Vì sao áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão?

Thứ năm, 19/09/2024 13:30 (GMT+7)

Sau cơn bão số 3, nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng của bão số 4- vốn ban đầu là áp thấp nhiệt đới. Vậy áp thấp nhiệt đới là gì và khi nào nó trở thành bão?

Vì sao áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão?- Ảnh 1.

Ngày 18-9, thời tiết TP.HCM mưa từ sáng đến trưa do chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông - Ảnh: HÀ LINH

Áp thấp nhiệt đới là gì?

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), áp thấp nhiệt đới là một hệ thống thời tiết có áp suất thấp với gió xoáy và mưa lớn, thường xuất hiện ở các vùng biển nhiệt đới. 

Gió trong áp thấp nhiệt đới dưới 63 km/h, tương đương với sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 theo thang đo Beaufort và có thể xuất hiện gió giật.

Vì sao áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão?- Ảnh 2.

Áp thấp nhiệt đới còn là giai đoạn đầu của quá trình hình thành bão - Đồ họa CANVA

Về quá trình hình thành áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai cho biết sẽ cần các yếu tố: khí áp, nhiệt độ, hơi nước, gió,… 

Vì vậy, những vùng có khí hậu nóng của vùng nhiệt đới, trên đại dương hoặc trên biển nhiệt đới thường hay xuất hiện áp thấp nhiệt đới. 

Khi một vùng không khí nóng hơn các vùng xung quanh, khí áp sẽ giảm đi và hút gió từ các phía có khí áp cao hơn về và có xu hướng thăng động (bốc lên cao). 

Gió từ các hướng khác nhau hội tụ và một vùng xoáy sẽ được tạo ra. Hiệu ứng Coriolis do sự quay của Trái Đất giúp duy trì chuyển động xoáy này. 

Mặc dù áp thấp nhiệt đới không có sức gió mạnh như bão nhưng nếu được duy trì, sức gió có thể tăng lên đáng kể gây ra lượng mưa lớn và tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt cục bộ. 

Bão là gì? 

Theo NASA, bão có định nghĩa khá tương đồng với áp thấp nhiệt đới: cũng là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh và có thể có gió giật. 

Vì sao áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão?- Ảnh 4.

Bão có sức gió mạnh hơn so với áp thấp nhiệt đới - Đồ họa CANVA

Tuy nhiên, điểm khác biệt của 2 hiện tượng này chính là sức gió. Khi sức gió đạt từ 63 km/h trở lên, tương đương với cấp 8 trên thang đo Beaufort thì được gọi là bão.

Ngoài ra, bão cũng được phân loại thành nhiều mức độ. Cụ thể, bão có sức gió từ cấp 10 đến cấp 11 được gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 là bão rất mạnh, và từ cấp 16 trở lên là siêu bão.

Theo Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai, để hình thành bão cần có sự chênh lệch nhiệt độ và nguồn hơi nước dồi dào trên các đại dương. 

Khi nhiệt độ cao làm hơi nước bốc lên, các đám mây dày đặc hình thành. Dưới tác động của lực Coriolis, các đám mây sẽ xoay tròn, tạo thành vùng áp suất thấp ở trung tâm (thường được gọi là mắt bão) và vành đai áp suất cao xung quanh.

Sự chênh lệch áp suất này là lý do vì sao xung quanh bão có gió mạnh và mưa lớn, trong khi tâm bão có trời quang và gió yếu vì không khí di chuyển từ trên xuống dưới.

Bão chỉ bắt đầu suy yếu dần và tan đi khi vào đất liền hoặc vùng biển lạnh do mất nguồn năng lượng từ không khí nóng ẩm và lực ma sát với mặt đất.

Khi nào áp thấp nhiệt đới trở thành bão? 

Cũng theo NASA, áp thấp nhiệt đới là giai đoạn đầu của quá trình hình thành bão. 

Trong điều kiện sức gió vẫn được duy trì và tăng đến cấp 8, tương đương với tốc độ gió đạt mốc 63 km/h trở lên, áp thấp nhiệt đới sẽ được nâng cấp thành bão. 

Cuồng phong là gì?

Vì sao áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão?- Ảnh 5.

Cuồng phong là cơn gió cực kỳ mạnh - Đồ họa CANVA

Sự hình thành của cuồng phong bắt đầu từ các cơn bão nhiệt đới. Khi điều kiện thuận lợi như nhiệt độ nước biển cao, không khí ẩm và gió tầng trên yếu, các cơn bão nhiệt đới có thể mạnh lên và trở thành cuồng phong. 

Hiện tượng này được Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ định nghĩa là một cơn gió mạnh cực kỳ mạnh với tốc độ từ 35 m/s trở lên, tương đương với cấp 12 hoặc cao hơn theo thang Beaufort và thường xuất hiện trong những cơn bão lớn. 


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: