Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình

Thứ bảy, 16/11/2024 20:49 (GMT+7)

Chiều 16-11, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình hào hứng khám phá, chinh phục những thử thách khoa học thú vị tại 'Ngày hội STEM - Trải nghiệm khoa học' năm học 2024.

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 1.

Các thiết kế giảm xóc bảo vệ trứng gà của teen Trường THPT Nguyễn Thái Bình trong ngày hội - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hoạt động ngoại khóa "Ngày hội STEM - Trải nghiệm khoa học" do tổ vật lý Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) và Công ty cổ phần Giáo dục KDI (KDI Education, thuộc Tập đoàn KDI Holdings) phối hợp tổ chức.

Khám phá thế giới khoa học đa sắc màu qua 10 trạm STEM

Trong khuôn khổ chương trình, học sinh khối 10 được tự do khám phá 10 trạm STEM độc đáo, từ công nghệ hiện đại như Robot STEM, trải nghiệm thực tế ảo VR, đến những hoạt động sáng tạo như làm chong chóng giấy, vẽ tranh gỗ, lập trình game và điều khiển drone,...

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 2.
Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 3.
Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 4.
Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 5.

Các bạn học sinh lớp 10 trải nghiệm các trạm điều khiển robot STEM, lập trình game, trò chơi rút gỗ, làm chong chóng giấy,... - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bạn Thanh Thảo (lớp 10A2) hào hứng kể: "Trạm điều khiển robot tuy thử thách nhưng rất thú vị. Mình đã học được cách lập trình robot di chuyển theo ý muốn, điều trước đây mình chưa bao giờ thử".

Điều thú vị là teen Nguyễn Thái Bình không giới hạn bản thân trong bất kỳ hoạt động nào. Những nam sinh khéo léo thử sức với việc vẽ tranh gỗ, xếp chong chóng giấy, trong khi nhiều bạn nữ lại mạnh dạn trải nghiệm công nghệ VR, lập trình game hay điều khiển robot.

Hoàn thành được 5 trong số 10 trạm, bạn Nguyễn Gia Phước (lớp 10A3) đặc biệt ấn tượng với trạm game rút gỗ.

"Đây là hoạt động vui nhất vì có tính cạnh tranh cao, nó khiến mình phải động não rất nhiều. Mình học được cách tư duy logic từ trò chơi này", Phước cho biết.

Còn bạn Phạm Thị Minh Hằng (lớp 10A10) đặc biệt yêu thích trạm làm chong chóng. "Mình thích nhất trạm này vì có thể tự tay làm được một món đồ ý nghĩa. Thành phẩm mình sẽ mang về làm quà cho em nhỏ ở nhà", cô bạn vui vẻ nói.

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 7.

Bạn Minh Hằng và các thành phẩm dễ thương tại ngày hội - Ảnh: MAI TRÚC

Hoàn thành "chuyến hành trình" qua 10 trạm STEM, mỗi học sinh sẽ ghi lại những bài học thú vị vào phiếu thu hoạch, nộp lại cho thầy cô như một cách tổng kết trải nghiệm của mình.

Hồi hộp đến giây phút cuối cùng với thử thách thả trứng

Một trong những điểm nhấn của ngày hội là thử thách thả trứng không vỡ dành riêng cho học sinh khối 11.

Các bạn học sinh của 16 lớp 11 được chia thành 32 nhóm, mỗi nhóm nhận một bộ nguyên liệu gồm dây thun, que tre dài 1m và một quả trứng gà sống. Nhiệm vụ đặt ra là các bạn phải thiết kế hệ thống giảm xóc sao cho quả trứng có thể rơi từ tầng 2, tầng 3 rồi tầng 4 xuống đất mà không bị vỡ.

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 8.
Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 9.

Các nhóm hiện thực hóa mô hình giảm xóc từ bản thiết kế - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong 20 phút, các nhóm thảo luận sôi nổi để đưa ra bản vẽ thiết kế và bắt tay thực hiện. Cô Đoàn Thị Thu Hoài (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình) đến tận nơi động viên, theo dõi quá trình các bạn làm việc như một thành viên của các nhóm.

Không khí vừa căng thẳng với những tranh luận về ý tưởng, vừa hào hứng khi sản phẩm dần hình thành.

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 10.

Cô Đoàn Thị Thu Hoài (hiệu trưởng nhà trường) đến từng nhóm quan sát và động viên học sinh - Ảnh: MAI TRÚC

Phần thả trứng trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý. Từng lượt thả trứng từ các tầng cao khiến sân trường như "bùng nổ". Đó là những tiếng reo hò khi quả trứng hạ cánh an toàn, hay cả những tiếng thở dài tiếc nuối khi quả trứng chẳng may bị vỡ.

Nhiều nhóm còn tận dụng túi nilon bọc trứng nhằm giữ vệ sinh khi trứng rơi làm lớp giảm xóc bổ sung, giúp sản phẩm thêm hiệu quả.

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 11.

Đại diện các lớp thực hiện phần thi thả rơi trứng - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 12.

Giáo viên tổ vật lý kiểm tra độ nguyên vẹn của trứng sau khi thả rơi từ trên cao - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 13.

Các khán giả học trò hồi hộp theo dõi phần thi của lớp mình - Ảnh: MAI TRÚC

Kết quả chung cuộc, nhóm 6 của lớp 11A3 xuất sắc giành giải nhất với thiết kế sáng tạo, độc đáo và tiết kiệm. Các bạn cũng thành công bảo vệ quả trứng gà "đáp đất" an toàn từ tầng cao nhất.

Hai giải nhì thuộc về nhóm 1 của 11A1 và nhóm 14 của 11A7. Giải ba được trao cho các lớp: 11A6 (nhóm 11), 11A9 (nhóm 17) và 11A16 (nhóm 31).

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 14.

Cô Đoàn Thị Thu Hoài trao giải nhất cho bạn Nghiêm Tất Khánh Nhi (đại diện nhóm 6 lớp 11A3) - Ảnh: MAI TRÚC

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 15.

Thầy Đặng Đình Quý - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình - trao hai giải nhì - Ảnh: MAI TRÚC

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 16.

Cô Nguyễn Thị Bé - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình - trao các giải ba - Ảnh: MAI TRÚC

"Chúng mình rất vui và bất ngờ. Dù chỉ tham gia với tâm thế học hỏi, nhưng cả nhóm đã phối hợp rất tốt để đạt được kết quả này", bạn Nghiêm Tất Khánh Nhi - đại diện nhóm chiến thắng - tự hào chia sẻ.

Thử thách thả trứng không vỡ tại Ngày hội STEM Trường THPT Nguyễn Thái Bình- Ảnh 17.

Ban lãnh đạo nhà trường, thầy cô tổ vật lý và các bạn học sinh chụp ảnh lưu niệm khi kết thúc ngày hội - Ảnh: MAI TRÚC

Cô Huỳnh Thị Phượng, giáo viên vật lý lớp 11A3, chia sẻ Ngày hội STEM là hoạt động thường niên của tổ vật lý, được tổ chức hai lần mỗi năm học với nội dung luôn đổi mới. Theo cô Phượng, thử thách thả trứng không vỡ lần đầu tiên được nhà trường triển khai đã mang lại hiệu quả vượt mong đợi.

"Các em rất sáng tạo, có thể tự thiết kế và hoàn thiện sản phẩm đúng như ý tưởng ban đầu chỉ bằng kiến thức đã học, không cần sự hướng dẫn chi tiết từ thầy cô. Điều này khiến tôi thực sự vui và tự hào", cô Phượng nói.

Phát biểu tổng kết phần thi, cô hiệu trưởng Đoàn Thị Thu Hoài bày tỏ niềm tự hào: "Các em đã tham gia với tinh thần sáng tạo, đoàn kết và trách nhiệm. Dù không biết trước đề thi, nhưng các em vẫn thể hiện xuất sắc khả năng của mình.

Với tôi, dù có phải là người chiến thắng hay không, mỗi em đều là một 'chiến binh' thông minh và dũng cảm. Tôi hy vọng các em sẽ tiếp tục vận dụng tốt kiến thức đã học vào thực tế và mang theo những kỷ niệm ngày hôm nay như một hành trang quý giá trong tương lai".

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: