Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Tôi đang loay hoay rửa li và lau chùi lại chiếc máy pha cà phê trong quầy, lâu lâu ngước mắt lên nhìn trộm lão Thuyên lúc này cũng đang hòa vào cái nhịp điệu uể oải của những vị khách của mình, mắt lim dim theo một giai điệu bí mật nào đó đang không ngừng rỉ ra từ cái tai nghe màu trắng lão luôn đeo, những ngón tay dài và xương xẩu gõ nhịp đều đều trên bàn. Cuốn sách đọc dở gấp hững hờ, điếu thuốc của gã vẫn cháy đều trên cái gạt tàn trong sự lãng quên của người đã thắp nó lên, trông lão không khác gì một gã thất nghiệp dở hơi điển hình.
Tuy nhiên, tôi cần phải đính chính lại ngay là lão Thuyên không hề thất nghiệp và cũng chẳng dở hơi tẹo nào. Lão chính là chủ quán, và đương nhiên cũng là sếp của tôi. Phần lớn thời gian trong ngày lão chúi mũi vào chiếc máy tính cá nhân, viết liên tục cho các tờ nhật báo và nội dung cộng tác cho một công ti truyền thông nào đó. Ngoài thời gian làm việc đó, lão ngồi nhả khói đều đều với mấy cuốn sách của lão ở một góc bất kì của quán hoặc lim dim mơ màng về một
thế giới xa xôi nào đó với cái tai nghe gắn chặt vào tai. Chỉ có những lúc đông khách lắm thì lão mới đích thân xắn tay áo pha chế phục dịch phụ tôi, nhưng tiếc thay là số lần (may mắn) như thế đếm không đầy một bàn tay, vì vậy mà một mình tôi cũng dư sức vừa chơi vừa làm. Cũng phải nói thêm là mặc dù lim dim vậy thôi chứ gã không bao giờ bỏ sót một cử chỉ nào của tôi và những vị khách của quán, đó mới chính là điều luôn khiến tôi bất ngờ, bằng chứng là một câu đủng đỉnh vừa cất lên của lão.
“Ân, khách ở bàn ba chuẩn bị về kìa”.
Đúng thật, tôi vừa ngước mắt lên đã thấy vị khách ấy vẫy tay ra hiệu tính tiền. Đó cũng là vị khách cuối cùng còn sót lại trong quán. Phần lớn khách đến quán đều là bạn hoặc người quen của lão, lúc nào cũng lim dim mơ màng y chang. Đổi tên biển quán này thành một hội quán gì đó của bọn họ chắc cũng không ai phản đối.
“Hôm nay vắng khách, nhóc có thể về sớm, để đó anh dọn nốt cho”. Lão Thuyên bừng tỉnh như chợt nhớ ra điếu thuốc tội nghiệp của mình, với lấy nó trong lúc tôi lau chiếc bàn nơi vị khách vừa rời đi.
“Không sao đâu anh. Mai là cuối tuần, em không phải làm bài tập hay học hành gì. Tối nay cũng chẳng có gì làm cả. Bố mẹ em đi dự tiệc công ti rồi, em gái thì tham gia câu lạc bộ chưa về. Em ở đây vui hơn”. Mặt tôi lúc nói mấy câu ấy chắc buồn cười lắm (nghĩa là vừa buồn nhưng vẫn cố cười) vì buổi tối cuối tuần nhạt nhẽo của mình.
“Thế có muốn xuống bến sông ăn mì với anh không, xong lại dạo một vòng phố cổ, đêm nay rằm chắc sẽ lung linh lắm. Anh cũng đang chán”. Lão tháo hai cái tai nghe xuống đặt trên cuốn sách đang đọc dở, hỏi tôi nghiêm túc.
“Cũng được thôi”. Tôi trả lời dửng dưng thế thôi chứ trong lòng mừng như bắt được vàng. Hiếm lắm mới được lão rủ rê như vậy. “Vậy cùng dọn cho xong rồi đóng cửa sớm nhé”. Lão nhìn tôi cười cười, trông hiền lành và thật thà một cách bất ngờ.
Cũng phải đính chính tiếp rằng dù tôi cứ luôn miệng gọi “lão” này “lão” nọ thế thôi chứ lão Thuyên thật ra mới có hăm lăm tuổi, vẻ ngoài hơi gàn dở một chút nhưng rất chân thành và tử tế. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ nhận ra điều đó, hoặc cũng có khi chẳng thèm để tâm, nếu không đến làm ở quán. Người ta vẫn thường bị dắt mũi bởi những hình dung và ấn tượng lệch lạc ban đầu như thế. Tôi đến phụ ở quán tất cả các buổi tối trong tuần, từ giờ tan học đến lúc quán đóng cửa vào khoảng mười giờ đêm. Công việc không mấy bận rộn vì quán cũng không rộng lắm, những lúc ngơi tay tôi còn có thể đọc sách hoặc tranh thủ làm bài tập về nhà, hoàn toàn không vất vả gì như cái vẻ phải đi làm mỗi ngày mà mọi người vẫn nhìn thấy.
***
Hai tháng trước, vào một buổi chiều muộn nhá nhem, tôi ngồi khóc tu tu bên vệ đường vì vừa bị một tên xin đểu giật mất ví tiền trong lúc đang trên đường từ trường về nhà, trong ấy có tiền tiêu vặt của tôi cả tháng và tiền dành dụm cho phí dự hội trại của tháng sau. Đương nhiên tôi vẫn có thể nài nỉ bố mẹ xin lại khoản tiền ấy, nhưng như thế thì thật mất mặt người (đang) lớn, có khi còn bị mẹ mắng cho một trận vì tội… lơ ngơ. Chợt nhớ đến lời hứa mua bộ truyện tranh Inu Yasha mới tái bản lại cho em gái mà tôi rầu hơn nên cứ nước mắt ngắn dài không ngớt. Đúng lúc ấy thì lão Thuyên đã xuất hiện như một vị cứu tinh kịp thời. À không, ngay lúc lão vừa xuất hiện thì tôi chỉ thấy hơi dè chừng một chút chứ chẳng có gì là vui mừng cả.
Lão đứng trước mặt tôi, bộ dạng lếch thếch và gàn dở y chang bây giờ, hỏi một cách ngáo ngơ rằng tôi có sao không, gặp chuyện gì thế, sao lại ngồi khóc tu tu như trẻ lạc mẹ giữa đường thế này. Tôi không biết đã lấy đâu ra sự tin tưởng với một kẻ lúc đó còn lạ hoắc như lão, tuôn kể một tràng trong nước mắt mọi chuyện vừa xảy ra và những suy nghĩ trong đầu mình, đôi ba câu lại ngắt ngứ một lần vì khóc lóc. Không ngờ lão ngồi nghe từ đầu đến cuối, không mở miệng cắt ngang lần nào. Tôi kể xong thì nước mắt cũng ngưng, lòng cũng bớt hậm hực nhưng lại thấy xấu hổ quá chừng với ánh mắt thắc mắc của lão đang đặt chằm chằm lên mặt tôi. Ngay lúc đó thì tôi nhận ra dáng vẻ quen quen của lão, hình như tôi đã gặp vài lần đến quán cùng mấy đứa bạn. Tôi không biết lão đang nghĩ gì về một con bé mười bảy tuổi khóc tu tu giữa đường thế này mà sau khi nghe xong thì lão lại phá lên cười như thể tôi vừa kể xong một câu chuyện hài.
“Nhóc đúng là khờ thật đấy, chuyện chỉ có vậy thôi mà đã khóc toáng lên rồi”.
Lão vẫn cười không ngớt làm tôi quê độ dữ thần. Tôi đứng phắt dậy, xốc cặp định bỏ đi thì bị lão níu cái quai cặp giữ lại.
“Thôi nào anh xin lỗi, tại anh không nhịn cười được thôi”. Lão vẫn cười toe làm tôi tức mình, có ai xin lỗi thiếu thiện chí như vậy không chứ.
“Anh có cách giúp nhóc nè”.
“Hở? Cách gì chứ?”. Mặt tôi lúc đó chắc nghệch ra vì thắc mắc nên lão vẫn cười toe. “Nhóc có biết lau bàn, có biết rửa li và tưới cây không? Quán của anh đang cần người phụ nè. Ở ngay đầu phố cổ thôi. Tiền lương không những đảm bảo giúp nhóc giấu nhẹm ba mẹ chuyện bị giật ví mà còn có thể dự hội trại và mua truyện tranh cho em gái của nhóc nữa”. Lão đắc ý nhướn mày nhìn tôi chờ câu trả lời trong khi tôi bất ngờ quá chưa thể nói được gì. Đúng là trong cái rủi vẫn còn có cái may, mấy công việc mà lão vừa nói ấy chỉ là chuyện nhỏ đối với tôi. Đến cân bằng phương trình hóa học và giải toán lượng giác tôi còn làm được nhoay nhoáy thì tưới cây, rửa li, lau bàn nhằm nhò gì chứ.
Và đó chính là cơ duyên đưa chân tôi đến quán cà phê này, nơi mà tôi đã làm việc và gắn bó suốt hai tháng qua. Tính luôn cả cái lão chủ quán lim dim gàn dở kia nữa thì nơi này cũng thú vị lắm. Chỉ sau một tuần làm việc ở quán cũng đủ để tôi nhận ra những vị khách lui tới thường xuyên đều là bạn và người quen của lão, đa phần đều làm công việc tự do, trông nghệ sĩ, rỗi hơi, gàn dở nhưng cũng tử tế và thật thà y như lão. Họ phần lớn đều lim dim, im lìm trong mớ suy nghĩ và công việc của riêng mình, để mặc cho những bài ca phát ra từ trong quán nói thay tâm tình. Cũng phải công nhận là tôi đã mê cái gu chọn nhạc của lão Thuyên từ lúc nào không hay. Tôi không những đã kiếm được hơn số tiền bị mất mà còn được bố mẹ khen là chững chạc lên hẳn, bọn bạn thì xuýt xoa ghen tị mãi vì được làm ở quán. Cũng phải, đây là một trong những quán cà phê xinh nhất trong phố cổ, phong cách ấm cúng, góc nào cũng có hoa lá xanh um, nhạc thì hay khỏi bàn, nước cũng ngon, duy có lão chủ quán không biết hấp dẫn chỗ nào mà bọn bạn tôi cứ mê tít. Tôi đã cùng chúng nó đến quán một vài lần và nhìn thấy lão, nhưng hôm đầu tiên vì bấn loạn quá tôi chưa kịp nhận ra. Cuộc đời đôi khi có những sự ngẫu nhiên thú vị như vậy đó.
***
Đêm sáng trăng, dọc phố cổ giăng đầy đèn lồng, dưới mặt sông cũng lấp lánh ánh sáng như dát vàng phản chiếu và những ngọn hoa đăng trôi lững lờ. Tôi với lão Thuyên vừa ních căng một bụng mì và sinh tố bơ tráng miệng nên đi dạo một vòng để tiêu bớt. Gió nhẹ êm êm, tiếng nhạc vọng ra từ một góc quán nào đó nghe du dương tha thiết.
“Nói em nghe được chưa, hôm nay chán chuyện gì nào? Sao tự dưng lại nổi hứng rủ em đi ăn thế này?”. Tôi buột miệng hỏi lão khi bước lên cây cầu gỗ bắc ngang bờ sông.
“Thì lâu lâu muốn đi dạo, muốn ăn ở ngoài vậy thôi cũng cần phải có lí do sao? Nhóc không thích… như vậy à?”. Không biết là do ánh đèn hay là do mắt tôi có vấn đề mà mặt lão Thuyên lúc này lại nghệch ra và thẹn thùng rất lạ.
“Cũng không phải là chuyện gì cũng cần có lí do. Chỉ là em hay thắc mắc vậy thôi”. Tôi cười xuề xòa nhằm cầu hòa với vẻ mặt đăm đăm của lão. “Vậy thì thôi, đừng bắt bẻ anh nữa. Anh cũng đâu ki bo đến mức không mời nhóc được một bữa ăn”. Giọng lão Thuyên thật thà bỗng dưng làm tim tôi dội nhanh, trong đầu vừa lóe lên một ý nghĩ. “Vẫn còn một chuyện mà em muốn biết lí do. Em hỏi nốt luôn được không?”. Tôi giữ giọng mình thận trọng, không quá phấn khởi để lỡ lão có gạt phắt đi thì cũng đỡ quê.
“Nhóc thử nói anh nghe xem. Chuyện gì mà nghiêm trọng vậy?”. Lão Thuyên nhìn thẳng vào mắt tôi khiến tôi đâm bối rối.
“Cũng không phải chuyện quan trọng gì. Chỉ là em muốn hỏi tại sao hôm đó anh lại nhận em vào quán thôi”. Tôi đã mang thắc mắc này suốt từ khi bắt đầu vào làm nhưng ngại hỏi, cuối cùng giờ cũng được nói ra. “Cũng chẳng có lí do gì đặc biệt, chỉ là anh đang cần người phụ, và nhóc thì đang cần việc gì đó làm để bớt tự trách bản thân mình thôi”. Lão lại cười cái điệu thản nhiên quen thuộc, mấy lời lão nói ra nghe nhẹ tênh. Tôi không hiểu sao lão cứ giữ mãi cái lối xưng hô anh anh nhóc nhóc nghe vừa xa cách vừa nửa vời ấy nữa.
“Nhưng đấy là sau khi em kể anh nghe chuyện bị giật ví. Ý em hỏi là trước đó cơ, lúc em còn đang ngồi khóc tu tu bên
đường ấy. Sao anh lại đến hỏi chuyện em?”.
“Thực ra thì anh nhận ra nhóc đã vài lần đến quán với bạn. Anh đã muốn bắt chuyện từ lâu nhưng mãi không mở miệng được. Tình cờ thấy nhóc tối hôm đó, anh vừa vui lại vừa lo nên lấy hết can đảm đến hỏi chuyện nhóc đó”. Giọng lão Thuyên cứ ngắt ngứ nhỏ dần ra chiều thẹn thùng làm tôi vừa bất ngờ vừa mắc cười, không tưởng tượng được là lão cũng có lúc như thế.
“Ra là vậy”. Tôi đắc ý nhìn lão khiến lão quê độ bỏ đi lên trước một mạch.
Tôi vẫn cười không ngớt vì niềm vui bất chợt vừa nảy nở trong lòng. May mà phố cổ không quá sáng, chứ nếu lão mà nhìn thấy đôi má đang ửng hồng như hai mặt trời của tôi bây giờ thì tôi không còn cớ để trêu lão nữa. Đúng là đồ ngốc.
“Này, đi từ từ thôi chờ em với chứ”.
Tôi gọi với theo lão Thuyên, thấy lão ngoảnh mặt lại, dừng chân chờ tôi, sau lưng lấp lánh những ánh đèn lồng, cao hơn xíu nữa là vầng trăng dịu dàng. Những chuyện tình cờ luôn có lí do và thời điểm của chúng, đến vào những lúc không ngờ làm cuộc sống này thú vị biết bao...
NGUYÊN - Minh họa: THÀNH PHÁT
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận