Trước giờ G kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: chú ý gì khi làm bài ngữ văn?

Thứ ba, 25/06/2024 11:14 (GMT+7)

ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi (Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) gợi ý những điều thí sinh cần đặc biệt quan tâm để làm tốt bài thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trước giờ G kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: chú ý gì khi làm bài ngữ văn?- Ảnh 1.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Quản lý và phân bổ thời gian làm bài

Khi nhận đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trước lúc tính thời gian làm bài, các bạn cần đọc kĩ câu nghị luận văn học để xác định các luận điểm cần triển khai.

Đồng thời, các bạn cần nhớ lại những nội dung liên quan đến giáo khoa cần có trong phần mở bài, khái quát và sơ kết, nhận xét ngắn.

- 10 phút sau khi nhận đề, trước lúc chính thức viết bài, các bạn cần nghĩ trước kết – mở bài, lập dàn ý sơ lược, ghi ra những từ khóa phần nhận xét ngắn của câu nghị luận văn học.

- Trong 20 – 25 phút tiếp theo của thời gian làm bài: làm thật cẩn thận câu Đọc hiểu văn bản.

- Trong 20 phút tiếp theo của thời gian làm bài: làm câu nghị luận xã hội

- Trong 50 – 55 phút tiếp theo của thời gian làm bài: làm câu nghị luận văn học.

- Thời gian còn lại, các bạn cần đọc lại bài làm, gạch bỏ từ ngữ/ thông tin chưa chính xác.

Trước giờ G kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: chú ý gì khi làm bài ngữ văn?- Ảnh 2.

Cách phân bố thời gian làm bài thi ngữ văn

Những nội dung cần tập trung lấy điểm khi làm bài thi ngữ văn

Với phần Đọc hiểu:

Các câu hỏi Nhận biết và Vận dụng, cụ thể là câu 1, câu 2 và câu 4. Tìm và nêu thông tin từ văn bản, đánh giá về 1 ý kiến trong văn bản, nêu nhận xét về 1 yếu tố/ khía cạnh trong văn bản, rút ra thông điệp từ văn bản… là những nội dung chúng ta có khả năng đạt 2 điểm vì đây thường không phải là câu hỏi phân hóa của phần Đọc hiểu.

Với phần nghị luận xã hội:

Phần này có những yêu cầu rất cơ bản giúp ta dễ có được điểm số:

- Đảm bảo về hình thức đoạn văn nghị luận xã hội (0.25 điểm)

- Đảm bảo về cấu trúc bài văn nghị luận xã hội (0.25 điểm)

- Xác định và nêu đúng vấn đề cần nghị luận xã hội (0.25 điểm)

Thêm vào đó, nhiều địa phương quy ước điểm sáng tạo với câu nghị luận xã hội là học sinh cần có dẫn chứng làm rõ cho từng khía cạnh của vấn đề.

Với phần nghị luận văn học:

Tương tự phần nghị luận xã hội, nội dung này có những yêu cầu rất cơ bản giúp ta dễ có được điểm số

- Xác định và nêu đúng vấn đề cần nghị luận văn học (0.25 điểm)

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm)

- Nêu được đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích cần phân tích trong câu nghị luận văn học (0.5 điểm)

Về điểm sáng tạo, nhiều địa phương quy ước học sinh muốn đạt yêu cầu này cần so sánh nội dung đang phân tích với nội dung tương đồng trong tác phẩm khác.

Lưu ý cụ thể cho từng phần trong bài thi

Với phần Đọc hiểu:

Hai năm gần đây (2022 và 2023) ngữ liệu là văn bản văn học và câu hỏi Thông hiểu tương tự nhau. Tuy nhiên, khi ngữ liệu vẫn là văn bản văn học hay đổi thành văn bản nghị luận, mức Thông hiểu có nhiều định dạng câu hỏi như:

- "Vì sao…?" (Nêu nguyên nhân dẫn đến vấn đề/ quan điểm được câu hỏi đề cập).

- Nêu nội dung của văn bản.

- Tác giả đã thể hiện thái độ, tình cảm gì trong văn bản?

Với mức 1.0 điểm cho câu hỏi ở mức Thông hiểu, các em cần tìm 2 ý để trả lời nhằm đáp ứng yêu cầu của phần này.

Với phần nghị luận xã hội:

- Về diễn đạt, các bạn không nên sử dụng những từ có ý nghĩa phán đoán (dường như, có lẽ, phải chăng) vì sẽ làm giảm tính sắc bén của lập luận.

Hơn thế, đại từ nhân xưng trong bài viết cần linh hoạt, có thể là "ta, chúng ta, mỗi người, mỗi cá nhân, con người, mọi người" chứ không đóng khung trong hai đại từ "tôi/ em".

- Về dẫn chứng, các bạn cần có hai loại là dẫn chứng thực tế và dẫn chứng danh ngôn/ châm ngôn. Bên cạnh đó, tính chính xác, cụ thể của dẫn chứng (ý kiến của ai, trích từ đâu, lai lịch của nhân vật trong dẫn chứng) cũng là việc các bạn cần đảm bảo.

Đặc biệt hơn, thay vì tìm dẫn chứng cho từng chủ đề, các bạn hãy tìm dẫn chứng có thể sử dụng trong những chủ đề khác nhau.

VD: Ý kiến "Tương lai phụ thuộc vào điều chúng ta làm trong hiện tại." (Mahatma Gandhi, chính trị gia Ấn Độ) có thể sử dụng trong các chủ đề thời gian, ý chí – nghị lực – quyết tâm, thái độ sống, cách cư xử, học tập – rèn luyện, …

- Định dạng đề thi với câu nghị luận xã hội từ năm 2017 đến nay không thay đổi, có thể phân thành hai kiểu là "Nêu ý nghĩa/ vai trò/ tác dụng/ sức mạnh/giá trị/ tầm quan trọng" và "Nêu giải pháp/ những việc cần làm".

Với từng định dạng, đối chiếu với dung lượng 200 chữ, các bạn có thể cân nhắc bố cục sau:

Trước giờ G kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: chú ý gì khi làm bài ngữ văn?- Ảnh 4.

Gợi ý bố cục bài văn nghị luận xã hội

Với phần nghị luận văn học:

- Các bạn cần đọc lại, đọc kĩ văn bản để mài sắc kỹ năng giải đề. Trong khi đọc lại văn bản, cần suy nghĩ xem đề thi có thể hướng đến những đoạn trích nào.

Với từng đoạn trích bất kì nào đó trong văn bản thì nội dung chính cần phân tích là gì, sẽ triển khai với bao nhiêu luận điểm, đâu là những nét đặc sắc nghệ thuật nổi bật của đoạn trích, nội dung nào có thể gắn với yêu cầu nhận xét.

Cứ tiến hành như vậy với từng văn bản quan trọng cần chú ý và hãy xem đây là một dịp để chúng ta ôn tập tổng quát kiến thức của mình.

- Thực ra số văn bản cần học để chuẩn bị cho phần này cũng không quá nhiều. Tuy vậy, để tăng hiệu quả, các bạn cần nắm hệ thống các ý chính trong từng văn bản, rồi sau đó triển khai, mở rộng các ý.

VD: Với văn bản "Người lái đò sông Đà" (Nguyễn Tuân), chúng ta xác định vấn đề trọng tâm là nhân vật ông lái đò và con sông Đà, từ đó sẽ hình dung các ý cần phân tích nhân vật được sắp xếp như sau:

Con sông Đà

1. Hung bạo, dữ dằn

a. Những quãng mặt ghềnh dữ dội

b. Những ngọn thác với tiếng nước ghê sợ

c. Ba vòng thạch trận đầy nguy hiểm

2. Thơ mộng trữ tình

a. Cái nhìn từ trên cao (khi tác giả bay bay tạt ngang sông Đà)

b. Cái nhìn trực diện (khi tác giả đi xuyên rừng đến sông Đà)

c. Cái nhìn cận cảnh (khi tác giả bơi thuyền ven bờ sông Đà)

Ông lái đò

1. Tài hoa trí dũng

a. Vượt thạch trận vòng 1

b. Vượt thạch trận vòng 2

c. Vượt thạch trận vòng 3

2. Ung dung, bình dị

Trên cơ sở đó, các bạn sẽ làm rõ các ý nhỏ hơn, lấp vào dẫn chứng, tiến hành so sánh (nếu hợp lý). So sánh việc học cả một bài giảng phân tích đầy đủ với việc tập trung vào sườn cơ bản của bài, ắt hẳn tính cô đọng về hàm lượng kiến thức sẽ đem đến lợi thế về thời gian, ưu thế về sáng tạo cho các bạn.

Trước giờ G kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: chú ý gì khi làm bài ngữ văn?- Ảnh 5.

Lịch thi chi tiết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Dữ liệu: MINH GIẢNG, đồ họa: NGỌC THÀNH

- Trong đề thi, nội dung phân hóa chính là phần nhận xét ngắn. Không giáo viên nào có thể biết được đề sẽ cho yêu cầu gì vì thực ra rất nhiều nội dung trong từng tác phẩm có thể triển khai nhận xét.

Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể liệt kê một số nội dung quan trọng để có thêm kinh nghiệm xử lí trong bài thi. Thêm nữa, với từng vấn đề, các em nên nắm từ khóa của nó, sau đó mới tính đến việc triển khai để giảm bớt áp lực cho việc ôn tập.

VD: Với đoạn trích bài thơ "Việt Bắc" (Tố Hữu), chúng ta có thể có những vấn đề cần nhận xét sau đây:

  • Sự đặc sắc trong cách thể hiện tình cảm trong đoạn thơ "…"
  • Thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ "…".
  • Cách sử dụng hai từ "mình – ta" trong đoạn thơ "…".
  • Kết cấu đặc biệt trong đoạn thơ "…".
  • Âm hưởng ca dao, dân ca trong đoạn thơ "…".
  • Tính dân tộc thể hiện trong đoạn thơ "…".
  • Đặc điểm trữ tình chính trị thể hiện qua đoạn thơ "…".
  • Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu thể hiện trong đoạn thơ "…".

Với vấn đề "Cách sử dụng hai từ mình – ta trong đoạn thơ", các từ khóa mà chúng ta cần nhớ là "Là sự phân thân của một cái tôi trữ tình thống nhất – Sáng tạo, biến hóa, đa dạng, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng – Hình thành kết cấu đối đáp của bài thơ". Từ các từ khóa này, chúng ta sẽ triển khai thêm.

Chúc các bạn ôn tập tốt, thi thuận lợi và giành được kết quả như ý trong kỳ thi sắp đến!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: