Thứ ba, 31/01/2017 03:44 (GMT+7)

Khi thời gian dần được con người đếm ngược, ta như đang quay về với những ký ức tuổi thơ dần nhạt nhòa theo năm tháng. Những mùa Tết ngập tràn sắc xuân xinh tươi. Với chúng ta, hương vị Tết là những dấu hiệu đặc trưng nhất để ta chợt nhận ra mùa xuân đã đến rồi.

Trên con phố nhỏ quen thuộc từ trường học về nhà, tôi nhìn thấy các chú công nhân đang leo lên những chiếc xe cẩu cao chót vót để trang trí cho ngôi nhà công cộng của cả thành phố. Cứ ngỡ mỗi cây đèn đường đều khô khan như hình dáng của nó, thế nhưng, qua bàn tay khéo léo của những người thợ, chúng trở nên sinh động đến lạ kì. Tôi chạy vội qua những tán cây để không làm cản trở công việc cao quý của các chú rồi chợt nghe cửa hàng bên đường vang lên khúc nhạc xuân: “Xuân đã về”. Lòng tôi nôn nao trong muôn vàn cảm xúc không thể tả được bằng lời. Thế rồi tôi lẩm bẩm hát theo giai điệu vui tươi ngày tết.

“Xuân đã về, xuân đã về, kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông...”

Tôi vẫn nhớ như in những bài nhạc xuân được khắc họa sâu sắc như thế nào trong những ngày tôi còn nhỏ bé. Đó là khoảng thời gian của nhiều năm về trước, nơi tôi sống không giàu ánh đèn đường, tôi và mấy đứa trẻ hàng xóm không thường xuyên đi lại bằng những chiếc xe buýt, những chiếc xe taxi hay các phương tiện giao thông công cộng khác. Chúng tôi dắt tay nhau, rủ rê nhau sang nhà cái Lan, con bác Ba giàu nhất xóm. Chỉ duy nhất nhà bác có một cái máy nghe đĩa. Cái Lan được ba má mua cho một cái đĩa nhạc xuân của Xuân Mai nhân dịp sinh nhật. Cho nên, nhà nó cũng trở thành nơi xôm tụ nhất cả xóm. Chúng tôi thuộc làu làu mười bài hát trong đĩa. Chỉ riêng bài “Xuân đã về” là hay nhất, mỗi lần cả bọn tám, chín đứa thi nhau rống lên là bác Ba lại ôm bụng cười sằng sặc. Bác nói “tụi bay muốn cả xóm bị điếc tai à”. Mấy đứa nhỏ càng khoái, chúng tôi cứ thế hét to hơn, lâu lâu mới có dịp quẩy tưng bừng mà không lo người lớn mắng. Hồi đó, tết chính là ngày của trẻ thơ.

 

Xuân đã về - biểu diễn: Phạm Thanh Thảo

Những cái Tết đậm hương khói nghi ngút từ các nồi báng chưng, bánh tét to oành. Mỗi nhà một nồi đặt ở giữa sân nền đất, trên nền còn vương lại chút ẩm ướt, dư âm tư cơn mưa phùn đêm hôm qua. Mấy đứa nhỏ cứ ngồi phè ra xin má vài cục than vụn đề chơi đồ hàng, những cái nồi làm bằng gáo dừa, mấy cây đũa làm bằng cành củi khô. Trẻ con khi đó nghịch ngợm là nhất. Nhưng ở trên môi của chúng vẫn luôn hiện hữu những nụ cười giản đơn mà hạnh phúc nhất. 

Thời gian chẳng đợi ai bao giờ, thấm thoát cũng đã gần chục năm trôi qua, tết giờ đây sung túc hơn nhiều, đủ đầy hơn nhiều, nhưng sao, tết giờ đây nhạt quá. Có lẽ, khi nhu cầu thiết yếu của con người tăng lên, cơ sở vật chật phát triển thì chúng ta cũng dần lười biếng hơn trong những ngày tết cổ truyền. Tết cổ truyền không phải là ngày để chúng ta phô trương gia thế, nó chỉ đúng nghĩa khi chúng ta cho người khác thấy tình cảm nồng nhiệt của mình bên mâm cơm, bên nồi bánh hay trong những món ăn dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.

Với suy nghĩ của một người sống trong thời buổi hiện đại, tôi hi vọng rằng chúng ta đừng chạy theo ham muốn vật chất mà hãy duy trì truyền thống của những cái tết nguyên đán cổ truyền đậm chất nhân văn của chính chúng ta. Ngày xưa, chúng ta nghèo, chúng ta vẫn có Tết. Vậy, khi chúng ta đã có cuộc sống khá hơn, tại sao chúng ta lại không giữ gìn những cái Tết đúng nghĩa. Hãy như những bài  hát về mùa xuân, luôn tồn tại từ năm này qua nắm khác, được nhiều lớp ca sĩ trình diễn lại và chưa bao giờ là nhàm chán với mỗi người nghe.

CÚC DẠI (NINH THUẬN)

(*): Bài tham dự sân chơi Giai điệu mùa xuân

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: