Truyện ngắn: Trong lòng nuôi một chú cá mèo

Thứ bảy, 30/01/2021 19:26 (GMT+7)

1.

Một ngày đầu năm.

Chẳng hiểu vì lí do gì, tôi lại muốn chạm vào chiếc cần câu đã cũ kia thêm một lần. Có phải là vì lòng đã ôm nhiều nỗi chán chường, hay là bởi, tôi cần tìm một điều để sống giữa thế gian rộng lớn.

Sống lay lắt như một chiếc lá vàng cũng là sống, chạy nhảy trên đồng như một chú chó mực cũng là thú vui tao nhã của những kẻ yêu đời. Chúng ta, nói một cách đại khái, đều đang sống khi mà lồng ngực vẫn còn co thắt từng cơn, chẳng ngơi nghỉ để lãng phí từng khắc ngắn ngủi.

Vì thế, tôi cho rằng câu cá cũng là một cách sống vui nhộn.

Nghĩ là làm, một hôm trời quang mây tạnh, tay xách chiếc cần câu đã bạc màu, tìm ra đại dương sóng vỗ. Một tay cầm chiếc cần câu thả vào nước lạnh, tay kia bận vuốt lại từng nếp áo cho thẳng thóm.

Câu được một người bạn, ăn mặc lịch sự chính là điều tối thiểu trong lần gặp đầu tiên.

Tôi đang nghĩ về một con sứa nhỏ bồng bềnh, hay một bé mực to cỡ bàn tay. Nhưng khi sợi dây có dấu hiệu động đậy, tôi bỗng phát hiện mình câu được một con cá mèo. Lúc đó, lại đột nhiên nghĩ rằng một con cá mòi đôi khi còn dễ coi hơn.

Con người là như vậy, sao có thể hài lòng ngay với những điều ngẫu nhiên?

Nhưng suy tư một hồi lâu, tôi cũng học cách chấp nhận người bạn mới với cái tên đáng yêu này. Cá và mèo, chắc hẳn đây là một giống loài vừa kiêu kì vừa ích kỉ.

Nhà bạn tôi có nuôi một chú mèo trắng như phần thịt của trái măng cụt, ngày ngày nằm trước hiên nhà chờ nắng trò chuyện, bất kì ai khác, kể cả cậu chủ cũng chẳng màng đến. Tôi lại nghĩ rằng: “Chắc hẳn đây là một kiểu người chung tình, nhất kiến thành tâm, ai cũng không để vào mắt trừ nàng”. Nhưng vài ngày sau, tôi lại thấy chú ve vãn những nàng mèo trên mái tôn. Lúc trước, nhà tôi cũng có nuôi cá bảy màu, cá vàng chim sa hột lựu, lại thêm vài con tôi chẳng nhớ rõ tên. Tôi chỉ biết, mỗi lần rắc thức ăn vào bể kính, phải nhắm chừng để rắc đúng địa bàn của mỗi loài. Nếu không, sẽ có đứa ăn nhiều quá mà chết, lại có đứa bị giành ăn, đói quá thành ra teo tóp.

Nối liền hai câu chuyện lại với nhau, chắc hẳn sẽ ra chuyện của một con cá mèo, hoặc có thể là chuyện của cả tôi.

2.

Con cá mèo này sống ở đại dương đã được mười năm tròn, nay phiêu lạc vào thế giới loài người để tâm sự cùng tôi. Nó bảo mình quá cô đơn, không con cá nhỏ nào muốn chơi cùng mặc dù nó đã kiêng ăn thịt từ lâu.

Cá mèo có một cái tên rất lạ, nhưng nghe nhiều vẫn khó nhớ, không thể để trong lòng, nên mặc dù ở cùng vài ngày, tôi vẫn không nhớ được tên. Nhà của nó lại ở cách xa nơi ở của những loài cá khác, một mình một cõi, ngày đêm ngắm trăng hay sẽ đi tìm rong biển ăn giải khuây. Có lần đến lớp, cá mèo mang theo một hũ rong vốn để làm quen với mọi người, lại bị hiểu nhầm thành thịt cá để lâu. Từ đó, không ai dám lại gần.

Nhưng liệu rằng, lí do để mọi người cô lập nó, chỉ là vì một hũ rong ngớ ngẩn?

Bởi đem rong làm quà vặt, vốn chẳng phải chuyện lạ, nhiều con cá khác cũng mang vào, cớ sao chỉ một mình cá mèo bị đặt điều. Chỉ là, cá mèo đáng thương không biết rằng, hình ảnh của nó trong mắt người đời đã méo mó từ lâu. Giờ đây, muốn làm bạn là điều không thể. Dù nó có cố gắng thay đổi, cũng chẳng thể cứu vãn.

Cá mèo sụt sùi một hồi, chẳng hiểu thế nào, tôi cũng rơi nước mắt theo.

3.

Tôi cùng cá mèo, một người một cá lên đường ngao du. Tôi bỏ nó vào một chiếc hũ to trong suốt, ôm theo đi khắp thế gian. Cá mèo đưa tôi đi đến thủy cung của loài người, dọc đường nó như một người hướng dẫn viên sành điệu, luôn miệng giới thiệu tôi nghe tên của từng loài, nghe về quê nhà mênh mông của nó nằm ở tít xa kia. Nó nói hăng say lắm, như thể, mỗi loài cá ở đó đều là bạn, là anh chị, còn quê hương là một mái nhà.

Đại dương có một đứa con hiếu thảo như thế, nỡ lòng nào để cá mèo từng cô độc mấy năm qua.

Cá mèo kể đôi lúc có một con rùa già trôi theo dòng nước hay một con cá trích thoát khỏi tay đánh bắt cũng sẽ dừng lại để hỏi đường và trò chuyện vài câu với nó. Nó cười khoái chí, đến nỗi hai cọng râu dài quơ loạn xạ.

Chúng tôi băng qua những con kênh dài, đi đến sông rồi lại ra bể. Ngồi ngắm mặt trời lặn xuống nước, tán gẫu vài câu chuyện vui buồn. Không ngờ có một ngày, tôi lại nói chuyện với một con cá, lại còn nói đến hăng say, quên cả giờ về nhà. Chúng tôi, hai con người chung một nỗi đau, nói đến đâu cũng không hết chuyện. Tối đó tôi ngủ cùng cá mèo.

Mơ màng thế nào đó lại nhớ về những điều đã cũ.

Tôi nhớ có một lần đang đi dạo phố để mua vài giống hạt mới, bỗng nhiên lại thấy bên trong một quán thịt nướng cửa kính, những người bạn cùng lớp và có cả cô giáo chủ nhiệm vui vẻ cụng li. Lúc ấy, lại thấy như mình đang xem một bộ phim tua chậm, từ từ khắc vào tâm trí, mãi không nguôi. Chân như bị ghìm chặt vào đất, đứng đó đến khi hạt mưa đầu tiên chạm đất mới chạy thật nhanh về nhà.

Nhà tôi làm nghề nông, bởi thế nên những chiếc áo đồng phục thay vì trắng tinh tươm lại có màu ngà ngà, vài chỗ còn dính gì đó giặt chẳng ra.

Ba tôi hay chở tôi cùng đám rau củ trên một chiếc xe cỡ bự, đến trường mỗi sáng sớm. Ngày đầu đi học tôi phấn khởi lắm, cùng lũ cà rốt trò chuyện suốt cả quãng đường, đến khi đã tới nơi, còn muốn giấu vài củ vào lớp tặng bạn bè. Nhưng từ lúc bước vào cổng đến khi ngồi vào bàn học, chẳng ai đáp lại lời chào nồng nhiệt của tôi. Họ dành tặng tôi một ánh mắt khó hiểu, bây giờ nghĩ lại, tôi cũng cảm thấy khó hiểu với chính mình, lại có thể ngây ngốc đối đãi thật tâm với họ suốt một thời gian dài.

Về sau gia đình làm ăn thuận lợi, ai ở đó cũng phải tìm đến nhà tôi mua rau củ. Nhưng bàn cạnh tôi luôn không có ai ngồi.

4.

Sáng hôm sau tôi đạp xe đến nhà sách, nghĩ trong bụng muốn mua vài quyển đọc cho hết mùa thu, đang thất thần chọn lựa thì đụng phải một người.

Là người bạn học cùng lớp với tôi khi trước, Khánh. Cậu ấy vẫn như cũ, dành tặng tôi một nụ cười tươi rói, còn hỏi tôi dạo này thế nào. Cớ sao những chuyện đã qua, lại chảy về trong đầu tôi như nước biển mặn chát.

Ngày đầu tiên của năm học cuối cùng, Khánh chuyển vào ngôi trường làng của tôi. Cậu ấy hỏi bàn cạnh tôi có trống không, tôi định gật đầu bảo có, lại nhớ về người bạn lúc trước ngồi cùng mình một ngày rồi chuyển đi, tự nhiên thế nào lại lắc đầu. Mỗi ngày, chúng tôi vô tình gặp nhau ở tiệm hoa dì tôi trồng, cậu ấy làm thêm ở đó vì yêu cây cỏ, tôi lại chực chờ ở đó hòng xin vài chậu hoa hỏng. Vô tình lại thành thói quen, khi không có khách, chúng tôi ngồi cùng nhau giữa một đám hoa mười giờ, cười đùa.

Khánh thích ăn củ cải mặn, lại ghét cà rốt nên có đôi khi ăn cơm cùng nhau, tôi phụ trách ăn hết cà rốt trong món xào cho cậu ấy. Ngược lại, có nhành hoa nào bị cắt đi nhưng vẫn còn đẹp, Khánh giữ lại cho tôi. Chỉ là, lúc đứng ngoài phố nhìn cậu ấy ngồi cạnh cô chủ nhiệm cười nói, tôi bỗng không biết phải làm thế nào.

Đáp lại cậu ấy vài câu cụt lủn, tôi vội vàng đạp xe qua tiệm hoa của dì.

Tiệm hoa nhỏ lúc xưa giờ được trang hoàng hơn với cái tên “Lá Vàng”. Chiếc hũ đựng cá mèo được tôi để trên quầy thu ngân, cạnh hai cây xương rồng đáng yêu. Dì rất thích cá mèo, có lẽ nó thừa hưởng đặc tính may mắn giống mèo chiêu tài nên sáng giờ khách đến tấp nập. Tôi đùa rằng, tôi câu nó, giờ đổi thành nó câu những người khác.

Tay đang cầm trái táo cắn dở thì đột nhiên cửa tiệm mở ra, Khánh bước vào cùng một quyển sách minh họa tôi rất thích nhưng không có tiền mua.

“Cái này cho cậu, lâu rồi mới gặp được cậu đó”. Cậu ấy chìa quyển sách ra trước mặt, có vẻ hơi gấp gáp, cứ như sợ tôi sẽ đi đâu mất.

Dì tôi cũng bắt đầu phụ họa: “Hè con cứ chui rúc ở đâu, Khánh đến tiệm dì mỗi ngày tìm gặp mà chẳng thấy con đâu”. Tôi còn nhớ lúc đó tôi dặn đừng cho cậu ấy biết nhà tôi, giờ dì ấy lại kể ra tuốt khiến tôi chẳng thể trở tay, ngại ngùng đứng đó chẳng biết nên nhận quyển sách hay không.

Cuối cùng tôi cũng đành nhận, tay vừa chạm vào lại nghe Khánh hỏi một câu: “Sao hôm liên hoan cuối năm cậu không đến, mọi người chờ cậu mãi”.

Lúc đó, mặt đột nhiên nóng lên, như có lửa từ đâu ập tới, tôi vứt quyển sách cho Khánh, một tay ôm hũ cá mèo chạy vụt ra ngoài.

Mọi chuyện xảy ra trong phút chốc, đến khi bình tĩnh lại, đã thấy mình ngồi trước đại dương. Cá mèo ngập ngừng hỏi tôi, sao lại không thử nói chuyện với cậu ấy. Tôi im lặng, không đáp. Cá mèo lại tiếp tục nói về những con cá lúc trước, đúng là lúc đầu, không ai thèm nói chuyện với nó. Có điều sau đó, đứa cũng giúp trực nhật, đứa mời ăn vặt chung, nhưng cá mèo không dám trả lời. Nó lẩn trốn bởi vì sợ, đôi lúc, một con nhím buộc phải xù lông đã lâu, đột nhiên một ngày lại chẳng muốn thử thu gai nhọn lại nữa. Cá mèo quay qua nhìn tôi, vừa thở dài vừa an ủi.

Khánh đã đến từ lúc nào, cậu ấy ngồi xuống bên cạnh, sẵn tay đặt hũ cá mèo vào lòng, tay kia lại đưa tôi một tấm thiệp đã cũ.

Tôi mở tấm thiệp ra, thấy có ghi tên mình, lời nhắn từ cô giáo và vài người bạn, lại có địa điểm, thời gian của buổi liên hoan.

Tôi quay qua nhìn Khánh, cậu ấy giải thích rằng, ngày cuối cùng đi học, vốn là để phát thiệp dự liên hoan nhưng tôi lại nghỉ. Cậu ấy đem qua nhờ dì đưa cho tôi nhưng do dì bận rộn thế nào, tấm thiệp nằm trong hộc tủ quầy thu ngân hơn một năm trời.

Tôi nhìn biển một lúc lâu, để lòng được ấm lại sau chuỗi ngày mưa rào. Sau đó lại nghĩ gì, tôi đổ nước bên trong chiếc hũ vào đại dương. Cá mèo ngoi lên nhìn tôi một lúc, mỉm cười rồi quay về nhà.

Trong lòng nuôi một chú cá mèo đã lâu, cũng đến lúc thả về biển lớn rồi.

Tôi cùng Khánh vẫn cứ ngồi đó, cậu ấy đưa tôi quyển sách dày, lại như thế nào mà cầm luôn tay tôi một hồi, chẳng chịu buông. Chúng tôi ngồi đó cùng nhau, chẳng biết đã ngồi đến khi nào nhưng tôi nhớ là rất lâu.

HOÀNG LINH - Minh họa: THÀNH PHÁT

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: