“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái tường rào xây cao nghều. Hai người sống sát bên nhau, nàng như cũng có cái quần giống ba tôi”. - Tôi hát rống lên khi nhỏ hàng xóm lướt qua mặt mình. Cái quần nhỏ đang bận hết sức buồn cười. Lửng không ra lửng, dài chẳng ra dài, màu sắc cũng chẳng ra làm sao. Nếu tôi đoán không lầm thì cái quần không phải của nhỏ. “Chắc chị ấy vội quá, mặc lộn quần của ba”. - Tôi cúi xuống, vờ xoa đầu Pudding. Con chó nhỏ tưởng tôi nựng nó nên mừng lắm, hai tai lúc lắc, cái đuôi xoay tròn, bốn chân nhảy loạn lên. Nhỏ hàng xóm tức điên. Ánh mắt nhỏ như hai viên đạn lao tới, găm cái phập vào tim tôi. Ánh mắt ấy thay nhỏ tuyên bố rằng: Cuộc chiến chính thức bắt đầu!
Bắt đầu thì bắt đầu. Anh đây lại sợ mi chắc! Miệng thì nói thế chứ thật ra trong lòng lo lắng không yên. Suốt mấy hôm ròng, ngày nào tôi cũng cảnh giác cao độ, lên tư thế sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Thậm chí tôi còn đăng kí một lớp Taekwondo vì nghe đồn nhỏ hàng xóm đam mê võ thuật. Nhưng nhỏ chưa kịp nhập cuộc thì giữa mẹ tôi với mẹ nhỏ xảy ra xung đột. Mẹ tôi là người gây sự trước. Ban đầu chỉ là những lời nói nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Dần dần đến nước rác cũng hất qua tường rào luôn. Mẹ nhỏ cũng không vừa, ném sang nhà tôi nào rác, nào chuột chết. Tôi với nhỏ đứng ngoài cuộc, ngơ ngác như đôi cừu nhỏ lạc đàn giữa đại dương. Kể cũng lạ, mối quan hệ giữa nhị vị “mẫu thân” trước đây không đến mức thân thiết như tri kỉ nhưng cũng thuộc dạng hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Mẹ nhỏ thường gọi gia đình tôi mỗi khi trái cây trong vườn chín rộ. Mẹ tôi thì không bao giờ quên mua quà cho nhà nhỏ mỗi đợt đi công tác hay du lịch về. Tôi gặng hỏi mãi, ba mới tiết lộ, nguyên nhân mẹ “trở mặt” là do tình cờ phát hiện ra ba tôi với cô hàng xóm từng có một thời yêu đương nồng nhiệt. Tôi méo mặt nhìn ba, ba ủ rũ nhìn mẹ đang ngó nghiêng như trinh sát cạnh tường rào, không hẹn cùng lắc đầu: Phụ nữ thật là nhỏ nhen!
* * *
Hơn một tháng sau, người phụ nữ “nhỏ nhen” của gia đình cuối cùng đã rũ bỏ được những hờn ghen phi lí để trở về là một người vợ thảo hiền, một người mẹ mẫu mực và một người láng giềng đáng mến. Tôi với ba mừng húm. Dẫu gì thì hai nhà cũng sát cạnh nhau, cứ lườm nguýt, bất hòa mãi thì sống sao nổi. Nhưng tôi chưa mừng được bao lâu thì nhỏ hàng xóm chính thức nhập cuộc bằng cái vỏ chuối trơn tuột nhỏ lia ra để bẫy tôi. Đúng như dự đoán, tôi ngã cái uỵch, mông đập xuống nền xi măng đau điếng. Nhỏ tí tởn chạy ra. “Ối chết! Xin lỗi nhá. Tui tính lia cho con Mực nó lượm, ai ngờ quá tay. Mà ông cũng xui xẻo cơ, chạy bộ lúc nào không chạy lại chạy đúng lúc này. Mà chạy chỗ nào không chạy, lại chạy qua cổng nhà tui”. Tôi căm phẫn nhìn nhỏ. Còn nhỏ dịu dàng chìa “bàn tay phù thủy” của mình ra. Trời ơi có đau chết tôi cũng không nắm nhé. Con Mực thấy tôi cứ ngồi mãi thế thì mon men lại gần, đoạn ngửi ngửi rồi nhấc cẳng sau lên. “Ấy ấy cái con trời đánh kia!” - Tôi vừa rú lên vừa đá cho con chó một cái. Nó kêu “oách” rồi chạy thẳng vào nhà. Nhỏ cũng chuồn luôn. Nhìn vũng nước be bé cạnh chân mình, tôi giận tím người.
Tôi kể nỗi uất ức này với Bảo. Nó hứa sẽ làm quân sư cho tôi. Nó bảo: “Con gái đứa nào cũng sợ ma hết á, mày đợi trời tối, hóa trang sương sương rồi dọa cho nó một trận. Đảm bảo hú hồn hú vía ngay”. Tôi làm y lời Bảo dặn. Đúng là có hiệu quả thật. Nhỏ hàng xóm đang rút quần áo bị dọa đến cộc đầu vào tường, miệng hét toáng lên, tay chân run lẩy bẩy. Hôm sau thấy đầu nhỏ sưng u, vội vàng thu quần áo từ chập tối. Tôi hả hê lắm. Bảo nói, thế vẫn chưa đủ, tôi cần phải tranh thủ “bonus” thêm vài vố nữa. Thế là buổi trưa tôi rình nhà nhỏ ngủ, lén trèo rào sang, hất nước tiểu Pudding vào áo nhỏ. Buổi tối, tôi đổ đống xương cá qua rào cho con Mực gặm chơi. Tôi rung đùi nằm nghe nhỏ gầm gừ. Tôi hát véo von khi nhỏ khổ sở vật con chó ra, cố gắp mảnh xương mắc ở răng nó, còn nó thì chống đối đến cùng. Nhỏ cay cú nghiến răng. Sau cái nghiến răng ấy thì hôm sau cái xe đạp điện của tôi bị đinh găm vào lốp, hôm sau nữa thì trên song sắt cửa sổ đầy những con sâu lông lá xồm xoàm. Khỏi phải nói, tôi thương tích đầy mình, lửa giận bốc lên ngùn ngụt. Bảo vỗ vai an ủi tôi, đồng thời tấm tắc khen nhỏ hàng xóm thật cao tay.
- Nhỏ đó có học trường mình không? Mà nhỏ tên gì ấy nhỉ?
- Nó học 11A5 ấy. Tên Thảo Phương. Bảo gật gù, hứa sẽ giúp tôi trả mối thù này.
* * *
Trường tôi tổ chức văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Nhà trường dành ra hẳn một buổi chiều để các lớp so tài. Lớp nào cũng hí hửng lên ý tưởng rồi tập ngày tập đêm, quyết tâm giành cúp. Đến ngày, mấy nàng thơ lớp tôi váy áo thướt tha, trước khi lên khán đài còn dặn đi dặn lại hội ngồi dưới phải cổ vũ thật sung, cho khí thế. Tôi ngủ gà ngủ gật, ngáp ngắn ngáp dài. Bỗng Bảo đập vào vai khiến tôi giật bắn.
- Ách! Đến lớp mình rồi à?
- Chưa. Đến 11A5. Nhìn xem ai kia nào - Bảo chỉ tay.
Trên khán đài, nhỏ hàng xóm đang mặc bộ váy yếm màu hồng, vấn tóc kiểu ngày xưa, uyển chuyển múa. Trông nhỏ xinh thật xinh, khác hẳn lúc ở nhà. Nhỏ đưa mic lên môi, cất tiếng hát. Đó là bài Quê tôi của Thùy Chi. Tiếng nhạc êm ái, du dương, tiếng hát nhỏ cao vút, ngọt lịm. Tôi sững người. Không ngờ nhỏ hát hay đến vậy. Bảo xuýt xoa thán phục: “Ôi xinh quá, hát gì như rót mật vào tai”. “Yêu tinh í - ả nào cũng xinh hết. Mày cẩn thật sập bẫy”. - Tôi cảnh cáo Bảo. Nó cười khà khà, rồi dúi cho tôi bông hồng, ý bảo lên tặng nhỏ.
- Tao chưa điên!
- Hử? Thế có muốn trả thù không?
Bảo làm mặt gian, chỉ tôi vị trí cầm an toàn. Ngoài chỗ an toàn ra thì những chỗ khác trét đầy mắm tôm. Tôi chạy vụt lên tặng nhỏ, cả lớp tôi xôn xao. Thoạt đầu nhỏ ngạc nhiên, sau đó từ từ đón lấy. Tôi nháy mắt, mặt nhỏ liền biến sắc. Suốt nửa bài hát sau, tôi thấy bọn múa phụ họa vừa múa vừa chun mũi. Còn nhỏ nắm chặt bông hoa, giọng hát run run.
* * *
Lớp tôi đồn tôi thích nhỏ. Lớp nhỏ đồn nhỏ không đội trời chung với tôi. Tôi chẳng buồn thanh minh, chỉ lo nhỏ kiếm tôi trả thù. Ấy thế mà dạo này nhỏ im hơi lặng tiếng, chẳng có hành động nào. Trái lại, thằng Bảo rất năng qua 11A5. Tôi huých nó, đừng nói là thích nhỏ đó rồi nhé. Nó chối đây đẩy, nhưng cuối tuần đòi vào nhà tôi chơi. Nó đứng bên nhà tôi nói chuyện phiếm với nhỏ. Hai đứa nó khúc kha khúc khích làm tôi nổi hết da gà. “Coi chừng mất xác nha mày!”. “Khỏi cần mày lo. He he. Tao sẽ làm cho nhỏ say tao”.
Tôi tưởng Bảo giỡn, ai ngờ nó theo đuổi Thảo Phương thật. Một thời gian dài nó tặng bông, tặng quà. Thi thoảng, nó tạo những bất ngờ nho nhỏ nhưng đầy lãng mạn. Thế là nhỏ sa lưới. Nhỏ e thẹn. Nhỏ liêu xiêu. Vài lần tôi bắt gặp hai đứa nó ở quán trà sữa, hay tay trong tay ở rạp chiếu phim. Mặt đứa nào cũng hớn hở mùa xuân. Tôi càng nghĩ càng tức. Rõ ràng nhỏ là địch mà thằng quân sư mê gái của tôi lại thành đôi với nhỏ. Đã thế, mỗi lần thấy mặt tôi, nó đều lải nhải: “Giờ ẻm đã là người của tao rồi, mày đừng bắt nạt ẻm đấy nhá”. Sầu não ngập lòng, tôi ra cửa ngồi tâm sự với Pudding. Ai dè nhỏ nghe thấy nên thò đầu sang ghẹo:
- Ế quá cũng đừng làm liều chứ.
- Hờ. Bà nên tự lo lấy cái thân đi. Kẻo một ngày tôi trèo qua gặp mẹ bà để tâm sự mỏng đấy.
- What??? Đồ hớt lẻo xấu tính - nhỏ bỏ về một mạch.
“Hừ! Anh đây chống mắt lên chờ ngày mi bị sút văng ra ngoài trái đất. Thứ con gái khó ưa!”.
* * *
Không biết do tôi thiêng hay do trời xanh có mắt mà Bảo đá Thảo Phương thật. Đó là một ngày đẹp trời, Thảo Phương thấy Bảo nắm tay con nhỏ lớp bên. Hai đứa nó cãi một trận nảy lửa. Nhỏ tát thằng Bảo một phát. Nó nói gì đó rồi bỏ đi. Tôi đoán là câu chia tay, vì nửa đêm, tôi thấy nhỏ đứng trên ban công khóc thút thít. Tôi lén lên ban công nhà mình ngó sang. Nhỏ ôm gối ngồi thu lu một góc, gục đầu, cố nén những tiếng nấc. Tự dưng lòng tôi khó chịu. Buồn cười thật đấy. Đáng lẽ ra giờ tôi phải vui vì địch đã gặp nạn kia chứ. Cớ sao lại khó chịu thế này? Chờ nhỏ rời ban công, tôi bấm máy gọi cho Bảo.
- Alo. Đêm rồi! Có chuyện gì để mai hẵng nói - giọng Bảo ngái ngủ.
- Mày là một thằng tồi!
Tôi gằn giọng. Bảo ngơ ra một lúc rồi mới hiểu tôi đang nói đến chuyện nó cắm sừng Thảo Phương. Nó cười nhạo:
- Sao thế? Thương ẻm à? Thương thì hốt đi!
- Thằng khốn nạn. Mai tao sẽ xử mày.
Tôi cúp máy. Sững sờ khi thấy nhỏ vẫn đứng ở ban công trừng trừng nhìn tôi.
- Ờ... ờ... vẫn chưa đi à?
- …
- Sao thế? Bị sừng đâm ngu người luôn rồi à?
- Cảm ơn ông! Trần Phong.
Nhỏ nhoẻn miệng cười. Dưới ánh sáng yếu ớt của mặt trăng, nụ cười ấy rơi thẳng vào tim tôi.
CÁO SA MẠC - Minh họa: THÀNH PHÁT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận