Trang phục kể chuyện... văn hóa

Thứ hai, 27/04/2020 11:23 (GMT+7)

Bên cạnh những góc máy lung linh, trang phục là phần không thể thiếu để tạo nên sự hấp dẫn trong các bộ phim điện ảnh. Thời gian gần đây, từ khóa Costume Designer (người thiết kế phục trang) được nhiều bạn trẻ quan tâm. Vất vả nhưng không kém phần thú vị, cùng nghe các Costume Designer kể câu chuyện hậu trường đầy… li kì của họ nha!

Những sắc màu văn hóa

Để bắt tay vào thực hiện trang phục cho phim, các Costume Designer đều phải trải qua nhiều công đoạn như nghiên cứu, phác thảo, làm mẫu thử, duyệt qua các chuyên gia rồi mới ra được mẫu thật.

Xuất thân từ chuyên ngành thời trang của trường Đại học Kiến trúc, chị Huỳnh Mỹ Ngọc (TP.HCM) là thiết kế phục trang của nhiều phim như Khát vọng Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng, Thầu Chín ở Xiêm, Scandal 1, Cho em gần anh thêm chút nữa... Chị chia sẻ: “Làm thời trang nhưng mình vẫn “cắp sách” đi học văn hóa. Đối với những phim cổ trang, phục trang là yếu tố khá quan trọng, đòi hỏi người thực hiện phải có sự am hiểu về thời đại lẫn con người. Cầm quyển kịch bản trong tay là mình bắt đầu lao vào những ngày tháng tìm hiểu về niên đại, tầng lớp, chức vụ và tính cách của nhân vật. Ví dụ nhân vật thuộc tầng lớp quan lại thì chất liệu vải phải là gấm, lụa, còn tầng lớp lao động là đũi, vải dệt tay, ngay cả bố tử hoa văn hay cách thêu cũng phải khác nhau”.

Gian nan trên… từng thước vải

Ở Việt Nam, Costume Design còn mới nên chưa có nguồn nguyên liệu chuyên biệt. Thậm chí, các Costume Designer phải tự sản xuất trâm cài, phụ kiện trên áo, răng nanh… Chị Mỹ Ngọc chia sẻ thêm: “Mỗi lần bắt tay vào dự án là trông nhà mình chẳng khác nào chợ vải (cười), còn mình thì lúc nào cũng đầu bù tóc rối vì bụi vải bám đầy hết cả người. Nếu bạn có xem phim Tấm Cám chuyện chưa kể thì sẽ thấy các bộ trang phục của nhân vật chính rất đặc sắc. Trong đó, bộ trang phục hoàng thượng phải dùng đến 20 mét vải, các chi tiết đều là thêu tay nên trước đó ê-kíp phải đi tìm các nghệ nhân gia công. Trang phục nam đa số đều có giáp, mình phải tìm đến một xưởng chuyên biệt để “ra tay” thì mới đủ trang phục cho mấy trăm anh lính trong phim. Vì trang phục rất nặng nên tụi mình cũng có hẳn một đội ngũ chỉ để mặc và cởi phục trang cho diễn viên mỗi lần chuyển cảnh”.

Không những thế, các Costume Designer cũng phải trải qua bao phen “đứng tim” trước deadline. Chị Mỹ Ngọc kể: “Lần đó, mình làm trợ lí thiết kế cho chị Bao Tranchi, chuyên gia người Mỹ về Costume Design. Bối cảnh quay ở Huế của phim bỗng phát sinh thêm các nhân vật cung nữ. Chỉ còn 6 tiếng là đến phân cảnh, nếu mình không tìm được phục trang quay thì sẽ gây thiệt hại lớn cho đoàn làm phim. Ngay lập tức, mình đã thiết kế kiểu trang phục cung nữ múa rồi cùng chị thợ may đi mua vải, tìm địa điểm may gấp. Mình phân chia thời gian khá “gay cấn”, 1 tiếng đi mua vải, 2 tiếng để cắt vải, 3 tiếng dành cho may. Điều may mắn nhất của mình là các tiệm vải và nhà may ở Huế đều cực kì dễ thương, giúp tụi mình hết sức để kịp quay tối đó. Kết quả là bọn mình hoàn thành 6 bộ áo với váy, yếm, phụ kiện… chỉ 15 phút
trước giờ quay. Ngoạn mục ha?” (cười).

Costume Design là công việc vô cùng thú vị và mới mẻ tại Việt Nam. Bằng sức sáng tạo lẫn sự am hiểu về thời trang, văn hóa, lịch sử... các Costume Designer ngày càng góp thêm nhiều màu sắc mới mẻ, độc đáo cho các bộ phim điện ảnh Việt Nam.

TIỂU DOANH

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: