4 loại chứng chỉ sinh viên cần tích lũy ngay, không lo thất nghiệp sau này

Thứ tư, 30/10/2024 19:38 (GMT+7)

Không chỉ làm đẹp hồ sơ xin việc sau khi ra trường, nếu tích lũy 4 loại chứng chỉ này từ sớm, sinh viên sẽ có nhiều lợi thế trên giảng đường đại học.

4 loại chứng chỉ sinh viên cần tích lũy ngay, không lo thất nghiệp sau này- Ảnh 1.

Sinh viên nên tích lũy các chứng chỉ từ sớm để ra trường đúng hạn - ẢNH MINH HỌA TẠO BỞI AI

1. Chứng chỉ ngoại ngữ

Đây là loại chứng chỉ quen thuộc được nhiều bạn học sinh trang bị từ những năm cấp 2. Các chứng chỉ ngoại ngữ này là cơ sở để các bạn xét tuyển vào các trường đại học. 

Khi lên đại học, từ đầu năm, nhiều trường đại học cũng tổ chức kì thi tiếng Anh đầu vào để đánh giá trình độ của sinh viên. Ngoài những trường đại học bắt buộc sinh viên học chứng chỉ tiếng Anh trong trường, sinh viên còn có thể lựa chọn tự tích lũy các chứng chỉ tiếng Anh theo quy định để nộp xét tốt nghiệp.

Ba chứng chỉ tiếng Anh phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến, đó là: IELTS (International English Language Testing System), TOEIC (Test of English for International Communication) và TOEFL (Test Of English as a Foreign Language). 

Hiện nay, các trường đại học có yêu cầu đầu ra tiếng Anh đối với chứng chỉ IELTS sẽ từ 4.5 trở lên. Hai chứng chỉ TOEIC và TOEFL cũng có yêu cầu trình độ tương tự nhưng có mức quy đổi theo thang điểm riêng.

Vì là điều kiện bắt buộc để ra trường nên sinh viên cần tìm hiểu kĩ về yêu cầu đầu ra của trường và có kế hoạch ôn luyện từ sớm để đạt được điểm số như kỳ vọng.

Ngoài ra, sinh viên các ngành ngôn ngữ còn cần tích lũy thêm chứng chỉ ngoại ngữ theo chuyên ngành đang theo học. 

2. Chứng chỉ tin học

Chứng chỉ bắt buộc thứ hai sau chứng chỉ ngoại ngữ là chứng chỉ tin học. Học chứng chỉ tin học giúp bạn sử dụng thành thạo Word, Excel, PowerPoint,… Đây đều là những kỹ năng tin học văn phòng cơ bản giúp ích rất nhiều trong quá trình học đại học. Đồng thời, chứng chỉ tin học cũng là yêu cầu của rất nhiều nhà tuyển dụng đối với nhân sự.

Nhiều trường đại học sẽ tổ chức dạy và cấp bằng tin học đại cương ngay tại trường. Tuy nhiên, bằng tin học đại cương tại trường chỉ có giá trị khi xét tốt nghiệp và trong phạm vi trường đại học của bạn.

Vậy nên, hiện nay, nhiều sinh viên lựa chọn thi chứng chỉ MOS. Chứng chỉ MOS (Microsoft Office Specialist) là chứng chỉ đạt chuẩn quốc tế, được cấp bởi tập đoàn Microsoft. Đây là bài thi tin học đánh giá kĩ năng tin học của bạn theo tiêu chí toàn cầu. 

Chứng chỉ MOS sẽ gồm các kỹ năng: Microsoft Word, Microsoft Excel, Microsoft PowerPoint, Microsoft Access, Microsoft Outlook.

Sinh viên còn có thể tham khảo thêm chứng chỉ IC3 (Digital Literacy Certification). IC3 là chứng chỉ đánh giá trình độ, những kỹ năng cần thiết trong sử dụng máy tính và Internet ở mức cơ bản một cách tiêu chuẩn nhất.

Đặc biệt, khác với các chứng chỉ tiếng Anh chỉ có giá trị trong 2 năm, các chứng chỉ tin học là không thời hạn. Vậy nên, sinh viên có thể chuẩn bị và đăng kí thi từ sớm để sẵn sàng xét tốt nghiệp đại học. 

3. Chứng chỉ từ các khóa học

Bên cạnh những chứng chỉ bắt buộc tích lũy, bạn có thể tham khảo thêm các khóa học có cấp chứng chỉ trên internet. 

Dưới đây là một số nền tảng online mà bạn có thể tìm kiếm các khóa học cấp chứng chỉ:

- Coursera: Là nền tảng học tập online hàng đầu dành cho sinh viên. Coursera hợp tác với các trường đại học và các nhà giáo dục hàng đầu trên thế giới để cung cấp các khóa học cho sinh viên. Các khóa học trên Coursera cho bạn đa dạng lựa chọn với các khóa học có giá trị đối với nhiều lĩnh vực nghề nghiệp.

- LinkedIn: Có rất nhiều khóa học miễn phí và một số khóa học chất lượng Premium (phải trả phí). Linkedln sẽ cung cấp một số chứng chỉ như: Phát triển Web, Phát triển kinh doanh, Quản lý dự án, Quản trị hệ thống, Chăm sóc khách hàng, Phân tích dữ liệu.

- Google Digital Garage, Google Analytics, Google Adwords: Đây đều là các chứng chỉ do Google chứng nhận. Các chứng chỉ này sẽ giúp đánh giá khả năng của bạn trên các lĩnh vực marketing, phân tích dữ liệu, digital marketing (cụ thể là mảng quảng cáo).

4. Chứng chỉ các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện

Việc tham gia những hoạt động ngoại khóa, tình nguyện mang đến cho sinh viên nhiều trải nghiệm và kỹ năng mềm cần thiết. 

Cụ thể, khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, sinh viên được trao dồi kĩ năng làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề,... Những kỹ năng này đều giúp ích trong môi trường học tập năng động tại giảng đường đại học và là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.

Nên bắt đầu thi các chứng chỉ từ khi nào?

Đối với chứng chỉ tin học MOS, theo bạn Nguyễn Hoàng Giang (sinh viên năm 4, Trường đại học Ngoại thương Cơ sở II), sinh viên nên thi ngay từ năm 1, năm 2 để những năm cuối tập trong vào những môn học chuyên ngành.

Theo Hoàng Giang, kĩ năng tin học văn phòng rất cần thiết. Nhờ có chứng chỉ này mà bạn không còn loay hoay với các phần mềm nữa.

Vừa lần lượt đạt 1000, 976, 975 điểm các phần thi PowerPoint, Word và Excel trong bài thi MOS, Hoàng Giang cho rằng bài thi chứng chỉ MOS không quá khó. Để đạt điểm cao, sinh viên cần học bài và luyện tập thực hành, đọc kỹ quy cách thi để có chiến lược làm bài đúng đắn.

Nhiều lợi thế khi có chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm

Có chứng chỉ IELTS trước khi vào đại học, Hồ Vũ Quỳnh Anh (sinh viên năm 4, Trường đại học Luật TP.HCM) đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và công sức trong quá trình học đại học. Vì có bằng IELTS 6.0 nên bạn được miễn học những môn tiếng Anh không cần thiết trong chương trình đào tạo.

"Nhờ vậy, mình có thời gian để tập trung vào những môn chuyên ngành và kỹ năng chuyên môn." - Quỳnh Anh chia sẻ.

Ngoài ra, theo cô bạn, việc sở hữu chứng chỉ tiếng Anh cũng giúp sinh viên "nổi trội" hơn với khả năng giao tiếp và hiểu biết tiếng Anh trong môi trường làm việc quốc tế.

Đối với ngành Luật bạn đang theo học, việc có trong tay chứng chỉ tiếng Anh cũng giúp Quỳnh Anh có thêm lựa chọn về công việc sau khi ra trường.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: