Và sau đây, mời chiều cao lên bảng kiểm tra!

Thứ sáu, 20/01/2023 17:02 (GMT+7)

Bạn có biết, chiều cao cũng có thể kiểm tra? Không dừng lại ở mức độ đo đạt, các bác sĩ còn có thể đánh giá sự phát triển chiều cao của từng người bằng nhiều phương pháp khoa học. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân vì sao bạn không chịu cao và tìm hướng khắc phục.

Chụp X-Quang xương bàn tay để đánh giá tuổi xương.

VÌ SAO BẠN KHÔNG CHỊU CAO?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển chiều cao như: thiếu dinh dưỡng, ít vận động, ngủ không đủ giấc… Ngoài ra, còn có nguyên nhân bệnh lý như: suy thận, suy giáp bẩm sinh, rối loạn xương, hội chứng turner (ở con gái), thiếu hormone tăng trưởng (có tên là growth hormone, gọi tắt hormone GH)…

TẦM SOÁT CHIỀU CAO NHƯ THẾ NÀO?

Trước tiên, các bác sĩ sẽ đo chiều cao, cân nặng của bạn và so sánh với bảng tham chiếu chiều cao, cân nặng của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Nếu các chỉ số có kết quả <-2SD (nghĩa là chiều cao, cân nặng của bạn đang mức báo động và thấp hơn 2 bậc so với các bạn phát triển bình thường cùng trang lứa), bạn sẽ được làm các xét nghiệm tiếp theo như :

XÉT NGHIỆM MÁU để tìm các nguyên nhân thiếu hụt hormon như hormon tuyến giáp, growth hormon, các bệnh lý mạn tính như gan, thận, xương...

XÉT NGHIỆM NƯỚC TIỂU để đánh giá các bệnh lý thận.

CHỤP X-QUANG XƯƠNG BÀN TAY để xác định tuổi xương của bạn có đúng với tuổi thực tế hay không. Nếu tuổi xương nhỏ hoặc lớn hơn tuổi thực tế là 1, cũng có nghĩa bạn đang phát triển không bình thường và nên tìm hiểu nguyên nhân. So với các phương pháp dự đoán chiều cao như dựa vào chiều cao của ba mẹ, hoặc lấy chiều cao lúc 2 tuổi nhân đôi, đo kích thước bàn chân… thì phương pháp chụp hình X-Quang xương bàn tay để dự đoán chiều cao sẽ chính xác hơn. Thông thường khi chụp hình xương bàn tay, các bác sĩ sẽ chọn bàn tay không thuận của bạn vì bàn tay ít vận động sẽ cho ra tuổi xương chính xác hơn so với bàn tay thuận, vận động nhiều.

Ngoài ra, có trường hợp có thể làm thêm các xét nghiệm đặc biệt như: karyotype (nhiễm sắc thể đồ), xét nghiệm tìm đột biến gene để chẩn đoán hội chứng turner hoặc các hội chứng bất thường liên quan đến tình trạng thấp bé.

Đồng thời, để xác định cho đúng nguyên nhân vì sao bạn chậm tăng trưởng chiều cao so với tuổi và đưa ra hướng xử lý tiếp theo, bác sĩ sẽ hỏi một số câu tham khảo. Chẳng hạn: chiều cao, cân nặng của bạn lúc mới sinh ra, chế độ dinh dưỡng, sức khỏe của bạn từ nhỏ đến lớn ra sao, tiền sử gia đình (ba mẹ cao bao nhiêu, mẹ có bệnh gì không lúc mang thai bạn)…

KHI NÀO CẦN TẦM SOÁT CHIỀU CAO?

Khi có dấu hiệu thấp còi, giai đoạn tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao lý tưởng nhất là từ 2-7 tuổi. Tuy nhiên, có bạn đến 10 – 14 tuổi mới rõ các biểu hiện chậm phát triển như thấp hẳn so với bạn bè.

Ngoài ra, con gái 12-13 tuổi chưa nảy nở vòng 1, còn con trai 13-14 tuổi hai “hòn ngọc” vẫn tí hon. Trường hợp này có thể bạn đang mắc phải bệnh lý về nội tiết, chẳng hạn thiếu hormone tăng trưởng, mắc hội chứng turner. Thiếu hormone tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Nếu được phát hiện và điều trị đúng lúc, đúng liều sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng này.

NGUYỄN TÚ Với sự tư vấn của bác sĩ Trần Thị Bích Huyền (Khoa Thận-Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1)

TẦM SOÁT CHIỀU CAO Ở ĐÂU?

Quyết tâm được cao cũng là một trong những yếu tố quan trọng bên cạnh chế độ dinh dưỡng, vận động…

Bạn có thể đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Q.10) hoặc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5) để đăng ký tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao. Tùy theo trường hợp mà chi phí tư vấn, thăm khám của bạn dao động từ vài trăm đến khoảng 3 triệu đồng (nếu có làm xét nghiệm như máu, nước tiểu, chụp X-Quang…). Để đỡ tốn thời gian đi lại, trước khi đến khám, bạn nên gọi đến bệnh viện tìm hiểu lịch trình làm việc.

VÌ SAO ANH THUẬN NGUYỄN CAO THẾ?

Anh Thuận Nguyễn cao có…1,88m à!

Với chiều cao 1,88m, anh Thuận Nguyễn khiến nhiều người trầm trồ lẫn ngưỡng mộ. Bật mí về chiều cao của mình, anh cho biết anh đã bắt đầu đi bơi từ năm lớp 2 và rất thích bộ môn này. Bên cạnh đó, anh thường uống sữa. Năm lớp 6, 7, so với các bạn đồng trang lứa, anh vẫn còn thấp bé. Thế nhưng đến khoảng năm lớp 8, 9, anh cao nhảy vọt khiến bản thân anh và gia đình rất bất ngờ. Bởi lẽ, ở nhà anh đâu có ai cao như thế. Theo anh, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể thao chính là nền tảng cho chiều lý tưởng của anh nè!

Muốn cao cũng cần quyết tâm

Giai đoạn phát triển chiều cao của các bạn không đồng bộ. Có bạn giai đoạn tiền dậy thì, bạn khác trong giai đoạn dậy thì và thậm chí sau dậy thì. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với công việc huấn luyện tập thể dục thể thao tăng chiều cao cho hàng ngàn bạn, cô thấy ngoài dinh dưỡng, vận động môi trường sống…, còn có một yếu tố quan trọng khác quyết định bạn có thể cải thiện chiều cao được hay không. Đó chính là sự quyết tâm. Ngày nay, có rất nhiều thông tin để giúp các bạn phát triển chiều cao. Một số bạn còn được các chuyên gia đưa ra lộ trình phát triển từ chế độ dinh dưỡng, đến các bài tập vận động… Tuy nhiên, các bạn biết đấy nhưng không kiên trì, nghiêm túc thực hiện hoặc không chịu hợp tác cùng bố mẹ, chuyên gia thì sao cao như mong muốn được. Phải quyết tâm, nhiệt tình hợp tác và hành động nghiêm túc theo chỉ dẫn thì ước mơ chân dài của bạn mới có thể trở thành hiện thực nha!

CẢI THIỆN CHIỀU CAO BẰNG MỘT TỜ GIẤY

HLV Ngọc Tâm đang hướng dẫn các bạn bài tập cải thiện chiều cao bằng một tờ giấy

Bạn dùng hai tay cầm tờ giấy A4. Vươn hai tay qua khỏi đầu, còn chân dang rộng bằng vai, sau đó nhón chân hết cỡ. Động tác này mỗi ngày tập 3 lần, mỗi lần trong khoảng 2-3 phút.Quyết tâm tập nào!

Th.S Giáo dục Thể chất Nguyễn Ngọc Tâm (Người sáng lập Trung tâm Thể dục Bằng Tâm)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: