Tới Thảo cầm viên Sài Gòn dự lễ thôi nôi của em bé hươu cao cổ

Chủ nhật, 28/04/2024 10:55 (GMT+7)

Thảo Em là em hươu cao cổ chào đời ngày 29-4-2023, tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Ngày mai, mời bạn ghé dự lễ thôi nôi đặc biệt của Thảo Em nhé!

Tới Thảo cầm viên Sài Gòn dự lễ thôi nôi của em bé hươu cao cổ- Ảnh 1.

Hươu cao cổ Thảo Em - Ảnh: THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN.

Thảo Em được bố mẹ hươu cao cổ Thái, Lan tại Thảo cầm viên Sài Gòn hết mực cưng chiều. Bởi cô nàng là con gái út trong nhà, đến nay sắp tròn một tuổi.

Câu chuyện tình yêu của bố mẹ Thảo Em cũng nhiều bất ngờ. Sinh ra và lớn lên tại một vườn thú ở Thái Lan, hươu cao cổ Thái, Lan cùng một anh bạn hươu cao cổ nữa được chuyển sang Việt Nam.

Lần đầu tiên họ gặp nhau là tháng 7-2014, cũng là trên chuyến xuyên biên giới, qua đường cửa khẩu Lao Bảo vào Việt Nam. Suốt đoạn đường dài hơn 1000 km đến nơi ở mới, các hươu cao cổ chỉ gặp nhau trong bữa ăn lúc xe dừng nghỉ. Nhà mới của cả ba đều là Thảo cầm viên Sài Gòn.

Tới Thảo cầm viên Sài Gòn dự lễ thôi nôi của em bé hươu cao cổ- Ảnh 2.

Gia đình hươu cao cổ thương yêu, chăm sóc nhau - Ảnh: THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN.

Thái và Lan, như hai người bạn cùng quê, cùng hoàn cảnh... dần gần gũi nhau. Mỗi ngày, họ không ngần ngại chia sẻ những khoảnh khắc âu yếm nhau trước ánh mắt của biết bao du khách tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Đến nay, cả hai đã cùng có với nhau ba đứa con gái.

Thảo Chị - một trong ba đứa con của hươu cao cổ Thái, Lan - ra đời vào năm 2021, đã có bạn đời. Chồng cô nàng cũng chính là chàng hươu cao cổ gốc Thái cùng đi trên chuyến xe sang Việt Nam với cha mẹ cô.

Còn với hươu cao cổ út Thảo Em, khi sinh ra nặng khoảng 50 kg và chiều cao khoảng 2m. Thông thường hươu cao cổ sơ sinh dành nhiều thời gian để nằm, chỉ đứng dậy khi đói, cần bú sữa mẹ. Mất hơn 2 tiếng thì Thảo Em mới bắt đầu run run, tập đứng trên bốn chân của mình và phải mất hơn 4 tiếng bé mới có thể trụ vững.

Bên cạnh đó, trường hợp của cô chị cả trong gia đình hươu thì lại khác. Chị cả ra đời vào ngày Phụ nữ Việt Nam, 20-10-2018. Khi vừa sinh ra, hươu mẹ không quan tâm nhiều đến con. Có lẽ do cảm giác đau sau sinh hoặc sinh con lần đầu nên cô không có kinh nghiệm chăm sóc. Các hành động như liếm con khô, động viên con đứng dậy đều do hươu bố đảm trách.

Tới Thảo cầm viên Sài Gòn dự lễ thôi nôi của em bé hươu cao cổ- Ảnh 4.

Mời bạn dự lễ sinh nhật Thảo Em lúc 8h, ngày 29-4 tại Thảo cầm viên - Ảnh: THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN.

Sau hơn sáu tiếng quan sát mà chưa thấy hươu mẹ cho con bú, các nhân viên chăm sóc đã phải nhốt hươu mẹ và hươu con vào cùng một chuồng nhỏ. Sau đó, nhờ được ở chung trong một không gian hẹp hoặc cũng có thể là do cảm giác đau sau sinh đã giảm nên hươu mẹ bắt đầu chăm sóc con. Sau 12 tiếng, hươu con bắt đầu biết cách lần tìm vú mẹ và có được ngụm sữa đầu tiên.

Hiện công tác ghép đôi sinh sản hươu cao cổ tại Thảo cầm viên Sài Gòn được chủ động từ trước. Hươu mẹ, hươu bố không cùng huyết thống sẽ được đưa về ở chung nhau từ nhỏ. Các cặp đôi sống với nhau sẽ được theo dõi chăm sóc, ghi chép lại các diễn biến về sức khỏe và hoạt động sinh sản. Từ đó, Thảo cầm viên có thể ước lượng thời điểm mang thai và thời gian dự sinh nhằm có kế hoạch, chuẩn bị chu đáo hơn.

Thảo cầm viên Sài Gòn tổ chức thôi nôi cho Thảo Em

Em bé hươu cao cổ Thảo Em vừa được 1 tuổi tại Thảo cầm viên sẽ được làm lễ thôi nôi vào lúc 8h sáng thứ hai, ngày 29-4. Địa điểm tại chuồng hươu cao cổ (bên cạnh chuồng voi).

Về hươu cao cổ

Hươu cao cổ là loài động vật trên cạn cao nhất hiện nay, sinh ra đã có chiều cao 2 m. Không những vậy, hươu cao cỗ là loài có chiếc lưỡi dài trên 50 cm. Lưỡi hươu như công cụ tiếp cận thức ăn. Chiếc lưỡi có thể vươn xa, cuộn lại để tuốt thức ăn là lá cây.

Lưỡi hươu cao cổ có hai màu là tím đen và hồng, trong đó phần màu tím đen có thể đưa ra ngoài miệng. Các nhà khoa học cho rằng màu tím đen này giúp cho lưỡi hươu không bị nóng bởi ánh nắng.

Cổ hươu cao cổ tuy dài nhưng chỉ có bảy đốt sống cổ. Mỗi đốt sống cổ có chiều dài trung bình 25 cm, dài hơn hẳn so với các loài thú khác.

Bên cạnh đó, hươu cao cổ cũng có các chân dài miên man. Khi ăn uống, hươu sẽ đứng bẹt chân để hạ thấp chiều cao, có thể vươn đầu đến nguồn thức ăn, nước uống. Cách đứng này có thể giúp hươu quay trở lại tư thế và tăng tốc khi gặp nguy hiểm.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: