Văn hóa Việt Nhìn từ tiếng Việt

Thứ ba, 07/12/2021 15:44 (GMT+7)

Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà thơ, một nhà văn từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị...

CHƠI CHỮ CHANH CHUA CHAN CHÁT CHỮ

Xin nói thật lòng, đã từ lâu, tôi nghĩ rằng, đã người Việt nhưng chắc gì chúng ta... đã hiểu tiếng Việt? Có những từ đã sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó. Tất nhiên rồi, "Thời gian thay đổi tất cả. Không có lý do gì để ngôn ngữ thoát khỏi quy luật phổ biến đó", nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure (1857-1913) đã nói chí lý.

Điều này, ta thấy rất rõ khi đọc thành ngữ, tục ngữ, ca dao - vốn là trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời nọ. Trộm nghĩ đó là một cách "giữ của" tốt nhất đã có từ thời dựng nước - giữ nước, chứ không nhất thiết phải thể hiện trên giấy trắng mực đen, bia đá. Đất nước phải luôn đối đầu với nạn ngoại xâm, cha ông ta chọn lối truyền miệng sẽ không một kẻ thù nào có thể tước đoạt hoặc tiêu diệt nổi.

DÍCH DẮC DẶT DÌU DƯ DÍ DỎM

Thiết nghĩ, vào tháng 11.1999, khi UNESCO quyết định công bố: ngày 21.2 hằng năm là Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ, đây chính là khẳng định về sự bình đẳng ngôn ngữ của mọi dân tộc. Nhân kỷ niệm lần thứ nhất ngày ra đời sự kiện này, tại trụ sở UNESCO đã ghi câu: "Trong dải ngân hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao” - đã được dịch ra 64 thứ tiếng. Tiếp nhận một thông tin lý thú, hẳn chúng ta lại nghe vang vọng câu thơ ghi trên bức tranh của người Maori (New Zealand): "Tiếng nói, vật sở hữu quý giá nhất của tôi/ Tiếng nói, vật trìu mến của tôi/ Tiếng , nói, vật trang hoàng sáng giá của tôi”. Vâng, không một giá trị vật chất nào có thể sánh bằng. Và, chúng ta yêu lấy tiếng Việt/ tiếng ta, tiếng mẹ đẻ là một lẽ tự nhiên đã hình thành ngay từ trong máu thịt, từ lúc cất tiếng khóc oe oe lọt lòng mẹ. Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt, khi ta giữ lấy và yêu lấy cũng là một cách thể hiện tấm lòng yêu lấy non sông gấm vóc:

Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt

Tiếng ta tự tại tới trường tồn...

LƯỠI LƯƠN LẸO LẸ LÀNG LẮT LÉO

Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà thơ, một nhà văn từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị... Qua đó, sự học tiếng Việt trong suốt bốn mươi năm làm nghề viết lách đã giúp tôi tích lũy một ít kiến thức nho nhỏ, nay, xin được chia sẻ với đông đảo những ai yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt. Nghĩ rằng, tôi không hề đơn độc trên hành trình này vì tự nguyện làm người học trò tiếp bước theo các bậc thầy đáng kính nghiên cứu về tiếng Việt đã và đang đi trước... Sự nghiên cứu này, nói như nhà ngôn ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo cũng là lúc tìm về "linh hồn tiếng Việt".

NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC

Theo Mực Tím

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: