Gucci, Stella McCartney, Vivienne Westwood. Ngoài ra, Tuần lễ thời trang thuần chay (VFW - Vegan Fashion Week) tại Los Angeles vào tháng 2/2019, với sự tham dự của 54 công ti có sản phẩm là thời trang thuần chay, đã khẳng định sự phát triển tiềm năng của dòng thời trang mang tính nhân văn này.

VFW là tiền đề cho cuộc chiến với tính bền vững và nhân đạo của ngành công nghiệp thời trang. (Nguồn: Vegan Fashion Week)

Từ thuần chay đến tương lai của thời trang bền vững

Thời trang bền vững hướng đến việc sản xuất và tiêu thụ thời trang những không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong công cuộc phát triển thời trang thuần chay, các nhà mốt không chỉ tìm kiếm chất liệu thay thế cho các loại da thuộc, gây nỗi đau ở động vật, mà còn cho các loại sợi tổng hợp như polyester, vốn tốn nhiều năng lượng để tạo ra mà không dễ dàng phân hủy.

Piñatex, một loại giả da làm từ lá dứa, đã được ứng dụng linh hoạt trong các sản phẩm của các hãng thời trang cao cấp như Hugo Boss, Chanel, Mango và Ecoalf. Với tính chất nhẹ, bền, thoáng khí, Piñatex có thể dùng để sản xuất đa dạng mặt hàng thời trang từ quần áo, giày, túi xách, thậm chí là đồ nội thất. Nhiều người nổi tiếng, ngôi sao, các nhà hoạt động nhân quyền cũng phát động các hoạt động quảng bá thời trang bền vững, tạo động lực phát triển cho thời trang thuần chay.

Giày da lộn được làm từ Piñatex của Puma.

Rapper Will.i.am phát động chiến dịch Ekocycle với các sản phẩm làm từ vật liệu bền vững như xe đạp, giày thể thao...

Với những tín hiệu đáng mừng này, hi vọng thời trang thuần chay sẽ trở thành phong cách sống mới, truyền cảm hứng cho lối sống bền vững trong tương lai.

MAI CHI

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: