Bạn có biết về vẽ tranh phong cách máy in chưa?

Thứ sáu, 11/10/2024 06:43 (GMT+7)

Có thể bạn đã nghe qua phong cách vẽ tranh bằng sợi chỉ, vẽ chibi, vẽ nguệch ngoạc… nhưng bạn đã biết đến phong cách vẽ tranh máy in chưa?

Bạn có biết về vẽ tranh phong cách máy in chưa?- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Khanh - Ảnh: NVCC

Chỉ với một bàn tay, trong một thời điểm nhưng anh Nguyễn Văn Khanh (họa sĩ, Bắc Giang) có thể vẽ cùng lúc ba bức tranh khác nhau.

Rẽ hướng cho đam mê

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, anh Khanh không xin được việc làm theo đúng chuyên môn.

Lúc này tình cờ thấy clip vẽ tranh truyền thần của họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên, anh Khanh như tìm được nguồn cảm hứng, quyết tâm tự học vẽ: “Công việc của tôi là vẽ tranh theo yêu cầu khách đặt hàng, sáng tạo nội dung liên quan đến hội họa trên TikTok và YouTube, review quảng cáo cho các dụng cụ vẽ tranh”.

Để học vẽ, anh Khanh bắt đầu tham gia các hội nhóm vẽ trên Facebook, xem YouTube và tự luyện tập. Ban đầu việc học của anh khá khó khăn vì chưa quen với cầm bút, dựng hình chính xác.

Khi đã thuần thục, anh Khanh nhận ra không đơn giản là vẽ tranh đẹp mà còn phải tìm được điểm độc đáo, phong cách riêng của mình trong công việc này.

Bạn có biết về vẽ tranh phong cách máy in chưa?- Ảnh 2.

Bức tranh anh Khanh mất 100 giờ để hoàn thành - Ảnh: NVCC

Vẽ tranh như máy in

Từng thử sức với nhiều phong cách như vẽ chân dung bằng chữ, vẽ bằng sợi chỉ, bằng compa... nhưng cuối cùng anh Khanh chọn dừng lại với phong cách vẽ Printerman (phong cách máy in).

“Cách vẽ này tôi lấy cảm hứng từ họa sĩ DP Trương. Năm 2021 khi xem DP Trương vẽ Ronaldo và Messi trên YouTube tôi thử tập luyện theo”, anh chia sẻ.

Cụ thể, anh Khanh thiết kế bút vẽ bằng cách dùng thanh tre có độ dài vừa đủ với khổ giấy. Sau đó kẹp bút vào thanh tre, cố định bằng băng dính. Như vậy chỉ cần tay anh Khanh cầm một cây bút, cây bút còn lại cũng được điều khiển theo.

Nghe qua đơn giản nhưng đây thật sự là một kỹ thuật rất khó. Ban đầu anh Khanh phải tập luyện từ mức độ dễ như một bên vẽ hình tròn, bên còn lại hình vuông. Để nâng cao hơn, anh tập vẽ đôi mắt bên còn lại là mái tóc.

“Do chưa quen nên tôi vẽ xấu và sai tỉ lệ rất nhiều. Tôi vẫn quyết tâm luyện tập cho đến tháng 3-2023 mới cho ra đời bức vẽ đầu tiên. Đó là chân dung ca sĩ Lisa và Rosé của nhóm nhạc BlackPink”, anh Khanh nhớ lại.

Bạn có biết về vẽ tranh phong cách máy in chưa?- Ảnh 3.

Cách anh Khanh vẽhai bức tranh cùng lúc - Ảnh: NVCC

Gian nan luyện tập

Lần đầu tập vẽ tranh Printerman, anh Khanh không quen điều khiển ngòi bút. Vẽ xong cây bút thứ nhất đến ba giây sau anh mới điều khiển bút thứ hai nên chưa thể gọi là vẽ cùng lúc.

“Tôi dành thời gian tập luyện nhiều hơn để tay và não quen dần với cách điều khiển một lần hai cây bút. Khi đã thuần thục, tôi tiếp tục thử sức vẽ cùng lúc với ba cây bút để hoàn thành ba bức tranh”, anh Khanh kể. 

Theo anh Khanh, khó khăn đầu tiên là phải điều khiển tất cả các cây bút sao cho mực chạm vào giấy nhưng mỗi cây bút có lực mạnh, yếu khác nhau để tạo ra các nét đậm nhạt từng bức tranh.

Tranh Printerman chỉ vẽ bằng một bàn tay, nên việc dùng lực cổ tay để điều khiển “hệ thống” bút vẽ trong thời gian dài khiến cổ tay dễ bị cứng, tê. Và cuối cùng anh Khanh phải vừa vẽ tranh vừa quan sát, đối chiếu nhiều mẫu khiến mắt và não phải tập trung cao độ.

Bạn có biết về vẽ tranh phong cách máy in chưa?- Ảnh 4.

Vẽ cùng lúc ba bức tranh - Ảnh: NVCC

Việc tạo ra các bức tranh theo phong cách Printerman khá căng thẳng nhưng đổi lại cũng mang đến điều thú vị.

Anh Khanh cho biết: “Trong quá trình vẽ tôi đều quay clip. Với phong cách này tôi phải vẽ từ trên xuống, các chi tiết sẽ từ từ xuất hiện như một chiếc máy in, tạo cảm giác tò mò khiến người xem mong chờ kết quả. Vì quá khó nên nhiều người không tin, cho rằng tôi cắt ghép clip. Thậm chí có người còn bình luận vui bảo tôi có đến ba bộ não”.

Bình thường anh Khanh sẽ mất khoảng 5 đến 6 tiếng để hoàn thành một bản vẽ. Không đơn giản chỉ là vẽ tranh mà đối với anh Khanh đây còn là “tiết mục” trình diễn bằng cách livstream trên TikTok nên cần có cảm xúc.

Trong 3 năm qua, anh Khanh đã cho ra đời khoảng 1.000 bức tranh. “Tôi vẫn rất say mê với thể loại này. Sắp tới tôi muốn thử tăng số lượng tranh vẽ cùng lúc lên 4, 5 tranh, thậm chí nhiều hơn nữa”, anh Khanh chia sẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: