Cậu bạn gen Z đồng hành cùng mẹ chữa bệnh ung thư tuyến giáp

Thứ sáu, 16/08/2024 06:38 (GMT+7)

Chàng trai gen Z hy vọng qua câu chuyện của mình, các teen biết yêu thương, quan tâm đến bố mẹ mình nhiều hơn.

Cậu bạn gen Z đồng hành cùng mẹ chữa bệnh ung thư tuyến giáp- Ảnh 1.

Hãy chăm chụp ảnh kỷ niệm những lần đi đâu đó cùng mẹ, trân trọng thời gian được ở cạnh mẹ của mình - Ảnh: MẶC HIÊN

Chia sẻ cùng Mực Tím, chàng trai gen Z xúc động kể lại quãng thời gian cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến giáp.

"Mẹ mình là giáo viên tiểu học, cứ bước xuống bục giảng là mẹ trở lại bếp lò, nội trợ chăm sóc gia đình. Công việc vất vả là thế, mẹ lại chưa bao giờ chủ động nói cho mình biết về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Cho đến khi sức khỏe của mẹ có dấu hiệu bất ổn, đi xét nghiệm tại cơ sở y tế tỉnh cho ra kết quả mẹ bị phình giáp, sinh thiết có khối u bên thùy phải tuyến giáp.

Gen Z cùng mẹ khám bệnh và điều trị

4 tháng uống thuốc mà không thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, mình ra sức thuyết phục mẹ lên bệnh viện lớn tại TP.HCM và đồng hành cùng mẹ trong thời gian này.

Sáng hôm đó, khoảng 4h 30 phút, mình và mẹ xếp hàng ở sảnh bệnh viện Ung Bướu II (TP Thủ Đức) để lấy số thứ tự khám bệnh. Dòng người nối nhau đi, rồi ngồi ngay ngắn ở khu vực chờ.

Khám xong, những người có nguy cơ mắc ung thư sẽ nhận giấy chỉ định làm các bước được yêu cầu để xác định bệnh.

Khoảng cách giữa các phòng trong bệnh viện tương đối xa do diện tích khuôn viên lớn, mình vừa xách đồ theo sau mẹ vừa có trăm ngàn mối lo trong đầu.

Cả buổi sáng, mẹ đã thực hiện các bước lấy máu, chọc cổ lấy tế bào tuyến giáp xét nghiệm, siêu âm vùng cổ xem khối u to hay nhỏ rồi đợi kết quả vài tiếng đồng hồ. 

Riêng sinh thiết phức tạp nhất (xác định ung thư) nên ai cũng phải đợi đến hai hôm sau. Mẹ mình nói: “Trời ơi mắc bệnh khổ thiệt đó, tốn tiền rồi thời gian dữ dội luôn á! Biết vậy mẹ đi khám sớm rồi”.

Mẹ tiếc nuối cũng có lý do chính đáng, chỉ trong thời gian thăm khám và xét nghiệm giai đoạn đầu, nhà mình đã mất 4 ngày, mỗi ngày đều đi taxi từ nhà bà con ở Bình Tân đến bệnh viện, khoảng cách 33km, cả đi lẫn về 1 ngày tốn tiền xe khoảng 700 nghìn đồng, nhân lên 4 ngày là khoảng 2 triệu 800 nghìn đồng. Chưa kể các loại phí khám bệnh, phí xét nghiệm, phí siêu âm... và tiền ăn uống, sinh hoạt trong thời gian ở TP.HCM.

Và rồi trong buổi sáng trời âm u ngậm nước mãi không chịu trút cơn mưa, mình cầm trên tay kết quả mẹ bị ung thư, có hai khối u trong tuyến giáp, một lành tính và một ác tính.

Mẹ nói: “Con đừng lo, mẹ mổ cái là xong ấy mà, không sao cả, mọi thứ sẽ qua thôi” nhưng tay mẹ mướt mồ hôi, ánh nhìn buồn bã còn môi đang cố cười để mình không bị ảnh hưởng cảm xúc.

Nhưng dù ráng đến mức nào mình cũng không kiểm soát được cơ mặt, cả chuyến xe dài trở về mình không ít lần lảng tránh để mẹ không nhìn thấy biểu cảm. Làm gì có ai trên đời chịu nổi khi mẹ mình bị bệnh ung thư đâu cơ chứ!

Sau khi có kết quả sinh thiết, mẹ đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm tình trạng cơ thể và phương pháp điều trị là phẫu thuật lấy hai khối u trong tuyến giáp, sau đó uống iod phóng xạ nhằm tiêu trừ tế bào ung thư. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân không được ăn uống trong vòng 8 tiếng và còn làm thêm các thủ tục xét nghiệm.

Thời gian phẫu thuật kéo dài 3 tiếng rưỡi, từ 16 giờ đến 19 giờ 30, sau đó có phát sinh thêm 2 tiếng vì khi bác sĩ nạo xong hạch ác tính thì phát hiện u ác tính đã xâm lấn đến gần dây thanh quản, quá trình cắt bỏ toàn phần tuyến giáp trở nên căng thẳng hơn.

Thời gian mình chờ mẹ tỉnh dậy (hết thuốc gây mê + hồi sức) là 4 tiếng 45 phút. Dù các cô y tá nói mẹ sẽ được đưa lên phòng thường, bảo mình cứ đi trước nhưng mình đã chọn ở lại khu vực chờ, bởi mình sợ khi mẹ mở mắt nhìn xung quanh không thấy người thân bên cạnh.

Đêm khuya, không gian dần mất đi âm thanh, từ đông đúc đến khi chỉ còn mỗi mình trên băng ghế lạnh. Cứ cách vài chục phút lại có tiếng giường di động được đẩy kít kít vang ra từ phòng hồi sức, chỉ có mẹ mình là chưa trở ra.

Mình cứ đợi và đợi, không biết mẹ tỉnh chưa? Sau này có di chứng cổ họng nghiêm trọng không, không biết còn sức la mình vì để bừa bộn phòng ốc không? Mẹ còn có thể nhìn thấy mình khi trở thành giáo viên giống như mẹ không? Hơn trăm ngàn câu hỏi không ai dám chắc để trả lời.

Điều trị sau phẫu thuật

Như đã nói ở trên, mẹ mình sẽ phải uống thuốc bù giáp suốt đời do đã cắt toàn phần tuyến giáp. Một tháng sau đó, khi mình bắt đầu trở lại trường để kết thúc những tháng cuối năm học, mẹ được triệu tập đi uống iod phóng xạ và thực hiện cách ly 21 ngày.

Thời gian đó vô cùng khó khăn khi gia đình không được phép đến gần kể cả khu vực mẹ ở vì nơi đó là căn trọ chuyên được cho thuê để cách ly, mọi sinh hoạt mẹ phải tự lo liệu trong gian phòng 15 mét vuông.

Lúc này, mình và mẹ “gặp nhau” qua call video hàng ngày. Mẹ nói: “Bệnh thì hổng có buồn, mà cách ly không gần chồng gần con thì hơi hơi buồn, ha ha. Nhưng mà hên là có cái điện thoại, mẹ gọi điện nói chuyện với các cô các dì, gọi cho con, con bận thì mẹ coi phim, con đừng lo cho mẹ nha!”. Thú thật, cảm giác bất lực nhất là nhìn thấy mẹ giả vờ ổn.

Cậu bạn gen Z đồng hành cùng mẹ chữa bệnh ung thư tuyến giáp- Ảnh 3.

Hãy chăm nắm lấy bàn tay đã dìu dắt mình đi những bước đầu tiên trên cuộc đời - Ảnh: MẶC HIÊN

Cách ly xong, gia đình mình được tin rằng các bệnh nhân cần phải xạ hình lần nữa để xem chỉ số ung thư như thế nào, chụp phim chưa sạch thì đợi đến đợt sau uống iod tiếp, cứ phải như thế cho đến khi xạ hình phim sạch mới được làm giấy ra viện.

Vừa nắm thông tin xong mẹ cũng có chút lo lắng, nhưng may mắn tính đến nay, mẹ chỉ trải qua 2 lần cách ly xa nhà, sức khỏe đã cải thiện tốt hơn nhiều và chỉ còn đợi uống thêm một liều 05, cách ly 7 ngày và duy trì uống bù giáp hàng ngày là được.

Hy vọng rằng sau câu chuyện của mình, các bạn sẽ chủ động lắng nghe những gì bố mẹ chia sẻ, chủ động tìm cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Và nhớ hãy thương mẹ nhiều hơn nữa nhé, mẹ của chúng mình thật ra không có mạnh mẽ đâu, mong manh lắm nhưng vì làm mẹ nên gắng cứng cỏi vậy ấy mà.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: