Cẩn thận, coi chừng bạn đang bị quấy rối!

Thứ sáu, 07/03/2025 21:09 (GMT+7)

Có nhiều lời nói, cử chỉ, hành động mang tính chất quấy rối nhưng thường bị bỏ qua. Các bạn nên cảnh giác và học cách bảo vệ mình.

Cẩn thận, coi chừng bạn đang bị quấy rối!- Ảnh 1.

Hãy cảnh giác và đấu tranh với những lời nói, cử chỉ, hành động mang tính chất quấy rối

Cách đây không lâu, á hậu 2 Miss Universe Vietnam 2023 Hồng Đăng công khai chia sẻ câu chuyện bản thân bị quấy rối ngay trên đường phố.

Thực tế, có nhiều lời nói, cử chỉ, hành động mang tính chất quấy rối nhưng thường bị bỏ qua. Hoặc nạn nhân vì lý do tâm lý nên ngại chia sẻ và đấu tranh để bảo vệ mình.

Những tình huống 'trời ơi đất hỡi' trên đường

Một lần, trên đường từ trường về ký túc xá, Ái My (sinh viên ở TP.HCM) gặp một nhóm đàn ông đang ngồi nói chuyện. Thấy My đi ngang, họ liên tục la lớn "em ơi, em ơi" khiến cô bạn giật mình.

"Nghe họ gọi, mình sợ quá nên đi nhanh hơn, thế là họ đứng dậy đi theo. Mình vội băng qua đường, chạy lại chỗ đông người. Lúc đó mới tầm 3, 4h chiều thôi, đường cũng không đến nỗi vắng" - My kể.

Thanh Hà (học sinh ở Bình Định) cũng từng gặp phải tình huống tương tự. "Hôm đó mình đi làm thêm, về lúc 11h đêm nên đường vắng lắm. Tự nhiên có người đàn ông chạy xe máy áp sát mình, lại còn thực hiện hành vi không đứng đắn" - Hà nhớ lại.

Trong lúc hoảng hốt, cô bạn chỉ còn cách giả vờ điện thoại cho người thân. "Mình nói như thể hét lên, may là đến ngã rẽ ông ấy không bám theo mình nữa" - Hà chia sẻ.

Quấy rối: không chỉ ở hành động

Chúng ta thường cho rằng quấy rối chỉ tồn tại ở dạng hành động cụ thể, chẳng hạn việc cố tình đụng chạm hoặc tiếp xúc cơ thể. Nhưng quấy rối không chỉ là hành động.

Theo thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thị Hiền (Đoàn luật sư TP.HCM, giám đốc công ty Luật Đỉnh Phong), quấy rối có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức.

Cẩn thận, coi chừng bạn đang bị quấy rối!- Ảnh 3.

Các dạng quấy rối bạn có thể gặp - Infographic: ĐHT

Nếu nhận thấy bản thân đang bị quấy rối, bạn nên xử trí thế nào?

Theo luật sư Hiền, điều quan trọng nhất là bạn phải bình tĩnh và tìm cách xử lý phù hợp để bảo vệ bản thân. Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện:

1. Xác định tình huống

- Đánh giá, nhận biết được hành vi quấy rối là gì (lời nói, cử chỉ, hành động thể chất…).

- Đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình huống để có cách ứng phó phù hợp.

2. Thể hiện thái độ rõ ràng

- Nếu bản thân cảm thấy an toàn, hãy nói thẳng với người quấy rối rằng hành vi của họ là không thể chấp nhận được. Ví dụ: "Làm ơn dừng lại ngay, tôi không thích điều này!".

- Sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ, rõ ràng nhưng không khiêu khích.

3. Di chuyển đến nơi an toàn

- Nếu tình huống có thể trở nên nguy hiểm, hãy nhanh chóng rời khỏi khu vực đó và tìm đến nơi an toàn hơn.

- Nếu đang ở trên phương tiện giao thông công cộng, hãy di chuyển đến chỗ gần tài xế hoặc nhân viên hỗ trợ an ninh.

4. Tìm kiếm sự giúp đỡ

- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh, chẳng hạn cảnh sát, nhân viên an ninh, nhân viên cửa hàng hoặc người đi đường.

- Nếu đang ở trường học, hãy báo ngay với giáo viên, nhân viên nhà trường hoặc ban quản lý.

5. Ghi nhớ thông tin

- Cố gắng ghi nhớ hoặc ghi lại các chi tiết về người có hành vi quấy rối (ngoại hình, quần áo, phương tiện...).

- Nếu có thể, hãy chụp ảnh hoặc quay video để làm bằng chứng (nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân).

6. Báo với cơ quan chức năng

- Nếu hành vi quấy rối nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần, hãy báo cáo với cảnh sát hoặc cơ quan có thẩm quyền.

- Cung cấp đầy đủ thông tin và bằng chứng để hỗ trợ quá trình điều tra.

7. Chăm sóc bản thân

- Sau sự việc, hãy dành thời gian để bình tình và chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình.

- Nếu cảm thấy cần thiết, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý.

Người quấy rối có thể bị xử phạt ra sao theo quy định pháp luật?

Luật sư Hiền phân tích, người quấy rối có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Xử phạt hành chính

Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi quấy rối bị xử lý với các mức phạt từ 2 - 3 triệu đồng hoặc từ 5 - 8 triệu đồng, tùy mức độ.

Đối với hành vi quấy rối bằng hình ảnh trên mạng xã hội, căn cứ Điểm g Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người quấy rối có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng hoặc từ 30 - 50 triệu đồng, tùy mức độ.

Ngoài ra, người có hành vi quấy rối buộc phải xin lỗi công khai, trừ trường hợp nạn nhân có đơn yêu cầu không xin lỗi công khai.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể. Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi này đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác, người quấy rối có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: