Truyện ngắn của Bùi Lê Minh Huyền: Bà ngoại

Thứ năm, 14/07/2022 11:08 (GMT+7)

Chuyến xe buýt dừng tại bến lúc 5 giờ kém khiến Châu vui như “mở cờ trong bụng”. Vậy là sau quãng thời gian di chuyển hơn một tiếng đồng hồ, cuối cùng cô gái nhỏ đã có thể “tái hòa nhập cộng đồng”. Bước xuống bến, Châu đi bộ ra tiệm bánh. Đang tính mua vài cái bánh papparoti ăn lót dạ rồi báo tin cho bạn mình sắp đến nơi thì Châu bị tiếng vỗ vai của ai đó làm cho giật mình.

- Cháu ơi, giúp bà qua đường được không? - Châu vừa kịp quay lại thì bà cụ đứng đằng sau cất tiếng hỏi.

- Dạ được ạ!

Nói đoạn, Châu nhẹ nhàng nắm lấy tay, dắt bà sang mé đường bên kia.

- Cảm ơn cháu nhiều nhé, nhà bà ở ngay trong ngõ này rồi.

- Không có gì đâu bà ạ! - Châu mỉm cười đáp lại. Bà cụ cũng mỉm cười với Châu rồi nhanh chóng rời đi.

Châu rảo bước, định quay về tiệm bánh. Nhưng không hiểu sao, khi vừa đi được một đoạn, chân Châu bỗng khựng lại còn đôi mắt thì cứ hướng theo bóng bà cụ cho đến khi khuất hẳn, mờ dần. Trong khoảnh khắc đặc biệt ấy, hình ảnh bà ngoại thân yêu của Châu cứ thế hiện về rõ ràng như một thước phim cận cảnh.

* * *

Bà ngoại là một phần quan trọng trong kí ức tuổi thơ Châu. Hồi nhỏ, vì công việc cả bố và mẹ đều bận rộn nên Châu chủ yếu sống với bà. Bà là người hát ru Châu ngủ mỗi trưa hè, đút cho Châu ăn hết bát cháo gà nóng hổi, thậm chí không ngần ngại dắt Châu ra đầu ngõ đón mẹ trở về khi hoàng hôn buông.

Kỉ niệm của Châu với bà đầy ăm ắp như cuốn tiểu thuyết dày mấy trăm trang đọc hoài chưa tìm ra hồi kết. Nhưng nếu được hỏi kỉ niệm nào đáng nhớ nhất thì có lẽ Châu sẽ chẳng ngại ngần đáp: đó là kỉ niệm năm lớp 4 được đi học bằng xích lô cùng bà. Hôm ấy bố mẹ Châu đều đi vắng, đường đến trường thì xa. Vì không muốn cháu gái yêu phải bỏ lỡ buổi học, bà đã nhờ bác Hùng chở cả bà và Châu tới trường. Bà lên trước, Châu lên sau, ngồi cạnh bà. Rồi hai bà cháu nắm chặt tay nhau cùng vượt qua quãng đường gồ ghề đầy sỏi đá. Sau này khi đã lớn, thỉnh thoảng Châu vẫn nhớ về kỉ niệm ấy.

* * *

Châu thích học Văn. Phần vì trái tim cô gái nhỏ nơi miền quê luôn chứa đựng nhiều suy tư, rung cảm. Phần vì ngay từ thuở lọt lòng, tâm hồn Châu đã được “bồi đắp” bởi những vần thơ, câu chuyện của bà. Bà ngoại Châu, dù chỉ biết đọc viết nhờ tham gia lớp bình dân học vụ nhưng có một trí nhớ siêu phàm. Từ truyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh, những câu ca dao đến Truyện Kiều bà đều thuộc cả. Mỗi lúc rảnh rỗi, bà thường đọc cho Châu nghe. Và rồi, Châu không rõ mình mê những ca từ đậm chất trữ tình ấy từ khi nào.

Năm lớp 6, Châu tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Chỉ có điều, một thời gian ngắn trước khi kì thi diễn ra, vì lí do sức khỏe, Châu đành rút lui. Ngày buộc phải đưa ra quyết định, Châu buồn lắm. Châu tự nhủ: năm sau, mình nhất định sẽ đi thi và đạt giải thật cao để bà được vui lòng.

Nhưng cuộc đời không ai nói trước chữ “ngờ”...

Một chiều mùa xuân năm Châu học lớp 7, Châu đi học về thấy nhà có rất đông người. Tưởng người cậu từ miền Nam ra thăm, Châu háo hức chạy vào thì bất ngờ thấy bà nằm trên giường đau đớn. Hỏi mẹ mới biết, hồi nãy bà bị một người đi xe đạp điện tông vào. Những ngày sau đó, Châu luôn mong bà mau bình phục. Hai bà cháu còn rất nhiều lời hẹn với nhau, trong đó có lời hẹn bà sẽ đón Châu từ kì thi học sinh giỏi trở về.

Ấy vậy mà... Cũng là một buổi chiều của mười ba ngày sau đó, Châu đang chuẩn bị sách vở đến trường thì từ bệnh viện mẹ gọi điện về báo tin: bà mất. Châu nghe xong thấy trống rỗng hoàn toàn. Không thể nào! Sáng nay khi đi học, Châu còn thấy bà ngồi uống nước cơ mà. Tối qua, mẹ còn bảo Châu pha mì tôm cho bà ăn nữa... Châu bỏ sách vở, chạy như bay tới nhà bà. Vào đến nơi, Châu thấy bà nằm trên giường bất động. Châu vẫn không tin, liên tục gọi. Mọi khi, chỉ cần Châu gọi thật lớn, bà sẽ nghe thấy và mỉm cười. Nhưng lần này, Châu càng gọi thì càng thấy vô vọng. Thứ duy nhất đáp lại Châu không phải giọng nói quen thuộc của bà mà là âm thanh tĩnh lặng đến rợn người. Châu ước lúc đó mình có thể khóc. Vậy mà, Châu không khóc được. Châu muốn thì thầm vào tai bà lần cuối “cháu yêu bà”. Dù thế, Châu cũng chẳng thể làm. Cảm giác trong Châu khi đó gói gọn trong hai từ: đau khổ.

Mọi chuyện có lẽ sẽ đỡ khó khăn hơn nếu như không phải một ngày sau đó, Châu bước vào kì thi học sinh giỏi. Đó là kì thi lớn đầu tiên của Châu, kì thi mà cả bà và Châu đều mong đợi. Vậy mà giờ đây, bà ra đi, bỏ lại Châu với biết bao cảm xúc bộn về. Ngày Châu đi thi khác xa tưởng tượng của cô bé trước đây - không lời chúc tụng, không người đón đưa, cũng không có bà đợi chờ ở đầu ngõ. Với Châu, đó là kì thi buồn nhất cuộc đời.

Những ngày sau đó dường như dài vô tận. Châu phải học cách thích nghi cuộc sống thiếu vắng bà. Châu sợ về nhà sớm, bởi về sớm thì phải ở một mình. Mà cảm giác ở một mình khiến Châu thấy cô đơn, hiu quạnh. Châu không dám bước vào căn phòng trước kia hai bà cháu thường nằm. Vì ở đó, trong mọi góc nhỏ của căn phòng đều chứa đựng những kỉ niệm của người bà đáng kính. Châu nhớ giọng nói khàn đặc của bà. Châu thèm nghe tiếng thở mạnh của bà mỗi đêm bởi âm thanh ấy báo hiệu rằng bà còn sống. Rồi Châu còn làm cả những việc trong vô thức. Ví dụ như có lần, Châu mua về gói kẹo me - loại kẹo mà cả Châu và bà đều thích ăn, sau đó ngồi ăn hết chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ.

Châu không biết phải làm gì để vượt qua nỗi đau mất mát ấy. Dẫu biết, mình phải sống thật tốt, thật vui để bà được an lòng nhưng với một cô bé chưa tròn 13 tuổi như Châu, làm được điều đó chẳng dễ dàng.

* * *

Một chiều đầu hạ, sau lễ tổng kết năm học khoảng hai tuần, Châu tranh thủ ngày nghỉ sắp xếp lại đồ đạc trong phòng. Và... trong lúc với tay lấy chồng sách cũ, Châu vô tình làm rơi tấm ảnh kẹp trong đó. Châu nhặt tấm ảnh lên và kinh ngạc nhận ra: đó là tấm ảnh hai bà cháu chụp vào dịp Tết Âm lịch năm ngoái. Trong bức ảnh, cả Châu và bà đều mỉm cười thật tươi, gương mặt lộ rõ vẻ rạng ngời, hạnh phúc.

Châu bần thần nhìn tấm ảnh hồi lâu. Thì ra, dù đã đi đến một nơi thật xa, bà vẫn luôn dõi theo, ủng hộ Châu. Và có lẽ, nụ cười trong bức ảnh này chính là điều mà ở thế giới bên kia, bà muốn nhắn nhủ. Chắc hẳn bà đang mong dẫu cuộc sống có khắc nghiệt thế nào, Châu vẫn sẽ luôn dùng thái độ lạc quan để đối diện, dùng nụ cười đẹp nhất để hóa giải muộn phiền. Vậy mà... Bất giác, Châu nghĩ lại những ngày đã qua và thấy hối hận vì mình đã lãng phí một khoảng thời gian khá dài để “gom nhặt” nỗi buồn.

- Bà ơi! Kể từ ngày mai, cháu sẽ sống tích cực. - Châu nhẹ nhàng hôn lên bức ảnh, khẽ thì thầm.

Sau ngày hôm ấy, Châu thay đổi. Và cô gái nhỏ có rất nhiều “lần đầu tiên” trong cuộc đời. Đó là lần đầu tiên Châu dám trở về nhà một mình mà không cần chờ bố mẹ, lần đầu tiên Châu can đảm trở lại căn phòng quen thuộc của hai bà cháu sau khoảng thời gian dài. Rồi có lần khu phố bị mất điện lúc 11 giờ đêm, thay vì hét lên trong sợ hãi, Châu bình tĩnh lấy điện thoại, bật đèn pin rồi tìm nến thắp sáng cả căn nhà. Những “lần đầu tiên” tưởng chừng như nhỏ bé ấy nhưng đối với Châu có ý nghĩa hết sức lớn lao. Bây giờ nghĩ lại, Châu vẫn thấy biết ơn vô cùng buổi chiều mùa hạ cùng tấm ảnh đẹp tươi hôm ấy.

* * *

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô bé Châu năm nào nay đã lớn. Nhiều lúc, Châu vẫn cảm thấy buồn thương và nhớ bà nhiều lắm, nhất là khi bản thân “gặt hái” được những thành tựu, niềm vui. Chẳng hạn như lần Châu “rinh” về giải nhì kì thi học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn, Châu ước mình có thể khoe với bà và nhận lời khen ngợi. Hay khi rảo bước giữa phố thị tấp nập, xa hoa, ghé thăm trung tâm thương mại tiện nghi, hiện đại, Châu mong có thể nắm tay bà đi dạo vài vòng. Hoặc khi có dịp thưởng thức những món ngon như kem Tràng Tiền, chả cá Lã Vọng, ô mai Hàng Đường, Châu khao khát có thể mua về cho bà nếm thử. Thậm chí đơn giản hơn, Châu hi vọng bà nhìn thấy mình trong vóc dáng của một cô gái xinh đẹp, trưởng thành. Nhưng... đó chỉ là ước mong. Mà cuộc sống thực tại hoàn toàn không giống như trong truyện cổ tích - luôn có cánh cửa thần bí, cây đũa thần giúp con người hiện thực hóa mơ ước của mình.

Dù thế, Châu không cho phép mình buồn lâu hay chán nản. Có những người bạn, người em nhỏ hơn mình còn phải lớn lên mà không có người thân nào ở bên. Thế nên, Châu không thể mãi yếu đuối, chìm đắm trong u sầu mà cần mở lòng hơn để giúp đỡ họ.

Sự ra đi của một người, nhất là người ta thật sự yêu thương, gắn bó là một mất mát vô cùng lớn lao, khó có thể diễn tả thành lời. Nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực hơn, sự ra đi ấy cũng giúp ta có thêm nhiều bài học. Đó là bài học về bản lĩnh sống mạnh mẽ, kiên cường; là bài học về tình người, về cách san sẻ yêu thương.

* * *

Nắng chiều mùa hạ oi ả, chói chang mà cũng tắt nhanh như cơn mưa rào xối xả. Châu đang tần ngần suy nghĩ thì bị tiếng còi xe inh ỏi của người lạ làm cho giật mình.=

- Phải rồi, Ngân đang đợi mình đến bàn về chuyến đi tình nguyện. - Châu chợt nhớ ra và nhanh chóng rời đi.

Rồi Châu mở ngăn kéo balo, lấy điện thoại nhắn tin báo cho bạn rằng mình chỉ còn cách nhà bạn chừng 50 mét. Nhắn xong, Châu khẽ nhún vai, nở nụ cười.

Kí ức đẹp quả là một phần đáng trân trọng trong đời. Có những người, dù ta chỉ gắn bó một khoảng thời gian không dài nhưng suốt cả hành trình sau này ta sẽ mãi nhớ về họ bằng tất cả niềm yêu thương, kính trọng.

BÙI LÊ MINH HUYỀN - Minh họa: XUÂN LỘC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: