Ca khúc Mùa xuân trên TP.HCM, truyện dài Mắt biếc lọt top 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu TP.HCM

Thứ sáu, 25/04/2025 13:59 (GMT+7)

50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu đã góp phần vào quá trình phát triển bền vững của văn học nghệ thuật thành phố sau ngày đất nước thống nhất.

Ca khúc Mùa xuân trên TP.HCM, truyện dài Mắt biếc lọt top 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu TP.HCM- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM) phát biểu tại chương trình công bố và giao lưu 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu TP.HCM - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Sáng 25-4, tại Nhà văn hoá Thanh niên (quận 1) đã diễn ra chương trình công bố kết quả bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu TP.HCM.

Đây là hoạt động được tổ chức nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 tác phẩm tiêu biểu được TP.HCM bình chọn và tuyên dương nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố trong nửa thế kỷ hình thành và phát triển.

Trải qua 3 vòng hội đồng và công tác lấy ý kiến nhân dân, 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật chính thức và 8 tác phẩm dự phòng đã được hội đồng thống nhất và đề xuất lãnh đạo thành phố công nhận.

Ở lĩnh vực âm nhạc, có 7 tác phẩm được công nhận. Trong đó, có những bài hát quen thuộc được giới trẻ hát vang trong dịp lễ 30-4 này như: Mùa xuân trên TP.HCM, Đất nước trọn niềm vui,...

Ở lĩnh vực văn học, truyện dài Mắt biếc (nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) - quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả - cũng lọt vào danh sách công nhận.

Công tác bình chọn không chỉ nhằm thể hiện sự tri ân rộng rãi đối với các tác giả là văn nghệ sĩ mà đây còn là dịp để nhìn nhận, đặt ra những yêu cầu và kỳ vọng mới trong quá trình xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật thành phố trong thời kỳ hội nhập, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.

Ca khúc Mùa xuân trên TP.HCM, truyện dài Mắt biếc lọt top 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu TP.HCM- Ảnh 3.

Ông Tuấn Lê - đạo diễn của "À Ố Show", ông Nguyễn Quang Vinh - đại diện nhóm tác giả Bộ tranh gốm tại Đền Bến Dược, NSND Hữu Danh - tác giả vở diễn hát bội "Lê Công Kỳ Án" và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - tác giả ca khúc "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" (từ trái sang) giao lưu tại chương trình - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM), các tác phẩm sau khi trải qua hội đồng sơ khảo và hội đồng đề cử chuyên ngành, Sở Văn hoá và Thể thao đã thành lập trang thông tin điện tử "Bình chọn các tác phẩm văn học – nghệ thuật tiêu biểu của thành phố" để ghi nhận ý kiến của công chúng.

Hệ thống nhận về hơn 55.000 lượt bình chọn từ công chúng. Điều này đã thể hiện sự quan tâm và đồng hành của xã hội đối với hoạt động nghệ thuật.

Dự kiến lễ tôn vinh 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu sẽ diễn ra vào tháng 5-2025, tại Nhà hát thành phố.

Kết quả 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của TP.HCM

Âm nhạc (7 tác phẩm)

1. Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh – Xuân Hồng

2. Tiếng hát từ thành phố mang tên Người – Nhạc: Cao Việt Bách, Lời: Đăng Trung, Cao Việt Bách

3. Thành phố tình yêu và nỗi nhớ – Nhạc: Phạm Minh Tuấn, Thơ: Nguyễn Nhật Ánh

4. Đất nước trọn niềm vui – Hoàng Hà

5. Bên tượng đài Bác Hồ – Nhạc: Lư Nhất Vũ, Lời: Lê Giang

6. Một đời người một rừng cây – Trần Long Ẩn

7. Giao hưởng số 6 "Sài Gòn 300 năm" – Nguyễn Văn Nam

Điện ảnh (6 tác phẩm)

1. Cánh đồng hoang (1979) – Đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến

2. Ván bài lật ngửa (08 tập) – Đạo diễn: Lê Hoàng Hoa

3. Vị đắng tình yêu – Đạo diễn: Lê Xuân Hoàng

4. Mê Kông ký sự – Tổng đạo diễn: NSND Phạm Khắc. Đạo diễn: Dư Kim Hoàng, Lý Quang Trung, Nguyễn Hoàng

5. Ngọc trong đá – Đạo diễn: Trần Cảnh Đôn

6. Biệt động Sài Gòn – Đạo diễn: NSND Long Vân

Kiến trúc (5 tác phẩm)

1. Đền Tưởng niệm Vua Hùng Thành phố Hồ Chí Minh – KTS. Nguyễn Trường Lưu

2. Đền Tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi – KTS. Khương Văn Mười

3. Nhà Thiếu nhi và Quần thể công trình Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh – KTS. Nguyễn Trường Lưu

4. Nhà hát Hòa Bình quận 10 – Chưa xác định tác giả

5. Nhà Văn hóa Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh – KTS. Nguyễn Trung Kiên

Múa (5 tác phẩm)

1. Mâm vàng Cửu Long – NSND Thái Ly

2. Chuyện tình non sông – NSND Vũ Việt Cường, NSND Trần Kim Quy

3. Huyền thoại Rừng Sác – Kịch bản, biên đạo: Huỳnh Quang Trí. Âm nhạc: Đức Trịnh

4. Trắng đen (Ánh sáng và bóng tối) – Kịch bản, biên đạo: NSND Tô Nguyệt Nga. Âm nhạc: Ca Lê Thuần

5. Mùa Sen nở – NSND Hoàng Phi Long

Mỹ thuật (5 tác phẩm)

1. Tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” – Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu

2. Tượng đài “Mẹ Tổ quốc và Chiến sĩ vô danh” – Nhà điêu khắc Nguyễn Hải

3. Tranh “Thanh niên thành đồng” – Họa sĩ Nguyễn Sáng

4. Tượng “Nguyễn Tất Thành” – Nhà điêu khắc Phạm Mười

5. Bộ tranh gốm Đền Bến Dược (3 bộ)

Nhiếp ảnh (5 tác phẩm)

1. Mẹ con ngày gặp mặt (ảnh đơn) – Lâm Hồng Long

2. Ảnh thời chiến (sách ảnh) – Lâm Tấn Tài

3. Bí thư Võ Văn Kiệt trao cờ xuất quân cho tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh đơn) – Thiên Điểu

4. Sài Gòn ngoan cường (sách ảnh) – Nguyễn Á

5. Vượt qua bóng tối (sách ảnh) – Trần Thế Phong

Sân khấu (7 tác phẩm)

1. Vở cải lương “Người ven đô” (1976) – Tác giả: Minh Khoa, chuyển thể: Nguyễn Gia Nghiệm. Đạo diễn: Minh Trị

2. Vở kịch nói “Lá sầu riêng” – Tác giả: Hoàng Dũng. Đạo diễn: NSND Ngô Y Linh, NSND Kim Cương

3. Vở diễn cải lương “Tiếng trống Mê Linh” – Tác giả: Việt Dung – Vĩnh Điền. Đạo diễn: NSND Ngô Y Linh

4. Vở diễn hát bội “Lê công kỳ án” – Tác giả: NSƯT Hữu Danh. Đạo diễn: Nguyễn Hoàn

5. Vở diễn cải lương “Rồng Phượng” – Tác giả: Lê Duy Hạnh. Chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt. Đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu

6. À Ố Show – Lune Production

7. Vở diễn kịch nói “Dạ cổ hoài lang” – Tác giả: NSƯT Thanh Hoàng. Đạo diễn: NSƯT Nguyễn Công Ninh

Văn học (5 tác phẩm)

1. Quê hương Địa đạo (Truyện và ký) – Viễn Phương

2. Bàn thờ tổ của một cô đào – Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

3. Ở R – Chuyện kể sau 50 năm – Nhà văn Lê Văn Thảo

4. Mắt biếc – Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

5. Tập thơ “Thì thầm với dòng sông” – Nhà thơ Hoài Vũ

Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số (5 tác phẩm)

1. Tác phẩm sách văn học: “Học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đoàn kết dân tộc” - Chủ biên: Tiến sĩ Trần Thanh Pôn (dân tộc Khmer)

2. Tác phẩm sách “Người Chăm với Bác Hồ” – Thực hiện: Chi hội Văn học nghệ thuật dân tộc Chăm. Chủ biên: Tiến sĩ Phú Văn Hẳn (dân tộc Chăm)

3. Tác phẩm thư pháp: “Nhật ký trong tù” – Thực hiện: Chi hội Thư pháp. Chủ biên: Nghệ nhân thư pháp Trần Xuyên (dân tộc Hoa)

4. Tuyển tập thư pháp: “Thực hiện di chúc Bác Hồ 1969–2019” – Thực hiện: Chi hội Thư pháp. Chủ biên: Nghệ nhân nhân dân Trương Lộ (dân tộc Hoa)

5. Nét đẹp văn hóa cộng đồng qua Hội quán người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh – Lưu Kim Hoa

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: