Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Khi tôi học lớp Mười một, bố mẹ tôi li hôn.
Tôi chọn ở với mẹ. Chiều tháng Ba nắng trong vắt, tôi và mẹ lên chuyến xe đến nhà của bà ngoại, nằm cách ngôi nhà mà tôi và mẹ từng sống với bố hơn bốn trăm cây số. Tôi mệt nên ngủ hầu như cả chặng đường, còn mẹ thì thỉnh thoảng hớp vài ngụm cà phê pha sẵn trong bình giữ nhiệt, cố thức để chỉ đường cho tài xế.
Xe đến nhà bà ngoại khi đã hơn bảy giờ tối. Ba người – một bà cụ, một người phụ nữ và một thằng dở hơi – ngồi ăn tối ngoài sân dưới ánh đèn đã vàng đi vì bóng đèn bị ám khói, bên gốc cây khế già đã có từ khi mẹ còn nhỏ. Đến tám giờ tối, mẹ ngủ, tôi mượn xe đạp của bà đi dạo một vòng.
Chia xa trường cũ tôi cũng buồn, nhưng cũng may, thành phố mà tôi và mẹ đặt chân đến là một thành phố biển, tuy không quá nổi tiếng nhưng mà cũng là một điểm du lịch khá hay. Tôi đạp xe chầm chậm dọc bờ biển, thấy mấy quán cà phê nhỏ nhưng sáng bừng và nhộn nhịp. Đằng xa, đèn trên những chiếc thuyền đánh cá sáng lấp lánh giữa vùng biển tối. Gió biển thổi lên mát lạ lùng.
Ngôi trường mà mẹ gửi tôi đến học là một ngôi trường công lập nhỏ nhưng đẹp - khung cảnh sáng bừng những hoa, bức tường xanh nhạt dịu dàng và thư viện đầy những chiếc thuyền giấy nhỏ nhắn đủ màu, nhưng điều khiến tôi yêu thích nhất ở trường vẫn là cổng trường. Trường nằm đối diện bãi biển nên bao giờ đứng ở cổng cũng thấy một mảng rất xanh.
Ở lớp, tôi ngồi cạnh Thùy. Bạn gầy, da xanh xao, tóc dài đến tận eo, bị cận khá nặng. Bạn cũng khá ít nói, nên mặc dù đã ngồi cùng bàn được mấy tháng, tôi và Thùy vẫn chẳng mấy khi chuyện trò.
Tôi đã có một cuộc sống mới như thế.
* * *
Tuy vẫn đang là học kì Hai của lớp Mười một nhưng các bạn tôi đã bắt đầu ôn luyện cho kì thi tốt nghiệp. Tôi chọn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên nên đăng kí các lớp phụ đạo Vật lí, Hóa học và Sinh học. Thế rồi tôi gặp Duy Anh. Cậu ta cao hơn tôi một chút, mái tóc bồng bềnh kém tự nhiên, tay chân lúc nào cũng táy máy nghịch ngợm thứ này thứ khác. Ngày đầu học phụ đạo, tôi vừa ngồi xuống là cậu ta đã mỉm cười chào tôi ngay, cứ như thể chúng tôi có quen biết từ trước, làm tôi cũng phải mỉm cười ngượng ngập đáp lại. Tôi để ý hình như mấy trò vận động là sở thích của cậu ta – bóng chuyền, bóng đá, điền kinh gì đều thấy cậu ta tham gia.
- Lớp mình có bạn nữ nào thi trường quân đội không?
Có lần cô Khánh, giáo viên Vật lí của lớp, hỏi chúng tôi như thế. Một cánh tay giơ thẳng lên, là của nhỏ Phương.
- Ừ, cô thấy vậy cũng được. Các trường quân đội ít nữ, nhiều nam nên mấy em nữ vào đấy có giá lắm.
Nhỏ Phương lúc nào cũng khóc, tập chạy mà vô ý bị ngã cũng khóc, thấy sâu cây bàng cũng khóc, thậm chí mất cục tẩy cũng khóc, ai mà thích nổi nhỏ. Nghĩ thế, tôi bĩu môi, chợt nghe Duy Anh ngồi bên cạnh “uề” một tiếng rõ dài.
- Này, cũng thi vào trường quân đội à?
Tôi quay sang Duy Anh, ngạc nhiên hỏi. Nhưng dường như cậu ta còn ngạc nhiên hơn cả tôi, mắt cậu ta mở căng nhìn tôi như thể tôi là sinh vật lạ.
- Tất nhiên. Mày cũng thế à?
Duy Anh hỏi. Tôi tự hào gật đầu. Chúng tôi trở thành bạn từ đấy.
* * *
Duy Anh cũng là một người dở hơi. Cậu ta thích điều gì thì làm ngay điều ấy, chẳng bao giờ suy nghĩ trước khi làm.
Tính dở hơi của cậu ta bộc lộ rõ nhất vào những buổi hội giảng, khi cậu ta nhặt nhạnh những tờ giấy A4 dùng để thảo luận nhóm nhưng chúng tôi không dùng đến, xếp thành máy bay giấy để đầy hộc bàn. Nhỏ Phương lớp trưởng từng nhắc cậu ta vài lần nhưng đâu vẫn vào đấy.
Có lần, trong giờ kiểm tra Thể dục, khi thầy giáo cho lớp tự khởi động trước khi thầy gọi tên lên kiểm tra, Duy Anh chẳng chịu khởi động mà lại đi hái những bông xuyến chi đã tàn, rụng hết cánh, rồi dùng làm “phi tiêu” phóng hết người này đến người khác. Mà cậu ta cũng tinh quái nữa, luôn chọn phóng vào lưng để chúng tôi khó gỡ thứ “phi tiêu” của cậu ta xuống, làm chúng dính đầy áo chúng tôi như kẻ ngốc.
Đám con trai chúng tôi, có đứa thì nhiệt tình ủng hộ trò nghịch ngợm của cậu ta, có đứa thì không mấy quan tâm, cứ mặc xác cậu ta thôi, và tôi chọn đứng vào nhóm thứ hai. Nhưng mà đám con gái ấy, chúng nó kịch liệt phản đối vụ “phi tiêu”: đứa thì hét ầm ĩ, đứa thì gỡ từng thứ xuống rồi ném lại vào Duy Anh, nhưng Phương là đứa cao tay nhất. Nó mách thầy, thế là thầy phạt chúng tôi – cả những đứa nghịch lẫn những đứa không nghịch – đứng nắng năm phút. Việc ấy làm tôi cay cú cậu ta khủng khiếp.
Nhưng đôi khi, tôi cảm nhận Duy Anh cũng không hẳn là dở hơi.
Đợt bốc thăm chia bảng thi đấu bóng đá chào mừng ngày thành lập Đoàn Thanh niên, nhỏ lớp trưởng vắng mặt nên các bạn chọn tôi đi thay. Có mười một lớp nhưng chỉ có mười lớp được vào vòng bảng nên có hai lớp phải đá vòng loại, tôi bốc trúng lá thăm vòng loại. Lớp tôi đấu trận vòng loại mở màn giải với lớp 12A1, đương kim vô địch.
Lúc tôi mang lá thăm về lớp, đám con trai đứa thì ôm đầu, đứa thì lắc đầu chán ngán. Khi ấy tôi vẫn chưa biết lớp 12A1 là đương kim vô địch, cho đến khi Phong gọi tôi là thần xui xẻo.
- Tụi mày thôi đi. Bọn mình không phải là Bayern Munich.
Duy Anh nói vậy. Cậu ta đã bênh vực tôi khi mà tôi còn chưa học cùng cậu ta được một tuần.
Hôm thi đấu chính thức, chúng tôi vẫn chưa chọn được đội trưởng. Nhỏ lớp trưởng chọn Duy Anh nhưng cậu ta cứ giãy nảy mãi, nhưng rồi cậu ta cũng mang chiếc băng đội trưởng vào. Đấy là một chiếc băng màu xanh dương rất đẹp, xanh dịu như bầu trời sớm.
Tên bạn thi đấu ở vị trí thủ môn bị tai nạn xe máy gãy tay, không thi đấu được nên Phong vào khung thành, tôi vào vị trí hậu vệ trái mà cậu ta để lại. Duy Anh đá hậu vệ cùng tôi, nhưng là chạy cánh phải. Chúng tôi thi đấu lúc ba giờ chiều, nắng mùa hè vẫn chiếu gắt trên đầu, chơi chưa được nửa hiệp một chúng tôi đã phải xin dừng để tiếp nước. Hầu như cả trận chúng tôi chơi tốt, nhưng đến phút cuối cùng của hiệp hai, tiền đạo đội bạn bất ngờ tăng tốc. Duy Anh đã thấm mệt, cậu ta chạy chậm dần, còn tôi thì cố chạy nhưng không theo kịp. Phong bất ngờ băng lên, cậu ta va phải tôi, vậy là hai đứa ngã xuống.
Sau lưng Phong là khung thành trống.
Anh tiền đạo cứ thế thong dong đá bóng vào khung thành Phong bỏ không.
- Tại mày hết đấy! Mày đứng lại có hay hơn không? – Trận đấu vừa kết thúc,
Phong đã bước đến nổi giận với tôi.
- Rõ ràng tại mày lao ra còn gì?
- Mày ngon thì đi bắt gôn đi? - Phong đẩy tôi khiêu khích.
- Còn đá trận nào nữa đâu mà bắt gôn? - Tôi cũng không nhường nhịn cậu ta nữa, tức giận đẩy cậu ta thật mạnh.
- Mày thôi đi. Nó vốn dĩ không phải là hậu vệ. - Duy Anh xách thùng nước đến, mệt mỏi nói với Phong. Cậu ta đưa cho tôi một chai nước khoáng lạnh ngắt, tôi giật lấy và bỏ đi ngay.
* * *
Ngày cuối cùng của tháng Ba, trời tự dưng làm mưa. Thật ra thì chỉ là mưa nhỏ thôi, nhưng buồn và ủ dột.
Hôm ấy bàn của tôi và Thùy trực nhật. Cô bạn làm hết tất cả mọi thứ, tôi chỉ cần đổ rác là hết việc.
Tôi cầm thùng rác lên đi về phía sau khu A. Tuy đã chuyển đến đây được gần hai tuần nhưng tôi vẫn chưa rành hết khuôn viên trường. Thấy mấy bạn lớp bên cạnh cũng đi đổ rác, tôi chầm chậm đi theo mấy bạn, rồi cũng đổ rác vào nơi mà mấy bạn ấy đổ. Chợt, tôi thấy đằng xa bóng dáng Duy Anh. Cậu ta đang chạy về phía tôi.
- Mày làm gì đấy?
- Đổ rác. Thế mày không thấy à?
- Thấy, nhưng thằng điên này, đây không phải chỗ đổ rác!
- Hả? - Tôi ngẩng ra - Nhưng các lớp khác vẫn đổ rác ở đây đấy thôi!
- Tụi nó đổ rác không đúng nơi quy định đấy! - Duy Anh nhìn về phía hố sâu đằng xa - Nơi đổ rác là kia kìa!
Rồi Duy Anh giục tôi:
- Chạy nhanh đi, thầy bí thư mà phát hiện là lớp mình quét dọn trường một tuần đấy!
Nói rồi Duy Anh chạy đi. Tôi cũng chạy, đến được hành lang thì bỏ thùng rác xuống thở hồng hộc. Lúc quay lại nhìn hố rác, tôi bắt gặp thầy bí thư đang đi xung quanh hố để kiểm tra. Thầy đã không thấy tôi và Duy Anh.
* * *
Duy Anh mới bị cận nên cậu ta chuyển lên ngồi cạnh tôi, Thùy chuyển xuống ngồi sau lưng Duy Anh.
Khuôn mặt cậu ta không đến nỗi tệ, cả lớp đã quen với khuôn mặt ấy rồi, tự dưng mang kính vào làm cậu ta như một người khác vậy. Ban đầu chúng tôi thấy cậu ta thật lạ, sau đấy thì mắc cười, cuối cùng thì cũng quen.
Một buổi sáng trong thật trong, Duy Anh chưa đến, Thùy tới ngồi vào chỗ của cậu ta. Cô bạn hỏi tôi có biết cậu ta thích màu gì không.
- Bạn hỏi Duy Anh đi chứ? - Tôi lắc đầu khó hiểu - Mình làm sao mà biết được.
- Mình không hỏi được. - Thùy lắc đầu. Mái tóc mỏng hơi bay lên - Vì sắp tới là sinh nhật Duy Anh mà.
Tôi im lặng. Chợt tôi nghĩ đến chiếc băng đội trưởng mà cậu ta mang trong trận thua của đội chúng tôi, một chiếc băng xanh dương rất đẹp. Rồi tôi nhớ đến cả bãi biển phía trước trường, cũng xanh ngắt và trải rộng tưởng chừng đến vô tận.
- Có lẽ là màu xanh. Mình cũng không biết nữa, nhưng đám con trai tụi mình thường thích tông màu lạnh.
* * *
Sinh nhật của Duy Anh là vào thứ Bảy nên bắt đầu từ thứ Sáu, lớp tôi đã chuẩn bị quà cáp cho cậu ta. Ai cũng biết cậu ta thích bóng đá nên chúng tôi thống nhất mua cho cậu ta một đôi giày đá bóng trắng, để trong chiếc hộp trắng và giao cho Thùy bọc giấy xanh cẩn thận. Tôi và Phương lớp trưởng đi mua hoa, đi hết thành phố nhưng chẳng tìm được nơi nào bán hoa màu xanh dương cả, vậy là hai đứa tôi đi mua giấy nhún rồi mang đến nhà của Thùy để làm hoa. Ở trường cũ, tôi cũng từng mấy lần phụ đám bạn làm hoa trang trí lớp học nên việc xếp hoa giấy nhún cũng không quá khó với tôi. Phong thì tay chân nhìn cứng đờ thế thôi nhưng cắt hoa cũng rất đẹp.
Sáng thứ Bảy, chúng tôi đến lớp sớm hơn mọi ngày. Món quà thì chúng tôi xếp vào hộc bàn, còn hoa thì chúng tôi để ngay trên bàn. Cả bọn tưởng Duy Anh sẽ vui mừng, nhưng rồi thấy biểu cảm trên khuôn mặt cậu ta lạ lùng và khó tả khủng khiếp.
- Mày chọn hoa đúng không Tú?
- Hả? - Bị cậu ta gọi tên bất ngờ như thế, tôi không thể không ngạc nhiên.
- Nếu là hoa màu đỏ thì do các bạn chọn, còn hoa màu xanh thì chỉ có thể là do mày chọn thôi. - Duy Anh luồn tay vào hộc bàn, cầm hộp giày lên - Sở thích màu kiểu này quái dị lắm.
Rồi cậu ta cười phá lên:
- Tao cũng thích màu kiểu vậy á!
Tôi cũng cười. Tôi không nhớ là Duy Anh đã cảm ơn thế nào, chỉ nhớ cậu ta đã hứa sẽ cùng lớp chụp ảnh kỉ yếu bên bờ biển gần trường và sẽ viết lưu bút trong một cuốn sổ có bìa xanh dương.
TRẦN VẠN NINH (Được gõ bằng chiếc laptop có nền xanh dương của T) - Minh họa: THÀNH PHÁT
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập mã xác nhận.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận