Trở về tuổi thơ với nét đẹp lồng đèn xưa

Chủ nhật, 20/09/2020 06:37 (GMT+7)

Tết thì không thể thiếu hoa mai cũng như Trung Thu không thể thiếu lồng đèn. Nhìn những chiếc lồng đèn khiến lòng mỗi người trở nên rạo rực, hoài niệm về tuổi thơ.

Trung Thu không chỉ dành riêng cho trẻ em mà ngay cả người lớn cũng có một dịp để vui chơi cùng người thân, bạn bè sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Phố lồng đèn - đường Lương Nhữ Học, quận 5

Lồng đèn không đơn giản là món đồ chơi mà nó còn là ký ức đẹp về tuổi thơ và cũng là tình yêu mà bậc cha mẹ dành cho con cái, mong muốn con của mình sẽ luôn vui vẻ và hạnh phúc.

Thời ấy, lồng đèn chỉ có vài kiểu đơn giản không đa dạng mẫu mã như hiện nay, mua được chiếc lồng đèn ông sao và rước đèn cùng lũ bạn trong xóm là niềm mơ ước của biết bao đứa trẻ.

ĐÈN LỒNG ÔNG SAO

Từ xa xưa, đèn ông sao đã trở thành biểu tượng không thể thiếu trong ngày tết Trung thu của trẻ em Việt Nam. Đèn có hình ngôi sao năm cánh với đủ các loại màu sắc, được làm từ những thanh tre tạo khung và bọc ngoài bằng giấy hoặc giấy kiếng. Loại lồng đèn này phù hợp với túi tiền của mọi người, hơn nữa cũng có thể tự làm tại nhà, tùy vào sở thích của mỗi người sáng tạo ra hình dạng khác như: hình bươm bướm, chiếc thuyền...

ĐÈN KÉO QUÂN

Đèn kéo quân một phần không thể thiếu mỗi khi Trung Thu về. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy sáng màu biểu trưng cho cá tính của con người. Thắp sáng đèn là hình ảnh sống động của vua quan, người, ngựa nối đuôi nhau lung linh sắc màu. Từ đó món quà này trở thành thứ đồ chơi truyền thống. Ngày nay, dưới bàn tay khéo léo của thợ làm đèn mà chiếc đèn kéo quân trở nên bắt mắt hơn, hình dạng biến hóa độc đáo hơn. Hình vẽ trên đèn thường là: tướng sĩ, xe pháo, các nhân vật lịch sử và nhân vật trong truyện cổ tích…

ĐÈN LỒNG GIẤY TRÒN

Đèn lồng giấy tròn là một loại đèn quen thuộc đối với các nền văn hóa Á Đông. Chúng có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, cũng như những cách thức chế tạo khác nhau. Đèn lồng loại đơn giản nhất là được làm bằng giấy và gắn cây nến bên trong, còn phức tạp hơn thì có khung tre xếp được hoặc khung kim loại, có giấy dán bao phía ngoài. Tuỳ theo chất liệu giấy bọc ngoài mà ngọn đèn đưa tới những loại ánh sáng khác nhau, đó có thể là màu đỏ may mắn, màu vàng tươi vui, màu gấm huyết dụ kiêu sa hay sắc xanh dịu ngọt.

LỒNG ĐÈN LON

Trong ký ức của thế hệ 8X, 9X, mỗi dịp Trung Thu về là lại rủ nhau tụm năm, tụm ba đi tìm lon sữa bò để “chế tạo” lồng đèn. Những ai khéo tay thường đục lỗ, trang trí lon sữa thành những hình thù bắt mắt. Số đông còn lại thì thiết kế đơn giản, chỉ vừa đủ để nhìn thấy ánh sáng của cây nến ở bên trong. Tuy không lung linh huyền ảo như những loại đèn khác nhưng đối với một số người đây lại là món quà vô giá gắn liền với tuổi thơ.

Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế xã hội, chiếc lồng đèn đã được thay “áo mới” với thiết kế đa dạng hơn, muôn hình vạn trạng, với những tính năng tiên tiến như chạy pin, chớp đèn, phát ra nhạc và cử động…

Tuy nhiên, hình ảnh chiếc lồng đèn xưa vẫn luôn hiện hữu vẫn luôn trở thành những biểu tượng cung bậc cảm xúc trong hoài niệm của mỗi chúng ta, luôn là nét văn hóa độc đáo củ người Việt dù có trải qua bao nhiêu thế hệ.

Thời đại ngày càng phát triển, con người mải mê với công việc mà quên mất bản thân đã từng có tuổi thơ tươi đẹp cùng những chiếc lồng đèn mỗi dịp Trung Thu về. Vậy tại sao chúng ta không thử một lần tự cho mình chiếc vé du hành về quá khứ và hòa mình với những câu hát:

“Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính

Em rước đèn này đến cung trăng

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính

Em rước đèn mừng đón chị Hằng ".

Tuổi thơ của mỗi người có thể qua đi, nhưng chắc chắn rằng chiếc lồng đèn sẽ luôn tồn tại mãi theo thời gian.

QUỲNH NHI - NGỌC TUYẾT

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: