"Trung tâm thương mại" giữa làng Đại học

Thứ bảy, 24/04/2021 21:24 (GMT+7)

Điều tuyệt vời trong cuộc sống sinh viên ở khu đô thị ĐHQG TPHCM (hay được gọi với tên thân thương Làng Đại học) là không bao giờ tẻ nhạt, buồn chán. Bởi nơi đây có sự tồn tại của một ngôi chợ đêm duy nhất nép mình bên ranh giới giữa 2 thành phố Dĩ An (Bình Dương) và Thủ Đức (TPHCM) với đầy đủ các dịch vụ, ăn uống mua sắm mà giá cả hợp lý.

Đơn sơ mà nhộn nhịp

Nằm trên đường William Shakespeare, giữa trung tâm Khu đô thị ĐHQG TPHCM, chợ đêm có thể được chia thành hai khu vực riêng biệt: trước và bên trong chợ. Dọc bước trên con đường hằng ngày đến trường, tôi tìm đến phía trước chợ, và bị cuốn hút bởi đông đúc của hàng quán san sát nhau, nhiều tiệm tạp hóa nhỏ cùng các gánh hàng rong bán thức ăn vặt tấp nập khách dừng lại ven đường. Len lỏi đi lối chính dẫn vào bên trong chợ, một "thiên đường mua sắm" dần hé mở trước mắt tôi. Nơi đây có rất nhiều quần áo, giày dép được trưng bày thành từng gian hàng khác nhau, và tách biệt ra những khu vực riêng. Có cơ hội đến sinh sống và học tập tại Làng Đại học 2 năm qua, với tôi khu chợ này đã trở thành một phần trong cuộc sống của bản thân.

Lối đi chính dẫn vào chợ đêm Làng Đại học

Phố lên đèn cũng là lúc chợ đêm bắt đầu nhịp sống của mình. Xung quanh khu vực chợ được điểm tô thêm nét đông đúc bởi những quán ăn nối dài từ trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM đến ĐH KHXH & NV TPHCM. Đối diện lối chính vào chợ là Nhà văn hóa sinh viên - nơi sinh hoạt, giải trí nên thường có đông sinh viên tụ họp và vui chơi. Mỗi buổi tối khoảng từ 19h - 21h là thời gian vàng của chợ đêm Làng Đại học để đón tiếp lượng lớn khách hàng đến tham quan và mua sắm.

Được dạo quanh chợ với Lâm Lê Thanh Tuyền (ĐH KHXH&NV TPHCM) là một cảm giác tuyệt vời: “Mình thích lắm khi được ngắm nhìn khung cảnh 2 bên đường vì khá đẹp và có nhiều đồ ăn. Vào cuối tuần, mình lại được nhóm bạn rủ tụm lại chợ đêm mua sắm, tận hưởng không khí nhộn nhịp này". Trở thành thói quen từ bao giờ Thanh Tuyền cũng không nhớ rõ, nhưng khi có nhu cầu mua sắm là bạn chạy ngay vào chợ không phải cần suy nghĩ lâu "nói vậy chớ biết tìm đâu ra địa điểm như ở đây, vừa nhiều mặt hàng đẹp giá lại bình dân", Thanh Tuyền chia sẻ.

"Trung tâm thương mại" của sinh viên bọn tôi rất đơn giản và bình dị. Chỉ với máy che bằng tole được lắp đặt không kiên cố, chủ yếu có chỗ che mưa che nắng cho các tiểu thương an tâm buôn bán, lắm lúc mưa to thì đường phía trước lối dẫn vào ngập tận mắt cá chân nên việc buôn bán gặp nhiều khó khăn. Những hàng hóa được các tiểu thương treo trên móc bình thường và bày trí không cầu kỳ, mặc dù không học qua lớp marketing hay quảng cáo nhưng chính sự chân thật và khiếu thẩm mỹ cũng níu kéo khách hàng ghé vào thăm hoặc luyến tiếc khi chưa có dịp đến. Cứ thế mà, những sinh viên chúng tôi lại yêu chợ đêm bởi một tình yêu không sao tả xiết.

Giản dị từ cách nói, cách làm nên chợ đêm tạo sức ấn tượng với cả những phụ huynh có con cháu học ở Làng Đại học, mỗi chủ nhật cuối tuần cô Dương Thị Sang (quê An Giang) lại ghé thăm chợ chính bởi nét bán duyên dáng và lối sống chan hòa của con người ở đây "Tôi thích thú tham quan vì thấy cách bán hàng của chợ đêm giống như ở quê, không kì kèo, mình an tâm khi cho con cháu mua hàng chợ đêm này sẽ không bị lầm, nói thách hoặc bị dụ dỗ. "Người ta quý nhau bởi tấm lòng, không đành từ chối lời mời khéo do vậy cô Sang lần nào cũng mang theo tiền, quyết không mua nhưng rồi cũng chọn lấy một món mang về.

Cô Dương Thị Sang (áo hồng) tự tay lựa chọn đồ cho cháu của mình mỗi khi có dịp dạo chợ đêm

Trải qua biến đổi thăng trầm của cuộc sống, đời sống chợ đêm Làng Đại học vẫn mang nét mộc mạc dung dị, giá cả hợp lý, và cách mời chào xởi lởi mời, trực tiếp chọn đồ cho sinh viên như chính người bán đang lựa cho con của mình.

Bước vào mùa của những tiếng ve ngân, chợ đêm lại càng thêm thanh vắng so với lúc tết đến. Vì những ngày cận tết, tôi hòa vào dòng sinh viên mua đồ về quê cuối năm tấp nập, ồn ào, náo nhiệt như "phố thị khi có đoàn tàu đi qua".

Chất chứa kỉ niệm bao người

Với các tiểu thương ở chợ, họ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trên đất nước và có nhiều năm gắn bó với "địa bàn" này như quê hương thứ 2 của mình. Ngoài việc mưu sinh để kiếm sống, khi được hỏi về lý do tại sao để chọn chợ đêm trong làng mà không phải nơi nào khác, thì chị Phạm Thị Thu (Thanh Hoá) tâm sự: “Vì mình bán quen với môi trường, mọi khách hàng cũng quen, chợ đêm này gần với khu mình ở. Mình cũng sợ đi chợ khác bán vì môi trường mới không đảm bảo an toàn, với lại mất đi những khách hàng thân thiết. Ngoài ra khi bán ở chợ đêm này đa phần sinh viên mua hàng thật thà, thuận mua vừa bán, chúng nó cũng không mấy câu nệ, kì kèo về giá. Thấy vậy mà thương bám víu lấy tới giờ”.

Vào sạp chị Thu, sinh viên có thể lựa hàng thoải mái, thích thì mua không thích thì thôi, không khắt khe, làm khó nhau bao giờ. “Mình bán được 4 năm ở chợ đêm nhưng hôm đó có con bé sinh viên đi bằng xe bus đến chợ, lúc trả tiền mua hàng cho mình thì phát hiện mất bóp, ấy thế là mình thương tặng con bé làm quà để bớt buồn”, chị Thu bộc bạch.

Là người từng trải những năm tháng dặm trường ở chợ đêm, anh Lê Khả Hải (Hải Phòng) đã có hơn 7 năm buôn bán ở chợ đêm Làng Đại học. Sống với sinh viên lâu, nên anh Hải nghẹn ngào tâm sự: "Do quy hoạch sắp tới chợ đêm có thể giải tỏa nên giờ mình cũng mong muốn bán lâu dài, một mặt để mưu sinh, chứ dẹp rồi cũng không biết bán ở đâu, còn sinh viên thì có chỗ mua giá rẻ. Ra mấy shop thì bán giá cao đôi khi gấp 2 gấp 3 họ tính tiền mặt bằng, lời một cái ở đây từ 10 đến 20 nghìn”.

Anh Hải kể: “Mở gian hàng từ lúc 15h30 chiều anh Hải chờ gặp lại những người bạn cùng buôn bán của mình, gặp lại nhóm sinh viên tán gẫu bông đùa, những buổi không dọn hàng ra bán mình cảm thấy thiếu vắng vị gì đó của cuộc sống thường nhật”.

Cuộc sống lắm lúc đơn giản chỉ có thể, người ta trao nhau cái tình người nơi đất khách, tiếng mời chào nhiệt tình, cùng những tiếng rao bán hàng mộc mạc đã dần đi vào tâm thức của thế hệ sinh viên ở Làng Đại học. Trải qua chặng hành trình 2 năm dường như tôi đã bị rung động, xốn xang trước nơi đây, vì những con người lam lũ làm ăn nhưng lại giàu tình thương yêu bọn trẻ chúng tôi.

Ngày qua tháng lại, chợ đêm vẫn còn đó chứng kiến sự trưởng thành của từng lứa sinh viên, nó mang hơi thở mới để xua tan đi không khí tẻ nhạt, buồn chán trong Làng Đại học, giảm áp lực học hành và là nơi săn đồ ưu đãi của những tín đồ thời trang trẻ. Rời xa Làng đại học lên cơ sở chính học gần đây, nên cũng đến gần cuối những tháng ngày làm sinh viên, Nguyễn Quí Em (ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) bày tỏ cảm xúc nuối tiếc: “Mình bỗng thấy nhớ những lúc ngồi cùng đám bạn sau mỗi trận đá bóng, đôi lúc nhớ lại đẫm nước mắt, vì những ngày ngồi la cà mua ly trà đá nhưng được chủ quán thương không tính tiền, mua đồ thấy sinh viên không mang tiền đủ nhưng ham mua thì lập tức được giảm giá vài nghìn đồng”. Năm tháng thời gian qua đi, Quí Em vẫn ôm bao nhiêu kỉ niệm với Sài Gòn, với những người bán hàng rong, với chợ đêm Làng Đại học một tình cảm thiết tha đậm sâu những tưởng rằng "khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" (Chế Lan Viên)

Nhiều mặt hàng đẹp, giá rẻ là ưu thế khiến nhiều sinh viên đến chợ đêm tham quan và mua sắm mỗi ngày

Sống ở Sài Gòn cuộc sống luôn vội vã, mọi thứ đều bận rộn. Nhưng lắng lòng đi một chút, cảm nhận yêu thương nhiều hơn bạn sẽ thấy điều tuyệt vời mà cuộc sống ban tặng. Sau một hồi rảo quanh khu chợ, nhìn mọi người vui vẻ, cùng nhau tìm niềm vui riêng qua sự quan tâm, nhiệt tình hỗ trợ khi cần, chợ đêm đã kể cho tôi nghe một câu chuyện về tình thương người có ở mọi nơi. Sài Gòn phồn hoa, tất bật nhưng đôi lúc khoảng cách giữa người với người thật gần, họ sống chan hòa, yêu thương, chia sẻ ngọt bùi cùng nhau trong công việc mưu sinh hằng ngày.

Làng Đại học giờ đây đã thay da đổi thịt rất nhiều, chợ đêm ngày một được nhiều người biết đến hơn, được cơ quan chức năng tu bổ, sửa chữa để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất.

Ngẫm một hồi lâu, tôi lại nghĩ viễn cảnh 2 năm sau. Rồi mình lại xa nơi này, mang theo bao kỉ niệm tuổi sinh viên đầy ước vọng, tôi nhớ cả những buổi cùng đám bạn ra tấp vào chợ đêm ăn uống nghêu ngao câu ca. Cảm ơn chợ đêm Làng Đại học đã cho tôi có nhiều trải nghiệm tuổi trẻ về mảnh đất của những ngôi nhà cao tầng, của những con đường đông phương tiện đi lại, bon chen, xa hoa và nhộn nhịp mà người ta hay ví là “thành phố không ngủ”.

Tôi ra về trong cơn mưa còn lâm râm, nhưng lòng lại háo hức nghĩ về chợ. Không biết rằng mình đã yêu nét sinh hoạt chợ đêm từ khi nào nhưng mỗi lần về quê lâu thấy nhớ, lại thèm cảm giác tung tăng dạo chợ buổi ban hôm. Nhịp sống đêm, cùng với những khung cảnh ồn ào, náo nhiệt nhưng đơn sơ, bình dị và vẽ ra trong mắt đứa sinh viên sống Sài Gòn chưa lâu như tôi một góc nhìn mới về những góc chợ nhỏ, ẩn khuất trong lòng thành phố luôn biết cách "nịnh", "nuông chiều" khách hàng duyên dáng vô cùng.

Gửi lời chào tạm biệt chợ đêm Làng Đại học vào một đêm trời đầy sao lấp lánh. Trong đầu tôi vẫn miên man về hình ảnh chợ đêm lung linh bởi tình người, cách đối nhân xử thế và hoài niệm chứa đầy kỉ niệm tuổi thanh xuân. Những dấu ấn về một "trung tâm thương mại" duy nhất nằm giữa làng để khắc sâu vào tâm hồn tôi, làm cho tôi thêm yêu cuộc sống. Bởi lẽ tại đây tôi tìm được nhiều địa điểm tuyệt vời, đáng để đặt chân đến trải nghiệm, khám phá. Và vì những nơi như thế đã mở ra cho tôi nhiều suy nghĩ mới trên những bước chân khám phá đường đời đầu tiên, và đem đến niềm tin nơi tôi về một Việt Nam đẹp vô cùng cả về cảnh lẫn người.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: