Truyện ngắn Mực Tím: Trạm của tôi

Thứ năm, 13/04/2023 10:33 (GMT+7)

Khoảng thời gian mẹ nhập viện, ngày nào tôi cũng chật vật chạy từ trường về nhà, rồi mang cơm lên viện 103 cho mẹ và em gái. Sau đó, tôi không có thời gian nghỉ ngơi mà phi một mạch tới chỗ làm thêm. Nào là tiền viện phí, tiền học và đủ thứ tiền lặt vặt khác. Tôi không có bố, mẹ là lao động chính trong nhà.

Có những tối không kịp ăn uống gì, chỉ tạt qua 39 phố Hàng Bông làm một li espresso ấm. Mùa đông, gió tạt vào mặt nghe rát và buốt, đôi mắt lờ đờ vì thiếu ngủ, cầm li espresso mà nghe bàn tay run nhẹ. Cà phê ở Trạm đã cứu vớt tôi trong những ngày như thế.

Tôi đã uống cà phê ở rất nhiều nơi nhưng vị đặc biệt nhất thì chỉ ở Trạm mới có. Không phải thứ thức uống ngon nhất, đắt tiền nhất, nhưng những gì tôi hình dung về nó luôn thật đặc biệt. Trạm có tông màu be ấm cúng, vài ba chùm đèn xinh xắn treo trên trần. Ông chủ là một người ngoài ba mươi tuổi (tôi được nghe kể thế), hồi trước là du học sinh bên Đức nhưng sau này lại trở về Việt Nam mở quán cà phê. Anh pha chế của quán thì đeo rất nhiều khuyên bên tai trái, tóc màu nâu rũ xuống che cả mắt nhưng không bao giờ cắt. Còn chạy bàn, bưng bê tính tiền đều do một cô bạn chắc cũng đang học cấp ba đảm nhiệm. Nghe nói cũng là họ hàng với chủ quán.

Anh pha chế thì lần nào tôi ghé cũng có mặt, chủ quán thì vài lần trong một tuần, cô bạn chạy bàn thì chỉ có buổi tối mới gặp. Tôi chỉ biết tên anh pha chế. Anh tên Hoàng. Mọi người hay gọi là Bi Hoàng vì anh bảo: “Ngày còn bé anh toàn bán bi để kiếm sống” làm tôi cười ngặt nghẽo. Anh hay pha espresso cho tôi bằng loại Arabica Bourbon và thường nói nhỏ với tôi: “Anh quý mày lắm nên mới ưu tiên đấy nhé. Chứ người khác toàn Robusta thôi đấy”. Tôi bật cười, lần nào cũng trả thêm tiền cho li espresso của mình.

Có mấy ngày bận rộn quá, tôi chỉ ghé được vào mỗi cuối tuần. Y như rằng hôm ấy anh Hoàng sẽ hỏi tôi liên tục: “Đi đâu thế? Làm gì thế? Sao mấy hôm liền không đến thế?” và còn khuyến mãi thêm cả sinh tố. Bé chạy bàn chỉ đứng một góc hóng hớt còn anh chủ quán sẽ lẳng lặng cho tôi một túi xoài. Luôn luôn là hai quả. Mọi người có vẻ quý tôi. Mỗi lần tôi hỏi lí do thì toàn bị vặn ngược lại:

- Thế sao mày cứ đến đây suốt? Cà phê ở mấy hàng quanh đây 50 mét còn ngon hơn ấy chứ!

Tôi nhíu này, hớp một ngụm espresso và cảm nhận rõ vị cà phê trôi xuống cổ họng rồi mới thong dong đáp lời:

- Tại vì... em lỡ nghiện espresso ở đây rồi!

Hoàng cười rồi hắng giọng:

- Thì... cũng vì mày là đứa duy nhất hay lui tới đây đấy.

Bỗng dưng câu trả lời làm tôi thấy buồn. Tôi ít khi kể về cuộc sống của mình với người khác, mà bạn bè thì tôi không có. Thế nên nếu có ai đó nói với tôi những điều mà ý của họ là họ quan tâm và quý mến tôi, tôi đều thấy cảm động và vô cùng trân trọng.

Hôm nay, cũng vẫn là một ngày mệt mỏi như bao ngày. Tôi mang cơm và vài bộ quần áo đến viện để chăm sóc mẹ thay em gái. Hôm nay tôi được nghỉ ca tối. Trước khi ghé qua viện, tôi vẫn tạt qua Trạm để tự thưởng cho mình một espresso ấm đựng trong cốc giấy. Anh chủ quán dúi vào tay tôi một túi hoa quả và vài vỉ sữa Cô Gái Hà Lan. Thùy, cô bạn chạy bàn che cái khay gỗ đến nửa mặt thỏ thẻ:

- Đây là chút quà mọi người biếu mẹ chị!

Tôi trố mắt:

- Sao mọi người biết chuyện mẹ mình nằm viện?

Anh Hoàng mấp máy môi định trả lời thì Thùy đã nhanh nhảu:

- Là vì hôm trước anh Trung chủ quán đi thăm người quen ở bệnh viện trông thấy chị đấy!

Tôi mỉm cười, sự mệt mỏi gần như bay biến sạch.

- Bao giờ mẹ chị xuất viện ạ?

- Chắc khoảng hai tuần nữa.

Trước khi tôi ra đến cửa, Thùy bảo tôi: “Cố lên chị nhé!” và bật ngón cái với tôi. Nụ cười của Thùy làm tôi cảm thấy được an ủi hơn nhiều. Tôi bình tâm, tiến ra cửa sau khi khoang phổi đã được lấp đầy mùi cà phê thơm nức.

Hai tuần cuối cùng đó hóa ra lại là hai tuần bận rộn nhất đời tôi. Tôi bận tối mắt tối mũi. Cuối tháng, có nhiều khoản cần phải chi trả. Tôi ngủ khoảng bốn tiếng một ngày vì những bài viết cần phải dịch đang dồn đống. Không có thời gian ghé qua Trạm nữa vì bệnh dạ dày trở nặng, tôi không uống được cà phê và phải ăn uống lành mạnh hơn. Đến khi xử lí xong xuôi thì cũng là lúc mẹ tôi xuất viện. Tạm thở phào, hai tuần trôi qua cái vèo.

Tôi thấy nhớ cái thứ nước đắng thơm nồng của Trạm kinh khủng, nhớ da diết. Đợi tới cuối tuần, sáng bảnh mắt đã chạy vội lên số 39 Hàng Bông. Trạm lại chào đón như mọi lần. Tôi mở cửa, cả một khoảng không gian chìm trong mùi cà phê rang thơm nức. Tôi tiến thẳng tới quầy pha chế. Anh Hoàng trông thấy tôi, nở một nụ cười dịu dàng chưa bao giờ có và bảo:

- Nay anh mời em li cuối nhé!

Tim tôi như hụt mất một nhịp. Lần đầu tiên tôi thấy giọng mình lo lắng đến thế.

- Sao lại thế hả anh?

Anh vẫn đổ cà phê vào phin. Trong lúc thao tác, anh kể với tôi bằng giọng điệu rất buồn:

- Bọn anh kinh doanh thua lỗ. Giờ không gánh nổi tiền thuê mặt bằng, chủ cũng muốn đòi lại chỗ này. Chẳng còn cách nào khác...

- Thế mọi người đi mất, Trạm cũng đóng cửa luôn hả anh?

- Ừ. Anh nghe bảo người ta đang có ý định nhượng lại để mở quán nhậu hay sao ấy.

Tôi im lặng. Hoàng cũng im lặng. Thùy và anh Trung hôm nay không tới. Khoảng không lúc đấy giờ như chìm sâu trong im lặng. Chỉ còn tiếng cà phê nhỏ giọt phát ra từ máy pha phin.

- Vậy... mọi người tính làm gì tiếp theo?

Hoàng rời khỏi đống việc đang dở tay. Nhìn xuống cái bảng tên đeo ở ngực trái.

- Thùy đương nhiên là sẽ học tiếp rồi. Ông Trung chắc an phận đi lấy vợ thôi. Anh thì... không làm một thằng pha chế, anh chẳng biết phải làm gì cả.

Tôi đón lấy li espresso cuối cùng ở Trạm từ tay anh. Đó là li cà phê đắng nhất từ trước tới giờ mà tôi từng uống. Rồi tôi biết phải đi đến đâu để lại được uống một li espresso có vị đặc biệt như thế này đây.

Ngày cuối cùng, mọi người tạt qua lần nữa nhìn ngắm lại mọi thứ trước khi bên vận chuyển tới dọn đồ. Tôi cũng có mặt ở đấy. Anh Trung lại dúi vào tay tôi những quả xoài vàng ươm. Thùy cứ ngồi nhìn cái góc mà em hay đứng tính tiền mãi, rồi thở dài thườn thượt. Hoàng chỉ im lặng, nhìn những món đồ pha chế rồi miết ngón tay lên chúng. Chẳng riêng gì ai, tôi cũng lưu luyến Trạm vô cùng. Bởi đây là chốn duy nhất cứu vớt tôi trong những ngày khó khăn.

* * *

Mùa hè.

Đã bốn tháng kể từ khi Trạm được thay thế bằng một quán bia hơi. Ghế nhựa tràn lan cả ra đường. Thỉnh thoảng, tôi vẫn tạt qua con đường quen thuộc ấy chỉ để nhìn Trạm của tôi đổi thay từng ngày.

Tôi vẫn giữ liên lạc với mọi người trong quán, thân thiết nhất chắc là anh Hoàng. Anh trở thành barista của một quán cà phê khác. Tôi cũng trở thành khách quen của quán từ khi đó. Nhưng vị espresso ở Trạm đúng là độc nhất vô nhị. Có lẽ nó đặc biệt là bởi đã xuất hiện vào những ngày tháng khó khăn ấy.

Tôi nhìn vào khoảng không trước mặt, tấm bảng gỗ nhỏ màu nâu không còn ở đó nữa.

Tạm biệt, những ngày đặc biệt ở Trạm.

Tạm biệt, Trạm của tôi.

PHẠM HỒNG ANH - Minh họa: THÀNH PHÁT

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: