Truyện ngắn Mực Tím: Thêu cho tớ một con mèo

Thứ ba, 23/08/2022 09:40 (GMT+7)

Xe buýt hôm nay không đông lắm. Tôi bước lên xe nhìn quanh một lượt rồi dừng lại ở chiếc ghế trống bên cạnh Lam. Lam không nhận ra sự có mặt của tôi. Bạn ấy đang chăm chú xem một cuốn tạp chí nước ngoài, có mấy trang hướng dẫn làm đồ thủ công. Khi xe lăn bánh, Lam nhìn ra cửa sổ vài giây, sau đó lại chúi mũi vào trang báo.

Tôi để ý đến chiếc dây cột tóc trên cổ tay Lam. Dây cột tóc màu hồng nhạt thêu những cụm hoa vàng. Lam đeo như một chiếc vòng tay trang trí, nom rất xinh. Tự dưng tôi buột miệng hỏi:

“Cậu mua dây cột tóc ở đâu vậy?”.

Lam rời mắt khỏi cuốn tạp chí, quay sang nhìn tôi một cách khó hiểu. Tôi ngớ ra, sượng sùng sờ lên mái đầu húi cua. Trời ơi, mình là con trai mà quan tâm tới dây cột tóc hỏi sao Lam không thắc mắc. Có khi Lam nghĩ tôi mua tặng bạn gái cũng nên. Vậy thì oan cho tôi quá! Tôi vội chữa cháy:

“Tớ thấy đẹp nên định mua tặng mẹ”.

Lam gật đầu nhè nhẹ như đã hiểu. Bạn ấy xoay xoay cổ tay cho tôi nhìn rõ chiếc dây cột tóc.

“Cái này tớ tự làm. Mấy hôm trước tớ tham gia một workshop, ở đó người ta hướng dẫn cách thêu và may dây cột tóc. Tớ mới tập tành nên còn vụng lắm, nhưng mà cảm ơn cậu đã khen”.

“Tớ thấy đẹp, thật đó”.

Lam cười, đuôi mắt nheo nheo hạnh phúc. Bạn ấy không có vẻ gì là kiêu căng và khó gần như lời đồn thổi của đám bạn trong lớp.

* * *

Lam học trội các môn khối xã hội. Các bài văn nghị luận của bạn ấy thường được đọc lên trước lớp vì luận điểm rõ ràng, lí lẽ thuyết phục và sáng tạo. Đối với môn Sử, Lam có thể ghi nhớ các sự kiện xa lắc xa lơ một cách cực kì chính xác. Tôi cứ tưởng Lam sẽ đi thi học sinh giỏi Văn hoặc Sử, nhưng bạn ấy từ chối cả hai đội tuyển. Lam giải thích ngắn gọn:

“Tớ không hợp với thi thố cho lắm”.

Có lẽ vì thế mà Lam bị nhận xét là kiêu căng. Tôi hơi tiếc cho bạn ấy, nếu đi thi có giải quốc gia thì sẽ được tuyển thẳng vào đại học, mà với khả năng của Lam thì cơ hội đạt giải không hề nhỏ. Lam nói với tôi, bạn ấy học Sử để luyện trí nhớ, vì bộ não cũng
cần được luyện tập giống như cơ bắp. Môn Văn thì khác, bạn ấy không cần phải nỗ lực nhiều để viết, câu chữ cứ thế tự nhiên tuôn ra. Nếu vào đội tuyển, bạn ấy sẽ phải học để đua tranh, như thế thì mất vui đi. Tôi tò mò:

“Sang năm cậu định thi ngành gì?”.

“Tớ chưa biết, ba muốn tớ học kinh tế để sau này về làm cho công ti gia đình. Mẹ bảo tớ không thích kinh tế thì học luật, cũng là để giúp ích cho công ti. Tớ chưa biết phải nghe ai”.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên.

Tương lai của Lam, sao bạn ấy không tự quyết định? Ba mẹ tôi không bao giờ can thiệp vào việc chọn nghề của tôi. Khi tôi nói mình thích công nghệ thông tin, ba chỉ hỏi là muốn học trong nước hay đi du học. Mẹ để dành tiền mua tặng tôi một chiếc máy tính xịn. Đó là cách gia đình ủng hộ lựa chọn của tôi. Tôi nói với Lam:

“Sao cậu không nghe trái tim cậu mách bảo?”.

“Trái tim tớ ư? Tớ không thực sự đam mê ngành nào cả”.

“Có chứ, cậu chưa chịu khám phá bản thân đó thôi. Nếu cậu thích đi phượt thì có thể làm blogger du lịch. Nếu cậu thích ăn ngon thì làm food reviewer, thích phối đồ thì làm stylist tư vấn trang phục cho người khác. Có rất nhiều ngành nghề cho tụi mình chọn mà. Cậu thích làm gì nhất?”.

Lam không trả lời câu hỏi của tôi. Bạn ấy nhìn ra cửa sổ, đăm chiêu suy nghĩ.

* * *

Vừa tới lớp, Lam đi thẳng đến chỗ tôi với nụ cười bí ẩn:

“Cho cậu xem cái này nè!”.

Lam lôi từ trong cặp ra một túi giấy, trong túi là bộ dụng cụ thêu tay. Những tép chỉ thêu nhiều màu sắc, những tấm vải tập thêu, kim và gối cắm kim, kéo cắt chỉ và khung thêu được làm từ gỗ. Lam hồ hởi giới thiệu từng món đồ với tôi. Cái này để làm gì, cái kia để làm gì. Tôi nghe như nước chảy lá khoai nhưng vẫn vui lây với Lam. Đôi mắt bạn ấy lấp lánh rạng ngời.

“Cậu thấy tuyệt không? Tớ sẽ làm ra tỉ thứ xinh đẹp từ đống này. Chờ tớ luyện tập một thời gian rồi tớ sẽ thêu dây cột tóc tặng mẹ cậu”.

Lam vẫn còn nhớ câu nói vu vơ của tôi. Điều đó khiến trái tim tôi nảy lên một nhịp.

Tôi ái ngại hỏi:

“Có phiền cậu quá không?”.

Lam xua tay:

“Bạn bè mà phiền gì!”.

Chừng nửa tháng sau, Lam dúi vào tay tôi một hộp quà được gói ghém cẩn thận. Bên trong là dây cột tóc, nơ thêu và kẹp thêu. Món nào cũng được trau chuốt từng đường kim mũi chỉ. Mẹ tôi thích lắm. Các cô đồng nghiệp thấy mẹ tôi đeo đi làm cũng hỏi địa chỉ để mua. Lam không định biến việc thêu thùa thành kinh doanh, nhưng sản phẩm làm ra có người dùng thì vẫn thích hơn tự ngắm một mình. Vì thế bạn ấy nhận thêu cho một vài người quen với mức giá dễ chịu, đủ để uống trà sữa và mua tạp chí.

Tôi đã thấy dáng vẻ của Lam khi thêu. Bạn ấy hí hoáy vẽ hình lên vải, sau đó chọn màu chỉ thêu và phối màu sao cho hài hòa.

Chiếc lá thêu màu xanh, nghe thì đơn giản nhưng có tới hàng chục tép chỉ màu xanh với các sắc độ khác nhau. Bông hoa màu tím
cũng có hàng chục tép chỉ từ tím nhạt đến tím đậm. Lam thử đặt các tép chỉ cạnh nhau, lắc đầu, thay tép này bằng tép kia. Màu chỉ hợp nhau là một nhẽ, màu chỉ còn phải hợp với cả màu vải nền. Sau cùng Lam mới bắt đầu thêu. Những ngón tay thuôn dài nhẹ nhàng đưa kim lên xuống.

Lam làm việc chăm chú, mải mê, cẩn thận từng li từng tí. Khi kết thúc một mũi thêu, bạn ấy dừng lại nhìn ngắm giây lát, khẽ nở nụ cười, rồi lại tiếp tục mũi thêu khác. Tôi rất thích dáng vẻ đó của Lam. Tôi nhận xét:

“Cậu thích thêu lắm thì phải? Tớ thấy cậu làm say sưa như quên hết xung quanh”.

Lam gật đầu:

“Ừ, khi thêu tớ thấy đầu óc thoải mái, tinh thần vui vẻ. Giống như nằm ngủ dưới tán cây hoặc đi bơi mùa hè vậy đó, thêu thùa khiến tớ hạnh phúc”.

* * *

Niềm vui của Lam không kéo dài lâu. Mẹ Lam phát hiện ra bộ dụng cụ thêu giấu dưới ngăn bàn. Chiều hôm ấy đi học về, Lam cảm nhận được không khí nặng nề khi bước vào nhà. Ba mẹ Lam khoanh tay ngồi đợi bạn ấy ở phòng khách. Khung thêu, chỉ thêu và những dụng cụ khác nằm lộn xộn trên bàn.

Ba Lam lên tiếng:

“Con giải thích xem nào”.

Mẹ Lam tiếp lời:

“Con quên là sang năm phải thi đại học à? Sao không tập trung vào sách vở mà lại làm mấy việc tào lao vậy hả?”.

Lam rơm rớm nước mắt. Bạn ấy cố gắng diễn tả cảm giác hạnh phúc khi được thêu, nhưng phụ huynh lập tức gạt đi. Người trẻ phải có tương lai sự nghiệp, phải trở thành ai đó nọ kia trong xã hội chứ không nên ru rú góc nhà với kim chỉ vải vóc. Ba Lam thích đá bóng sau giờ làm. Mẹ Lam thích nấu những món ăn ngon. Nhưng họ không trở thành cầu thủ bóng đá hay đầu bếp chuyên nghiệp. Họ làm việc để kiếm tiền và giữ những sở thích như thú vui giúp cân bằng cuộc sống, có thế thôi.

Lí lẽ của người lớn hợp lí đến mức Lam không phản bác được. Ba mẹ cấm Lam không được đụng đến kim chỉ cho tới khi thi xong đại học. Lam kể lại chuyện đó với tôi bằng vẻ mặt rầu rĩ. Có phải theo đuổi điều mình thích là ngớ ngẩn, bồng bột? Có phải lớn lên là ít vui đi? Tôi không biết phải an ủi Lam thế nào, chỉ có thể ngồi bên cạnh nghe bạn ấy trút hết những ấm ức trong lòng.

* * *

Có một chuyện bất ngờ xảy ra khiến ba mẹ Lam thay đổi ý kiến. Công ti của ba Lam sắp tiếp đón một đoàn khách từ châu Âu sang bàn kí hợp đồng. Lam nghe ba mẹ bàn bạc về việc tặng quà gì cho khách, cà phê hay một loại đặc sản nào đó khác? Ba Lam muốn món quà phải thật đặc biệt. Lam rụt rè đề xuất:

“Hay để con thêu tặng mỗi người một chiếc khăn tay?”.

Mẹ Lam cằn nhằn:

“Thời đại này người ta dùng khăn giấy cho tiện, mấy ai dùng khăn tay. Mẹ đã nói con không được đụng đến kim chỉ cơ mà”.

“Con thấy dùng khăn giấy hại môi trường lắm. Khăn tay có thể tái sử dụng nhiều lần. Những người yêu môi trường sẽ thích khăn tay. Với lại con sẽ thêu thật độc đáo để mỗi chiếc khăn tay là duy nhất. Khăn tặng các cô thì thêu hoa lá, chó mèo. Khăn tặng các chú thì thêu hình hạt cà phê, quả bóng hoặc li bia”.

Ba Lam bị thuyết phục trước ý tưởng của con gái. Ông đồng ý cho Lam thử sức. Lam rủ tôi đi chợ vải chọn mua loại vải thấm hút mồ hôi tốt, mềm mại với da tay.

Bạn ấy làm mọi việc bằng sự tận tâm, bằng cả trái tim chân thành. Vào cái ngày ba Lam đem quà đi tặng, Lam bồn chồn không yên. Liệu đối tác của ba có thích hay không? Lam chỉ thực sự nhẹ nhõm khi ba bạn ấy trở về với vẻ mặt rạng rỡ, nói rằng khăn tay đúng là món quà độc đáo. Các cô chú nhận quà xong tấm tắc khen vì đồ thủ công đẹp quá.

Ba mẹ Lam đồng ý cho bạn ấy gap year để làm điều mình thích. Nếu sau một năm mà Lam vẫn giữ được niềm đam mê với thêu thùa thì bạn ấy cứ việc tiếp tục, còn không thì phải vào đại học theo ý của ba mẹ. Tất nhiên Lam không có gì để phàn nàn.

Lam được sắm cho một chiếc máy may và sắp xếp lại phòng riêng để có được góc thêu thùa ưng ý. Bạn ấy lên kế hoạch xây dựng thương hiệu, tận dụng mạng xã hội để quảng cáo. Chẳng ai biết tương lai thế nào, tiệm thêu của Lam sẽ thành công hay thất bại, chỉ biết lúc này Lam đang hạnh phúc. Tôi mua một chiếc áo thun để “khai trương” tiệm thêu của Lam.

“Thêu cho tớ một con mèo lên túi áo, được không?”.

“Tất nhiên là được, thưa quý khách!”, Lam cười toe toét.

Tôi mong mọi điều tốt lành đến với Lam. Mong bạn ấy bước đi trên con đường riêng với trái tim đầy ắp niềm vui.

NHIÊN PHƯỢNG - Minh họa: THÀNH PHÁT

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: