Vì sao viêm họng nên "né" đồ ăn chiên xào?

Thứ năm, 10/12/2020 20:54 (GMT+7)

Viêm họng tuy không nguy hiểm nhưng mang đến không ít phiền toái cho khổ chủ. Chỉ với một số mẹo dân gian đơn giản, bạn có thể tạm biệt căn bệnh khó chịu này.

@ Mỗi lần viêm họng, mẹ cho mình súc nước muối, vài lần là khỏi. Nước muối chữa viêm họng cách gì mà hay vậy ạ?

Như Thảo (Q.3, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Nước muối sát trùng, nhưng trong điều trị viêm họng, công dụng chính của nó là giảm sưng nề, đau rát, nhất là làm lỏng đàm nhớt, giúp dễ ho khạc... Nhiều mẹo “cây nhà lá vườn” khác như uống trà mật ong, nước gừng, nghệ tươi, nước muối pha giấm, nước nấu vỏ xoài... cũng có tác dụng tương tự.

@ Đứa bạn hiến kế: bị viêm họng cứ mua lá xông về xông một lần là khỏi liền. Mình đã thử và thấy tác dụng. Có phải lá xông có chất chữa bệnh?

Thanh Huyền (Châu Thành, Tiền Giang)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Thật ra, lá xông không chữa bệnh mà thứ chữa bệnh cho bạn là hơi nước. Hơi nóng giúp làm loãng đàm nhớt, thông họng, giảm ho, ít nhiều có tác dụng với viêm họng. Tương tự, bạn nên tắm nước nóng, ăn uống nóng khi bị viêm họng.

@ Mình nghe nói bị viêm họng nên tránh ăn đồ chiên xào. Có phải do “nóng trong người” không?

Minh Tuấn (Biên Hòa, Đồng Nai)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Thức ăn dầu mỡ vừa làm tăng về lượng vừa tăng độ quánh nhớt của chất nhờn do viêm họng. Đồ chiên xào lại cứng, góc cạnh, không được “hoan nghênh” với vùng họng đang bị sưng tấy, nhạy cảm. Viêm họng, cứ chọn đồ ăn mềm, nấu, luộc cho lành bạn ạ!

@ Mỗi lần bị viêm họng, mình có cần cách li với người trong nhà không?

Huỳnh Tiên (Bình Dương)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Viêm họng hầu hết do virus, vi khuẩn, nên cũng là bệnh lây, dù nhẹ. Trong nhà có người bệnh, nên phòng bị vẫn hơn. Người bệnh cần có đồ dùng riêng, ăn mâm riêng. Người nhà có tiếp xúc phải rửa tay ngay, nhất là trước và sau khi ăn. Giữ “giãn cách” tương đối thôi, không đến độ cách li như Covid-19 đâu nhé.

@ Em gái mình hay bị nôn trớ và viêm họng. Nghe bác sĩ nói phải chữa dứt nôn trớ mới khỏi viêm họng?

Khánh Tường (Q.6, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Nôn trớ ở trẻ nhỏ, trào ngược dạ dày - thực quản ở người lớn, là thủ phạm gây viêm họng có hạng. Dịch vị dạ dày, vốn là một a xít, bị tống ngược lên thực quản, hầu họng gây “bỏng” viêm họng. Thêm nữa, những ai mắc chúng ợ nóng, ợ chua cũng phải đề phòng. Mẹo là sau ăn không nên đi nằm ngay, nên tránh xa cà phê, đồ chua, đồ quá nóng.

@ Mình bị viêm họng, uống kháng sinh cả tuần lễ. Bạn của mẹ nói mình bị... uống kháng sinh oan, vì chỉ cần ngậm kẹo strepsils là khỏi?

Anh Dũng (Vĩnh Long)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Kẹo ngậm strepsils (2,4-dichlorobenzyl alcohol, amylmetacresol, methol, tinh dầu...) có tác dụng diệt khuẩn, gây tê tại chỗ, giảm sưng nề. Cơ bản vẫn là kẹo trị chứng, giảm khó chịu, không phải thuốc “đặc trị”, không thay thế được toa thuốc bác sĩ. Ngậm strepsils hết bệnh liền “trong một nốt nhạc” thường là viêm họng nhẹ.

@ Anh mình bị viêm họng khỏi thì lại bị cảm giác nuốt vướng, như có gì mắc trong họng. Đi khám không ra bệnh gì, cũng không viêm họng tái phát. Có người nói coi chừng bị ung thư?

Quang Vinh (Đồng Tháp)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Đó là chứng loạn cảm họng sau viêm họng. Người mắc luôn cảm thấy vướng trong họng, như thể mắc xương, luôn phải ho khạc, nhưng lại không tìm thấy bất thường gì khi thăm khám. Lí do được cho là sau viêm họng, vùng họng của một số người trở nên nhạy cảm, sinh loạn cảm giác. Phần lớn, chờ vùng họng “bình tĩnh” trở lại sẽ hết. Tuy loạn cảm họng, có khi do bệnh nặng, nhưng nếu xảy ra sau viêm họng thì không nên quá lo lắng nhé.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: