TP.HCM ghi nhận thêm ca đậu mùa khỉ thứ 5 ở quận Tân Bình

avatar XUÂN MAI

Thứ tư, 04/10/2023 08:42 (GMT+7)

TP.HCM vừa phát hiện thêm một ca đậu mùa khỉ là nam thanh niên 22 tuổi, tạm trú tại phường 2, quận Tân Bình. Như vậy trong vòng một năm qua, TP.HCM đã ghi nhận 5 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên từng điều trị tại bệnh viện vào tháng 10-2022 - Ảnh: XUÂN MAI

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên từng điều trị tại bệnh viện vào tháng 10-2022 - Ảnh: XUÂN MAI

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 4-10, đại diện Trung tâm Y tế quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết địa bàn vừa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên là nam 22 tuổi, hiện tạm trú tại phường 2, quận Tân Bình. Đơn vị đã báo cáo ca bệnh này đến Sở Y tế TP.HCM.

Trước đó, chiều 2-10, nam bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.

Hiện bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, sức khỏe ổn định.

Sau khi nhận được thông tin ca bệnh, Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã khẩn trương tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh.

Bệnh nhân đã được hướng dẫn chủ động thông báo cho những người đã tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, cảnh báo khi có triệu chứng nghi ngờ báo ngay cho trạm y tế phường tại nơi cư trú và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.

Bên cạnh đó, người ở chung với bệnh nhân đã được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

Những người tiếp xúc với bệnh nhân cũng có sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. Trung tâm Y tế quận Tân Bình sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh của bệnh nhân và những người tiếp xúc.

Như vậy, tính đến nay TP.HCM đã ghi nhận 5 trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong tổng số 6 trường hợp của cả nước (riêng hai trường hợp trước đây có nguồn gốc nhiễm bệnh từ nước ngoài về).

Theo bác sĩ Lương Chấn Quang - phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP.HCM, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia thì nguy cơ bệnh xâm nhập vào mỗi quốc gia là hoàn toàn có thể.

Do đó để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế không chỉ với riêng bệnh đậu mùa khỉ mà còn với các bệnh truyền nhiễm khác.

Ngành y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng, tử vong cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm, phối hợp tuyên truyền cho những người đã tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.

Các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Trường hợp được xem là nghi ngờ mắc bệnh:

* Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ nhưng không giải thích được.

* Có một hoặc các triệu chứng như đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi...

* Đặc biệt, trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca bệnh nghi ngờ (thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục)) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cá nhân của người bệnh...

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: