Từng bị tai nạn, chàng trai quyết định tham gia tình nguyện vận chuyển F0

Thứ hai, 23/08/2021 13:47 (GMT+7)

Bất kể ngày đêm, nắng mưa, chỉ cần nhận được tin báo từ Trung tâm Y tế quận Bình Tân, anh Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 1997) lại đến nhà F0. Anh chưa bao giờ cho phép mình chậm trễ dù chỉ một lần.

“Còn 3 F0 ở quận Bình Tân”, dòng thông báo gửi vào nhóm tình nguyện viên. Phúc nhanh chóng trả lời: “Để em nhận cho”. Ngay lập tức, anh khoác áo bảo hộ, mang khẩu trang, cẩn thận kiểm tra lại khoang xe, xịt khử khuẩn.

Chiếc xe cấp cứu lao vun vút trong đêm, dừng trước con hẻm nhỏ. Nhân viên y tế nhanh chóng tiến vào bên trong ngôi nhà, lần lượt từng F0 được đưa ra. Ai cũng thấm mệt, ánh mắt đầy sự âu lo. “Có ngày, mình chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng”, Phúc kể. Những hôm cao điểm lấy mẫu, số lượng F0 tăng cao nên các anh em trong nhóm tình nguyện viên thay nhau chạy để đưa đón F0. Bữa ăn cũng diễn ra vội vàng trên xe, lúc là gói mì sống, khi thì hộp sữa, bánh mì ngọt… Miễn sao có sức chạy tiếp là được.

Anh Nguyễn Hoàng Phúc

Nhiều năm trước, Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 1997) từng gặp tai nạn giao thông trên đường. Tuy địa điểm gặp nạn cách bệnh viện không xa, nhưng không ai đưa anh vào bệnh viện cả. Tỉnh dậy, Phúc gọi người nhà và được vận chuyển đi cấp cứu. Sau lần đó, anh quyết định điền tên mình vào danh sách tình nguyện viên của nhóm SOS, cứu hộ cứu nạn vào ban đêm. Nhóm sẽ giúp đỡ những người đi đường bị bể bánh xe, hay gặp nạn giữa đêm khuya.

Khi COVID-19 bắt đầu bùng phát tại TP.HCM, lần lượt nhiều dịch vụ bị tạm ngưng hoạt động để đảm bảo công tác dịch bệnh. Phúc cũng dừng công việc lái taxi vào thời điểm đó. Không lâu sau, anh lần lượt chuyển hai chiếc xe của mình đến Trung tâm Y tế quận và tham gia công việc vận chuyển F0. “Từ lúc nhận điện thoại cho đến khi tới nhà bệnh nhân, mình luôn cố gắng di chuyển nhanh nhất có thể, tầm 15 – 20 phút, tùy vào độ xa gần”, anh Phúc nói.

Có thời gian cao điểm lấy mẫu, mỗi ngày nhóm phải vận chuyển từ 30-40 ca F0. Các tài xế phải thay phiên nhau chợp mắt vội vàng trên xe. Có hôm công việc kết thúc lúc 3 giờ đêm, nhưng 7 giờ sáng hôm sau nhóm đã phải có mặt để đưa đón các bạn sinh viên Huế vào TP.HCM chống dịch. Làm công việc này, Phúc chưa bao giờ cho phép mình được chậm trễ. Bởi đằng sau những cuộc gọi cầu cứu, là những F0 đang nguy kịch, cần được điều trị khẩn cấp. “Có lần, mình chuyển một cô lớn tuổi đang khó thở từ nhà đến Bệnh viện dã chiến thu dung. Tuy nhiên, cô trở nặng quá nhanh và đã mất khi xe vừa đến bệnh viện. Hình ảnh đó đã khiến mình buồn lắm. Tối đó mình gần như mất ngủ”, Phúc kể.

Đó là một trong những giây phút đau lòng nhất mà Phúc phải trải qua. Khi quyết định lên đường tham gia chống dịch, Phúc không rõ ngày mình sẽ trở về. Nhưng anh luôn tin rằng ngày trở về đó, sẽ chẳng còn bất kì chuyến xe cấp cứu F0 nào phải ngược xuôi giữa lòng thành phố.

Bài: THUẬN THẢO

Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: