Về miền Tây, nghe kể chuyện đi... ăn đám giỗ

Thứ ba, 10/09/2019 21:17 (GMT+7)

Người miền Tây quan niệm đám giỗ không chỉ để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp họ hàng thân thuộc đoàn tụ...

Bạn đã bao giờ tham dự một đám giỗ (đám cúng cơm) ở miền Tây Nam Bộ chưa? Người miền Tây quan niệm đám giỗ không chỉ để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp họ hàng thân thuộc đoàn tụ, chia sẻ với nhau về chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cái… và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Đám giỗ ở miền Tây thường diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu gọi là tiên thường (bà con hàng xóm bắt đầu xúm lại làm heo, sơ chế các món và ăn uống lai rai) và ngày hôm sau là giỗ chính. Đám giỗ thường có những món đặc trưng như: bánh tét, bánh ít, thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt, gỏi cuốn, gỏi ngó sen…

Đối với nhiều người dân miền Tây, nhất là ở thôn quê, đám giỗ không còn là chuyện riêng của nhà nào mà là chuyện chung của… cả xóm. Phái nữ dân miền Tây gọi nôm na là đàn bà, con gái thì quây quần gói bánh tét, hoặc đổ rau câu, bánh bò, bánh da lợn... và làm thịt gia cầm. Họ vừa làm vừa trò chuyện rôm rả khiến không khí ngày giỗ càng thêm vui vẻ, ấm cúng. Đây cũng là dịp để các bà, các chị vừa trổ tài khéo léo của mình vừa dạy cho các cháu gái sau này biết nấu nướng, làm bánh. Còn đàn ông, con trai thì tát đìa bắt cá, làm heo... Người dân miền Tây quê mình rất nhiệt tình mến khách nên mấy bạn đi đám giỗ cứ ăn uống thoải mái!

Hôm nay mời các bạn xem một vài hình ảnh về đám giỗ ở miền Tây nha! Đây là đám giỗ ông nội của mình đó.

Thường nhà nào ở miền Tây cũng nuôi sẵn heo, gà, vịt… tới đám giỗ là xúm nhau mần. Chặt xẻ heo theo từng loại, giống như ngoài chợ bán gọi là ra thịt. Để ra thịt là cả một nghệ thuật không phải ai cũng ra được đâu à! (Mình thì không biết ra thịt rồi đó, hi hi). Bà con hàng xóm quây quần tiếp nhau mỗi người “một tay, một chân” là một trong những nét đẹp văn hóa miền Tây.

Đám giỗ ở miền Tây phải có bánh tét nghe. Ngày xưa gói bánh tét bằng dây lát giờ thì gói bằng dây tép. Gói bằng dây lát thì cực hơn và dây dễ bị đứt còn gói bằng dây tép tiện hơn và không bị đứt dây. Ngày nay, người dân quê tôi đa số đều chuyển qua dùng dây tép hết.

Mẹ mình nuôi rất nhiều gà vịt để khi đám giỗ làm đãi mọi người nè.

Mọi người lột vỏ trứng để chuẩn bị làm món ăn huyền thoại: thịt kho hột vịt.

Ngày xưa toàn chạy xuồng ra chợ mua, bây giờ thì đường xá ngon lành nên đi xe chở đồ tới nhà luôn.

Phần xương bánh chè nè mọi người, vừa nướng vừa lóc thịt ăn luôn nghe, ngon lắm!

Đây là con lịch. Nhìn giống như con lươn vậy ha, nhưng nó sống ở nước mặn đó.

Lòng heo... ăn ngon mà làm hơi cực à.

“Cây nhà lá vườn”, có gì cúng đó. Hi hi.

Nấu xong thì cha mẹ mình dọn lên bàn thờ rồi đốt nhang cúng ông nội. Theo phong tục thì cha mẹ mình còn đốt gửi đồ xuống cho ông nội mình. Hi hi. Cúng xong thì bà con dòng họ, hàng xóm láng giếng xúm vô ăn à nha. Đông vui ì xèo lắm.

Đi đám giỗ ở miền Tây mọi người không chỉ ăn uống thoải mái mà còn được gói quà đem về nữa, khi thì đòn bành tét, mớ bánh ít, khi thì bọc thịt kho, mấy khúc khổ qua hầm...

Không biết từ bao giờ mà hình ảnh người dân thôn quê xách vài con gà hoặc vài kí trái cây, bánh mứt đi đám giỗ đã không còn hiện diện ở những đám giỗ miệt vườn nữa? Quà cúng giỗ ngày nay hầu hết đã được thay thế bằng phong bì, hay vài thùng bia. Dẫu rằng quê mình vẫn giữ được một ít những phong tục, không khí của đám giỗ xưa nhưng theo thời gian mọi thứ rồi sẽ dần thay đổi? Chỉ tiếc một điều là nét đẹp của đám giỗ ngày trước đã dần lùi vào quá khứ…

Bài và ảnh: ĐẶNG VĂN KHÁNG (Bạc Liêu)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: